Bà Mai đang báo với kỹ thuật viên Cường tình trạng bị hỏng thì chính anh Cường nhận liên tiếp hai cú điện thoại khách hàng than vãn cũng D70 tình trạng y vậy.
Ông chủ tiệm mua bán máy ảnh trên đường Lê Lợi (quận l, TP HCM), nói với bà Mai: "Em chân tình nói với chị, thật ra máy ảnh số chỉ xài được một đến một năm rưỡi thôi". Vậy cái model mới ra lò D70S có phải để khắc phục lỗi của D70? Ông chủ hiệu nói mới bán có một cái, chưa biết tình hình ra sao, "còn D70 không dám bán nữa, khách hàng rên dữ quá". Và chỉ trong vòng một tháng, D70 từ 1.000 USD xuống còn 700 USD, D100 từ 1.600 USD xuống còn 1.100 USD, máy của các hãng khác cũng rớt giá nhưng ít hơn Nikon.
Máy hỏng thì mang đi sửa nhưng chưa chắc sẽ hoàn thiện và phải mất vài tháng, vì có thể phải gửi ra nước ngoài. Bà Mai kể, tham khảo bạn bè trong giới ảnh, họ cho rằng, hầu hết máy được sửa chữa trong nước, xem hư bộ phận nào, đặt mua phụ tùng nước ngoài về thay. Bởi một lẽ, người trong giới ảnh luôn trung thành với một hiệu máy vì nếu đổi sang hiệu khác sẽ phải tốn nhiều tiền để sắm vài ống kính theo máy, cho nên họ cứ phải đeo...
Về tình trạng hỏng của D70, ông Cường nói: "Nó thường hư bộ nguồn nhưng hiện không có đồ để thay". Vậy nên xài thứ nào, D100 cũng có người đã bị trục trặc? Ông Cường chắc nịch: "Hư thì máy nào mà không hư!".
Để xác định thêm vấn đề, trao đổi với ông Lưu Chí Dũng, trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Tân Thịnh (đại diện hãng Nikon), cho biết máy D70 đúng là có hư bộ nguồn và công ty đã gặp hai trường hợp như vậy trên tổng số bán ra, vì chưa thống kê kỹ; còn ngoài thị trường trôi nổi có thể bị hư nhiều.
Ông Đạt hành nghề dịch vụ cưới ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, tháng 7/2004 mua máy Fuji Pro S2 (không ống kính) giá 1.650 USD tại chính hãng, mới chụp được một tháng thì trục trặc. Đem lên công ty bảo hành, họ báo lỗi phần mềm, trong nước sửa không được, đề nghị gửi đi Singapore sửa. Chờ gần 3 tháng sau, công ty bảo, cả châu Á cũng không có đồ thay vì hết sản xuất đời S2, chuẩn bị ra S3... “Đi lui, đi tới công ty bảo hành những bảy, tám lần mới được tổng giám đốc ký quyết định trả tiền lại, quả là khổ", ông Đạt kêu.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, không riêng Fuji, Nikon D100 đời mới của tiệm Dũng ở Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh cũng hỏng; trong thời gian chờ nước ngoài sửa xong gửi về, "tiệm đành phải "ôm" thêm một máy D100 nữa để hành nghề". Cũng trường hợp qua thời gian bảo hành 1 năm thì máy S2 hỏng, ông Nghĩa, hành nghề chụp ảnh, lên hãng hỏi, họ biết chính xác luôn là máy hỏng bộ phận gì và "bán bộ phận thay thế đó giá 1.100 USD". Đành tính đường rẻ hơn, gửi người quen mang sang Singapore sửa tốn 350 USD và ông Nghĩa đang chờ vì phải mất 4 tháng mới sửa xong.
Không riêng Nikon, Fuji, máy Canon cũng hỏng vậy. Cách nay 1 tuần, ông Quang Anh, nhiếp ảnh viên đang chụp cái Canon D300 bỗng máy "tối om". Máy này mua 1.400 USD và đã xài được 14 tháng, ông Anh nói: "May mà hư nhẹ, sửa có 100 USD, các loại máy ảnh số cứ trục trặc là phải tốn không ít tiền để cứu nó”.
Cũng hành nghề như ông Anh, ông Việt Đức ở Hà Nội, mua máy ảnh Canon 10D ở chính hãng tại TP HCM, hoạt động được 5 tháng đã bị lỗi phần mềm và "phải bỏ bảo hành sửa đến 4 tháng mới xong".
Một sản phẩm có giá trị cao như máy ảnh số mà vắn số như vậy liệu người sắm nó để hành nghề có hoàn vốn kịp?