Các nhà xuất khẩu ở châu Âu phải chịu áp lực khá mạnh, sức ép lạm phát có thể sẽ tăng ở Mỹ và việc bù vào khoản thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Đồng euro tiếp tục lên giá ngày 21/9, lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 euro bằng 1,41 USD, trong khi giới phân tích nhận định rằng không có gì ngăn cản đồng euro leo lên 1 euro bằng 1,45 USD.
Veronique Riches-Flores, nhà kinh tế hàng đầu của công ty Generale, nói: "Chúng tôi không thấy có gì ngăn cản xu thế này". John Silvia, nhà kinh tế hàng đầu của Wachovia, cũng dự đoán đồng euro có thể sớm tăng giá tới 1 euro = 1,45 USD.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuần trước đã hạ lãi suất chủ chốt từ 5,25% xuống còn 4,75%. Một nỗ lực nhằm kích thích nền kinh tế đang gặp khó khăn của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tại thị trường tín dụng thứ cấp. FED báo hiệu rằng có thể tiếp tục hạ mức lãi suất.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tìm hiểu và tiếp tục lưu ý tới sức ép lạm phát, báo hiệu điềm xấu nếu cắt giảm lãi suất mặc dù có sức ép từ phía một số giới chức chính trị châu Âu.
Nhà kinh tế Rafael Martorell làm việc cho tổ chức BNP-Paribas nói: "Có thể Fed sẽ một lần nữa hạ lãi suất chủ chốt, trong khi ECB có thể sẽ giữ nguyên lãi suất hay thậm chí nâng lãi suất".
Việc cắt giảm lãi suất ở Mỹ làm giảm mối quan tâm đến đồng USD và làm tăng sức hấp dẫn của đồng euro. Tại châu Âu, đồng euro mạnh mang lại nhiều lợi ích, đáng chú ý nhất là làm cho dầu mỏ nhập khẩu rẻ hơn vì dầu thô được tính bằng USD.
Nó cũng làm giảm giá các mặt hàng nhập khẩu khác từ ngoài Liên minh châu Âu (EU), có lợi cho người tiêu dùng cũng như một số ngành lệ thuộc vào nhập khẩu. Đồng euro mạnh cũng tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn của châu Âu mua tài sản ở nước ngoài với giá thấp hơn.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu châu Âu đang bắt đầu cảm thấy tác hại vì đồng euro mạnh làm cho các sản phẩm xuất khẩu của họ trở nên đắt hơn đối với người tiêu dùng ở nước ngoài, nơi đồng tiền của họ dao động theo đồng USD. Bộ trưởng Kinh tế Đức Michael Glos phát biểu trên tờ "Bild" tuần trước: "Nếu đồng USD tiếp tục giảm giá thì triển vọng xuất khẩu của chúng ta sẽ bị phủ bóng đen".
Ở bờ bên kia Đại Tây Dương, đồng USD yếu (lần đầu tiên trong 31 năm qua ngang giá với đồng đô la Canada), là một lợi thế cho các nhà xuất khẩu, song khiến các mặt hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn.
Việc này có thể góp phần làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, song cũng làm tăng sức ép lạm phát vì giá các mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn. Nhà phân tích Riche-Flores làm việc cho tổ chức Societe Generale cho rằng việc này cũng khiến người mua trái phiếu kho bạc Mỹ gặp rủi ro hơn.
Evariste Lefeuvre, nhà kinh tế làm việc tại tổ chức Natixis, cho rằng Fed một lần nữa "thấy mình ở trong một tình huống nhạy cảm". Và một số nhà phân tích dự đoán xu thế đồng USD sẽ tiếp tục giảm.
Các nhà phân tích cũng cho rằng việc đồng USD yếu và đồng euro lên giá kỷ lục đã làm người ta đặt câu hỏi về lòng tin vào đồng USD sau khi FED cắt giảm lãi suất 0,5%. Một số lo ngại việc này có thể khiến các ngân hàng trung ương bán USD, làm đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới này mất giá hơn.
Bên cạnh đó, đồng USD mất giá cũng là mối lo ngại đặc biệt ở Trung Đông, với việc nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ, kể cả Arab Saudi, ấn định tỷ giá đồng tiền của họ theo đồng USD sẽ xem xét lại chiến lược của họ. Các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ ở khu vực này đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát leo thang.
Susan Voigtsberfer thuộc PNC Bank cho rằng những khó khăn đối với đồng USD còn lâu mới chấm dứt. Voigtsberfer nhấn mạnh: "Sự sụt giá của đồng USD gây mất lòng tin vào đồng USD với tư cách là một tiền dự trữ. Các quan chức Trung Quốc từng de dọa bán khối lượng USD dự trữ khổng lồ của nước họ và gây ra tình trạng mất giá nghiêm trọng. Họ tiếp tục sử dụng chiến thuật này như sự mặc cả với Mỹ".
(Theo TTXVN, Tuổi Trẻ)