Nhân dịp 20/11: 200.000 đồng/người; Thi học kỳ: 70.000 đồng đến 90.000 đồng/người/môn (có 7 môn học); Tết Dương lịch: 100.000 đồng/người.
Đây là những đợt đóng quỹ lớp cao điểm của một lớp văn bằng 2 (VB2), khoa Triết, ĐH Sư phạm HN. Chỉ trong vòng hơn một tháng, từ cuối tháng 11 đến hết môn, hơn 30 SV của lớp này đã phải đóng một số tiền quỹ lớp khổng lồ: ngót nghét 900.000 đồng/người. Nhưng không thấy ai kêu ca phàn nàn gì cả. Họ coi đó là một điều dĩ nhiên, không thể tránh khỏi.
Các thành viên của một lớp VB2, ĐH Kinh tế có những tháng cũng phải đóng đến hơn 400.000 đồng tiền quỹ lớp (bao gồm tiền học phụ đạo và liên hoan lớp). Thậm chí, để có thể đảm bảo cho số tiền quỹ được giữ và chi dùng một cách hợp lý, khi mới vào học, cả lớp đã mất rất nhiều thời gian, bầu bán chán chê mới tìm được một thủ quỹ ưng ý.
Hoàn, học lớp taị chức tiếng Anh, K15- ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN, cả tháng mới tạt qua lớp vài buổi. Lý do là để xem tình hình lớp và đóng quỹ. Tiền quỹ hàng tháng Hoàn phải đóng cũng gần trăm ngàn, luôn luôn chỉ cho mỗi khoản là phôtô tài liệu và bài tập tiếng Anh. “Gọi là tiền photo tài liệu thế thôi, chứ làm gì mà một tháng mất gần trăm ngàn tiền tài liệu học. Số tiền ấy đảm bảo cho bọn lớp mình không bao giờ bị điểm danh vượt qua 20% số tiết của một môn học. Dù mình dám chắc, hầu hết đều nghỉ quá 50%”.
Hồng có ý định học tại chức ĐH Ngoại thương. Nhưng mới chỉ học hơn nửa năm, Hồng đã bỏ ngang. Hỏi lý do, cô giải thích rất ngắn gọn: “Phải đóng quỹ lớp nhiều qua, mình không theo được”.
Tuỳ vào sự nhanh nhạy, khả năng quan hệ của Ban cán sự (BCS) mà tiền quỹ lớp phải đóng ít hay nhiều. “Có những thời điểm mình cầm trong tay cả mấy chục triệu tiền quỹ lớp. Đâu phải để chi cho mấy khoản chè nước vớ vẩn đâu. Phải lên kế hoạch, rồi trình bày với lớp, sau đó mới thu được", Ngân, thủ quỹ một lớp VB2 tâm sự.
Ví dụ, năm trước, khi chuẩn bị thi học kỳ, BCS lớp Ngân đã phải liên hệ với thầy cô giáo từng môn để xin một buổi học phụ đạo. Sau đó về lớp thu tiền. Học xong rồi lại phải đến tận nhà thầy để gửi tiền thù lao. Cứ thế hết 7 môn học.
Hay trước dịp 20/11 cả tháng, bọn Ngân đã phải lên danh sách các thầy cô cần đến, quà tặng. Thầy nào khó tính, cô nào dễ tính, môn học nào “khoai”, môn nào dễ qua... tất cả đều được tính toán bàn bạc rất cẩn thận rồi mới thu quỹ lớp.
Hoàn miêu tả việc chi dùng quỹ lớp của lớp mình: “Cứ có bài tập là cô còn photo sẵn cho bọn mình. Đến cuối tháng, lớp trưởng cho tiền vào phong bì cẩn thận rồi gửi lại cô (tạm gọi là tiền photo tài liệu giúp SV). Tiền ấy không phụ thuộc vào số lượng tài liệu cô photo cho lớp. Rồi không biết làm thế nào đó mà các thầy cô giáo chẳng mấy khi điểm danh lớp mình”.
Nói rằng độ dồi dào của kho bạc trong lớp phụ thuộc vào khả năng quan hệ của BCS là hoàn toàn có cơ sở. Bởi nếu BCS lớp không nhiệt tình trong việc này, thì chẳng mấy khi lớp phải đóng quỹ.
Với những lớp VB2 hay tại chức, khi nhiều người khẳng định “học để lấy cái bằng”, thì chỉ có việc làm sao cho điểm thật cao, bằng thật đẹp mới là quan trọng nhất. Lan, SV tại chức tiếng Anh than thở: “Lớp trưởng lớp mình cả tháng mới thò mặt đến lớp vài lần, cũng chẳng buồn quan tâm là mình còn có cái chức danh ấy. Nên đành chịu. Có biết đường đi nước bước của quỹ lớp thế nào đâu”. Vậy là những khoản quỹ lớp khổng lồ ấy có rất nhiều cơ hội để đi... vòng.
Với những hệ đào tạo chính quy, việc làm đẹp điểm bằng quỹ lớp có ít hơn. Nhưng không vì thế mà cái kho bạc của lớp hoạt động kém rôm rả. Tiền mua báo, tiền ủng hộ các phong trào, tiền photo tài liệu, quỹ sinh nhật...
Cả chục khoản “nhỏ xinh” ấy cũng khiến các thành viên lớp phải đóng quỹ thường xuyên. ấy là chưa kể những khoản bất thường như nổi hứng liên hoan, ăn uống. Hay những dịp đặc biệt như 20/11, Tết...
Nhưng có một thực tế là, chẳng mấy lớp thống kê công khai, cụ thể trong việc thu chi quỹ. Không hiểu là do nhiều khoản nhỏ nhỏ, lẻ lẻ nên thủ quỹ, ban cán sự lớp ngại thống kê, hay là họ cố tình quên.
Các thành viên của lớp không để ý, tặc lưỡi rút ví và đôi khi không quan tâm vì nghĩ rằng số tiền đó không nhiều. Dũng (ĐH Công đoàn) cũng không hiểu sao, lớp mình hay phải đóng quỹ.
Chỉ là năm mười nghìn thôi, nhưng cứ thu mà BCS không nói dùng vào việc gì khiến cậu rất ấm ức. Đã có những lần định đứng lên hỏi, nhưng nghĩ mình là con trai, hỏi chuyện tiền nong, nghe có vẻ tính toán chi li, nên thôi.
Và có khi nào quỹ lớp trở thành thành kho bạc của một vài cá nhân? Một cách gian lận tiền quỹ là ỉm đi số tiền quỹ còn thừa. Hầu như các lớp đều đóng tiền quỹ theo tháng, có tháng dùng hết, có tháng không. Khi không công khai thu chi, thừa thiếu thế nào, chỉ có người giữ quỹ biết. Họ biết cách làm ảo thuật với những con số.
Quỹ lớp là một khoản không thể thiếu để duy trì rất nhiều hoạt động của lớp học. Cái kho bạc của mỗi lớp, sử dụng một cách minh bạch và rõ ràng, nó sẽ rất có ích, rất có hiệu quả. Nhưng thu chi “lập lờ” hay biến nó thành phương tiện để làm đẹp điểm, làm đẹp cho tấm bằng, nó sẽ biến màu thành một “cái quỹ đen”...
“Xoá bỏ mọi khoản đóng góp thêm ngoài học phí”. Báo cáo của Thủ tướng Phan Văn Khải trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI có một câu như vậy. Tuy nhiên, thật khó mà giải quyết khi một vấn nạn đã bám rễ và di căn. Ví dụ về cái quỹ lớp trong giảng đường cũng mang màu sắc này.
(Theo Sinh Viên Việt Nam)