Sáng sáng, trong khu tập thể của trường đại học nọ, người ta thường thấy một ông giáo chừng gần 50 tuổi, dáng người nhỏ bé, gầy gò, dắt xe máy ra cổng cho vợ đi làm. Bà vợ ăn mặc sang trọng, oai vệ ngồi lên xe, nổ máy. Trước khi nhấn ga, bà còn quay lại dặn ông chồng đang đứng đợi lệnh: "Chốc nữa bọn thợ đến sửa buồng tắm, ông bảo tụi nó làm đúng những gì tôi dặn, nhớ chưa? Nếu phát sinh chuyện gì, ông cứ gọi vào máy di động hỏi tôi, đừng có tự ý thay đổi gì cả, không là chúng nó nhiễu sự đấy".
Thấy chồng cúi đầu như cố ý ghi nhớ từng lời, bà toan phóng xe đi thì có cô con gái út từ trong nhà chạy ra: "Mẹ ơi, thế hôm nay con ghi tên học lớp tiếng Anh hay tiếng Pháp?" Bà nói như quát: "Tiếng Pháp! Tối qua vừa nói xong lại hỏi". Cô con gái phụng phịu: "Nhưng bố bảo con nên học tiếng Anh".
"Bố mày thì biết gì mà bảo với chẳng biếc". Ông chồng ngượng với hàng xóm, lẳng lặng đi vào nhà, khe khẽ khép cửa lại. Chỉ một dãy độ vài chục nhà đã có đến mấy ông chồng như vậy. Mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai nhưng đều có chung một điểm: Không làm ra tiền, nói đúng hơn lương chỉ ba cọc ba đồng, ngoài ra chẳng có thu nhập gì thêm. Tiếng nói của các ông trong gia đình không hề có trọng lượng.
Thế mà thời bao cấp, họ từng thét ra lửa, nói một câu vợ con nghe răm rắp. Từ ngày đổi mới, xã hội hiện đại xuất hiện nhiều ngành nghề mà ở đó phụ nữ tỏ ra có ưu thế hơn nam giới như bưu chính viễn thông, ngân hàng, thị trường chứng khoán... nhiều chị em còn thành đạt ở lĩnh vực xưa nay chỉ dành cho đàn ông với mức thu nhập cao hơn hẳn. Vì thế, trong gia đình, tiếng nói của họ là mệnh lệnh, mọi người cứ thế thi hành, kể cả chồng.
Thực ra, nếu vợ say mê hoạt động xã hội thì chồng quán xuyến việc nhà cho vợ rảnh tay cũng được thôi, thế mới bình đẳng nam nữ. Nhưng điều đáng bàn là khi người đàn ông mất vai trò chủ gia đình, tất cả quyền uy thâu tóm vào người vợ thì gia đình ấy có hạnh phúc hay không, việc giáo dục con cái thế nào? Trong thực tế, có những ông chồng luôn bị vợ coi là người ngớ ngẩn không biết gì. Ngay cả khi làm tài xế đưa vợ đi đâu thì bà vợ ngồi sau vẫn chỉ huy từng ly từng tí. Bên cạnh người vợ đầy quyền uy, ông chồng trở nên bé nhỏ và trở thành ngớ ngẩn thật sự, làm bất cứ việc gì cũng chờ vợ giật dây.
Những phụ nữ dù cố ý hay vô tình biến chồng thành đàn ông mặc váy thì họ nhận được gì và mất gì? Cái họ được có lẽ là sự phục tùng của chồng con, họ sẽ trở thành thống soái trong nhà. Còn cái mà họ mất, trước hết là tình yêu của chồng, bởi từ xưa đến nay chưa bao giờ có người đàn ông nào thật lòng yêu ai khi họ cảm thấy bị lép vế hoặc sợ người đó. Mặt khác khi người vợ chỉ huy chồng, họ sẽ mất đi cái vẻ duyên dáng, đáng yêu, dễ thương để chồng nâng niu, chiều chuộng. Điều đó có nghĩa là họ tự đánh mất người đàn ông trụ cột của gia đình. Những tướng bà ấy đã để mất cái mà người ta thường gọi là hạnh phúc gia đình.
Cần phải trả lại tư cách đàn ông cho người đàn ông đích thực. Tuy, nhiên nói như thế, tác giả bài viết này không có ý cho rằng tất cả đàn ông mặc váy đều do nỗi của vợ. Trong thực tế, một số đàn ông tự đánh mất vai trò làm chủ gia đình của mình. Có người suốt ngày cờ bạc, rượu chè say bí tỉ, người vợ không còn cách nào khác đành phải chìa vai gánh vác gia đình, điều mà họ không hề mong muốn.
(Theo Thời Trang Trẻ)