Anh là nhân vật chính trong vụ tai nạn giao thông khá thương tâm và cùng với hai người em của mình rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. Nhiều tờ báo đưa tin, nhiều đơn vị, nhà hảo tâm đến thăm. Nhiều tấm ảnh được chụp và đưa lên mặt báo... Ở đó, anh sinh viên lúc tỉnh dậy thấy người thân của mình đang chìa tay ra trong tư thế nhận tiền của ai đó. Anh bảo rằng mình không đọc nổi dòng tin ấy và cố tình quên nó đi mà không được. Tấm ảnh làm cho anh thấy tự nhiên mình trở thành kẻ bị thương hại một cách quá đáng. Anh cảm thấy sợ hãi với những người viếng thăm, trao quà. Trong những nỗi sợ ấy, có một nỗi sợ lớn hơn, ám ảnh hơn: Những ánh đèn flash nhá lên, những bức ảnh và dòng tin trên mặt báo...
Chuyện này khiến tôi nhớ đến tấm hình mà một đồng nghiệp nào đó vứt trên bàn: Một dòng người xếp hàng trước một căn nhà tình thương, trên tay ôm những gói quà. Có một bà cụ lưng gần như cong hẳn lại, nhưng vẫn phải đứng chờ người ta trao quà hết cho dòng người rồi mới đến phiên bà chụp hình để đưa lên báo. Lại chuyện khác: Trong một lần phát xe lăn cho trẻ em tàn tật, những nhà tổ chức cố gắng bắt những đứa trẻ bị bại liệt phải được cha mẹ bế lên trình diễn tới lui nhiều lần trên sân khấu. Lẽ ra người ta chỉ trao tượng trưng cho một vài em thì hầu hết các em phải ưỡn người, ngây mặt ra để nghe diễn văn và nhận quà trước ống kính quay phim, chụp hình.
Tôi đã có những chuyến đi để trao quà tình thương và thấy nhẹ lòng khi nghĩ mình đã làm việc có ích. Tôi đâu biết trong sự nhẹ lòng của mình, có một sự nặng lòng khác. Nó rơi vào phía sau bức ảnh khi vô tình chạm vào lòng tự trọng và có thể gây một thương tổn nào đó cho người khác. Bức ảnh đã “bắt dừng” một khoảnh khắc buồn trong cuộc đời của những người không may mắn.
(Theo Người Lao Động)