Anh H.T. là một cán bộ trẻ có năng lực và uy tín. Tuy nhiên, do bị bệnh suyễn nên sức khỏe anh có phần yếu kém. Người ta nói: “Tốt mái hại trống”, không biết có đúng không nhưng vợ anh H.T. thì đúng là một “mệnh đề đảo” đối với anh. Chị cao to, mạnh khỏe, năng động và nóng tính y như đàn ông. Mỗi lần vợ chồng nói chuyện, không vừa ý là chị xáng tô, đập chén, phang nồi, thậm chí cả ông chồng hom hem chị cũng không từ mà nện luôn chẳng chút kiêng dè. Nhiều người cười anh H.T. là sợ vợ. Họ kích anh “vùng lên giành lại quyền làm chủ” bằng cách cho uống rượu, thậm chí theo về nhà để làm việc tư tưởng với chị. Thế nhưng đoàn quân dũng mãnh ấy khi đến nhà anh đã cụp ngay vòi khi vừa chạm trán với chị. Cầm con dao phay to để chặt xương ống, chị chém cái phập xuống bàn, một tay chống nạnh, một tay chỉ thẳng vào mặt chồng mà quát:
- Có ngon thì vô nói chuyện với tôi, việc gì phải kéo bè kéo lũ đến đây để uy hiếp. Tôi một chấp mười, ai ngon cứ nhào vô trước.
Dĩ nhiên là chẳng ai dám xung phong tiến tới nói chuyện với con dao bén ngót tận xương đang lăm lăm trong tay chị. Mọi người ra về cũng là lúc anh H.T. phải quỳ xuống năn nỉ vợ xin tha. PV Người Lao Động thắc mắc tại sao lại sống chung với một bà chằn dữ dằn như vậy, anh ngậm ngùi bảo:
- Thì cũng vì thương con. Bỏ bả rồi con cái ai lo. Thôi thì cũng ráng nhịn cho yên cửa yên nhà. Lần đầu tiên bả đạp tôi một cái khi tôi làm thằng nhỏ té. Nghĩ mình cũng có lỗi, tôi nhịn. Mình lùi một bước bả tiến một bước, được đằng chân lân đằng đầu. Riết rồi tôi đâm khủng hoảng tinh thần, càng ngày càng ốm yếu, bệnh hoạn và càng phụ thuộc vào bả. Được thế bả ngày càng làm dữ!
Vợ anh T.D. là một phụ nữ có trình độ học vấn cao, lời ăn tiếng nói mềm mỏng, nhỏ nhẹ, khôn ngoan. Chị lại khéo chăm chồng nên rất được lòng cha mẹ anh em bà con bên anh T.D.. Nhiều người thầm ghen tị với hạnh phúc mà anh T.D. có. Tuy nhiên “coi vậy chứ hổng phải vậy”, mỗi ngày đi làm, anh T.D. có đúng năm ngàn đồng trong túi để ăn sáng. Bữa nào đi công tác phải gửi xe thì đành ăn tạm gói xôi. Mà phải đâu lương anh ít, hai triệu một tháng chứ có kém gì ai. Lúc mới cưới nhau, chị T.D. thủ thỉ với anh bằng cái giọng ngọt như mía lùi:
- Lương anh hai triệu, cộng với lương em một triệu là ba. Mình xài một nửa còn một nửa để dành sắm sửa, phòng khi ốm đau. Mỗi tháng anh lĩnh lương, anh đưa cho em triệu rưỡi để em gửi ngân hàng, chứ không nên để ở nhà mình dễ xài bậy. Còn năm trăm anh dùng tiêu vặt, lương em thì để đi chợ.
Nghe “tiếng ngọt lọt tới xương”, anh T.D. ngoan ngoãn nộp hết ba phần tư tháng lương cho vợ. Còn năm trăm dằn túi anh nghĩ cũng đủ chi dùng. Thế nhưng, vừa nộp tiền lương vào buổi chiều hôm trước, sáng hôm sau anh đã nghe chị rót mật vào tai:
- Anh ơi, chiều đi làm về mua cho em chục cân gạo.
Anh ngoan ngoãn mua gạo về cho vợ, những tưởng vợ sẽ trả lại tiền đó cho mình, nào dè chị im ru. Thấy tiền mình cũng còn, anh cho qua, lại rất vô tư mua cho chị cái này cái khác, đợi chừng nào hết tiền sẽ lấy một thể. Quả nhiên là chỉ nửa tháng sau, anh đã hết veo số tiền dằn túi. Hỏi chị, chị bảo chưa lĩnh lương! Anh vay tạm cơ quan đến cuối tháng phải trả trừ nên khoản đưa về bị thâm hụt. Chị khóc lóc, nghi ngờ anh có quỹ đen, có bồ bịch bên ngoài nên mới xài phí vậy, bởi cái ăn cái mặc trong nhà đã có chị lo. Anh bực mình, gắt gỏng thì chị về nhà cha mẹ chồng khóc lóc tỉ tê, thêm mắm dặm muối để mọi người thương hại, bênh vực. Anh càng đấu tranh trong việc “phân phối thu nhập”, chị càng biết dùng lợi thế của nước mắt để kể lể với đồng nghiệp trong cơ quan anh. Sợ bị mất mặt, anh đưa luôn sổ lương cho chị lên cơ quan mà lĩnh cho xong, hy vọng sẽ giữ lại những khoản tiền kiếm thêm ngoài giờ. Ai dè anh có bao nhiêu chị cũng biết, giấu ở đâu chị cũng moi ra được, bởi vì chị có tai mắt là những cô kế toán, thủ quỹ ở cơ quan anh. Chỉ cần ít quà vặt để lấy lòng, cộng với lời ngon tiếng ngọt, chị đã lột sạch thu nhập của anh một cách rất hợp pháp. Nhưng phải chi chị dùng số tiền ấy để xây đắp hạnh phúc cho gia đình mình thì cũng còn đỡ, đằng này chị lại mang về cho mẹ chị gửi tiết kiệm. Khi cần tiền sửa nhà, anh hỏi, chị thản nhiên nói đã xài hết và trưng ra bằng chứng là những quyển sổ thu chi mà anh không tài nào thống kê lại được. Người ta bảo: “Bắc thang lên hỏi ông trời, đem tiền cho gái có đòi được không?”, đằng này anh mang tiền cho vợ mà cũng bị tước mất thì thật là ngược đời!