Bởi "đặc quyền" này của phụ nữ dường như đã dần "bị" các ông đảm nhiệm một cách linh động và khéo léo. Điều này tạo nên một nét vẽ bất thường mà đẹp trong bức tranh về hình ảnh gia đình thế hệ mới...
Những "anh nuôi" đảm đang
Để ý một chút sẽ dễ dàng nhận ra rằng không phải đợi đến dịp ngày Quốc phụ nữ 8/3, hay 20/10 mới có... đàn ông đi chợ. Bây giờ vào chợ hay siêu thị, ở bất cứ đâu, cũng có thể bắt gặp cánh đàn ông đi mua sắm.
Bước chân vào khu chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân, Hà Nội), theo chân một vị nam khách đi mua đồ ăn cho bữa trưa. Người này khoảng trên dưới 40 tuổi, ăn mặc lịch sự tươm tất, trên tay cầm một bọc nilon đựng nào mớ rau, nào cà chua, bạc hà, giá sống...
Nghe hỏi về chuyện chợ búa, anh cười: "Tôi là dân kỹ thuật làm việc cho một công ty tư nhân gần đây nên giờ giấc ổn định, trong khi bà xã tôi làm ở công ty may mặc thường xuyên thay đổi ca, vì vậy tôi kiêm luôn chuyện bếp núc. Nhớ lại mấy ngày đầu đi chợ, mua mớ ớt, bó rau cũng khó nhưng mãi rồi cũng thành quen... Còn bây giờ đi chợ giúp vợ là chuyện nhỏ.
Cô Hoa bán cá ở chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân) "phán" ngay khi được hỏi: "Bây giờ đàn ông đi chợ rất nhiều mà toàn là những người lịch sự, mấy ông ấy đi chợ còn giỏi hơn nhiều cô "choai choai" ấy chứ. Họ trả giá, chọn lựa hàng khéo lắm".
Ở khu chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng) nhiều tiểu thương đã quen mặt anh Lê Sĩ Đức, giáo viên một trường trung học trong địa bàn quận, một "chuyên gia" nhà cửa, mẹ anh bị té gãy chân không đi được, thế là anh phải xách giỏ đi chợ thay mẹ. "Mấy ngày đầu đi chợ tôi cảm thấy rất ngượng, không biết phải mua gì, trả giá hàng ra sao chủ yếu mua cho có rồi về".
Thế nhưng bây giờ anh Đức được tiếng là người rất khéo trong việc mua hàng, chẳng hạn anh biết thế nào là cá tươi, mua rau thì ngắt thử xem non hay già, đặc biệt luôn mua hàng đúng giá, đúng chất lượng... Mà với anh thì kinh nghiệm chợ búa có được là do "mua mãi rồi cũng quen", nhưng không phải ông nào cũng để ý đến.
Còn ở khu chợ Mơ thì hầu như chị hàng cá, hàng rau nào cũng biết anh Vũ Duy Toàn. Do làm việc tại nhà nên anh Toàn có thời gian "linh động" hơn vợ đang làm nhân viên kế toán cho một công ty ở quận Ba Đình. Thời gian đầu, mỗi khi đi đón con từ trường mẫu giáo về nhà, thấy con đói chỉ biết cho bé uống tạm hộp sữa hoặc vài cái bánh quy chống đói để đợi mẹ về làm cơm. Nhưng ăn linh tinh thế mãi cũng chán, con bé đòi ăn cơm. Thương con nên anh đã tự đi chợ tìm món ăn tươi mang về chế biến và nhận thấy bé rất khoái khẩu, thế là từ đó anh trở thành "anh nuôi" với những món ăn "hết ý" được tham khảo qua sách báo...
"Gái khôn tìm chồng giữa chốn... chợ đông"?
Trong cuộc sống sinh hoạt hiện nay, câu nói này càng ngày càng được kiểm chứng là đúng. Quan điểm phụ nữ chỉ lo chuyện bếp núc nội trợ trong gia đình, đàn ông gánh vác việc xã hội và là trụ cột kinh tế của gia đình, luôn "ăn trên ngồi trước" gần như đã không còn nhiều.
Bây giờ phụ nữ cũng tích cực tham gia công tác xã hội và trong số đó, có không ít những người đã trở thành trụ cột kinh tế chính của gia đình mình. Ngoài trách nhiệm với gia đình, họ còn có nhu cầu thăng tiến trong nghề nghiệp nên thời gian họ dành để học tập, trau dồi và bổ sung kiến thức, chiếm một lượng không nhỏ.
Vì thế có người chồng thông cảm, biết chia sẻ công việc nhà với mình, người phụ nữ sẽ cảm thấy an tâm hơn trong công việc cũng như cuộc sống.
Chị Lê Thủy Tâm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: "Vợ chồng tôi lấy nhau được 2 năm, do công việc nên tôi ít khi có thời gian ở nhà. Vì vậy đành phải nhờ cho ông xã lo giúp chuyện bếp núc. Ban đầu thấy anh ấy đi chợ thú thực mình cũng thấy ngại, nhưng do hoàn cảnh công việc nên không thể giúp được. Nhưng lâu dần thấy quen và dễ chịu hơn. Mình thấy mình thật may mắn vì có được người chồng hiểu, biết sẻ chia công việc nội trợ...".
Mai Ngọc Minh, sinh viên năm thứ 5, Đại học Bách Khoa khẳng định: "Nếu hai người biết chia sẻ việc nhà dĩ nhiên sẽ hạnh phúc hơn. Bản thân mình mặc dù chưa đến lúc lập gia đình, nhưng mình vẫn thích người đàn ông của mình biết và có thể làm những việc ở nhà, vốn được coi là "của vợ", để sau này về chung sống vợ chồng có thể sẵn sàng hỗ trợ cho nhau".
Theo ghi nhận của các ban quản lý chợ, siêu thị thì hiện nay nam giới đi mua sắm chiếm tới 1/3 lượng khách hàng và tỷ lệ này còn cao hơn vào các dịp cuối tuần hay lễ, Tết.
Hình ảnh người đàn ông đi chợ ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc, chúng chẳng những làm đẹp hơn cuộc sống mà còn tạo bầu không khí vui tươi trong gia đình. Điều này tạo nên một nét vẽ bất thường mà đẹp trong bức tranh về hình ảnh gia đình thế hệ mới...
(Theo Gia Đình Xã Hội)