Đến hôm nay, ngày đầu tuần mà chị Nga, 24 tuổi, ở phường Kim Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội vẫn chưa thể về nhà. Chị và bạn cùng phòng phải đi tá túc nhờ ở chỗ bạn thân ở khu Bạch Mai từ hôm thứ sáu tuần trước. Cơn mưa lớn gây ngập úng tại nhiều điểm ở Hà Nội, khiến điện cũng mất, nước cũng không có. Đến tối hôm qua, 2/11, chị Nga gọi điện về khu nhà, mọi người ở đó nói vẫn chưa có điện nước và bảo chị cứ "yên tâm" mà đi tránh lụt.
"Tôi cũng rất ngại, phòng bạn tôi không rộng rãi, lại có thêm một người khiến cho không gian càng chật chội. Nhưng cũng vì bất đắc dĩ nên cố khắc phục thôi, chứ về nhà, điện nước cả khu không có, tầng 1 thì vẫn ngập, khổ lắm", chị Nga cho biết. Ngay phòng bên cạnh chỗ tá túc, một cô sinh viên ĐH Luật cũng có hai người bạn ở nơi khác đến trú nhờ vì không có điện, nước vì ngập lụt. Điều lo lắng hiện giờ của chị là chiếc xe mấy ngày nay ngâm trong nước không biết có nổ máy được không. Quanh khu chị ở phải đi một đoạn khá xa mới có chỗ sửa chữa.
Nhà chị Hà, nhà ở Mỹ Đình, Từ Liêm, cũng bị mất điện từ hôm thứ sáu đến tận chiều chủ nhật mới có. Mọi sinh hoạt gia đình gần như đình trệ. Mới sinh cậu con trai được hơn hai tháng, nhà cần nhiều nước để giặt giũ. Không có, cả nhà thay nhau hứng nước mưa để vừa dùng nấu ăn vừa giặt giũ, tắm rửa. Khổ nhất là đi vệ sinh, không ai bảo ai đều phải tiết kiệm nước, khiến toilet lúc nào cũng phải xịt nước hoa để giảm bớt mùi.
Ngập lụt, nhiều nơi phải cắt điện để đảm bảo an toàn cho dân. |
Chị Hà nói: "Cháu bé tè nhiều nên vừa giặt xong là cả nhà thay nhau dùng bếp than của cụ nội để sấy khô. Mọi lần, có điện, máy giặt chạy được, quần áo không cần phải phơi lâu". Mưa lớn, ngập đến ngang bụng, nhiều gia đình chỗ chị Hà cũng phải tự khắc phục. Nhiều nhà không có đồ dùng để tích nước, nên không tắm giặt gì trong suốt gần 3 ngày. Cũng do mưa bất ngờ nên có gia đình không chạy ra ngoài được để mua nến thắp, đèn xạc điện cũng chỉ được vài tiếng nên chỉ khi nào cần lắm mới sử dụng tới chiếc đèn.
Cũng từ hôm thứ 6 đến giờ gia đình chị Nhung ở khu hồ Ba Mẫu, phường Phương Liên, phải sống trong tình trạng như nhiều nơi bị ngập lụt trong thành phố. Cả hai vợ chồng làm nghề viết lách, mưa to, không ra khỏi nhà được. Mất điện, Internet không có, mọi liên hệ gần như bị "tê liệt". Anh chồng khỏe chân, khỏe tay và khỏe... lội nước được nên cố đến cơ quan hoặc qua nhà bạn sử dụng nhờ mạng.
Nhà có con nhỏ nên dù bất cứ giá nào, chị Nhung cũng phải nấu cơm cho con. Bếp gas chưa bao giờ được sử dụng hữu ích trong mấy ngày nay. "Chồng ra ngoài khỏi biển nước được nên tôi giao nhiệm vụ cho anh ấy đi chợ vì phải đảm bảo sức khỏe cho con. Người lớn ăn gì cũng xong nhưng bọn trẻ cần đủ dinh dưỡng như mọi ngày", chị Nhung cho biết.
Trong mấy ngày mưa, bé Tun chơi với bố mẹ cả ngày, chán lại nhớ đòi xem hoạt hình nhưng cu cậu cũng biết là không có điện nên thôi không đòi. Con sợ bóng tối nên lúc nào, cũng phải kè kè nến thắp sáng trong phòng. Cả nhà cũng được đi ngủ sớm hơn mọi ngày, dậy muộn hơn. Cũng may, nhà có bể nước ngầm nên không phải lo lắng đến việc này như nhiều gia đình quanh khu.
Mấy ngày qua, chị Nhung phải ở nhà, không làm việc, không điện thoại, không Internet... vì mất điện. Khi chồng ra ngoài, chị phải nhờ anh mang điện thoại đến cơ quan xạc pin. Đến khi xạc được, cả đống tin nhắn, cuộc điện thoại nhỡ mọi người gửi, gọi đến hỏi thăm tình hình bị ngập lụt. Đến sáng nay, ra được khỏi nhà, đến cơ quan, công việc đầu tiền là trả lời toàn bộ tin nhắn của bạn bè, người thân.
Quang Việt