Là chính khách nổi tiếng, dù muốn hay không các nguyên thủ quốc gia đều phải nhiều lần hôn hoặc nhận được các nụ hôn khi hoạt động lễ tân, đối ngoại hay từ các thần dân trong nước ngưỡng mộ. Tuy nhiên, mỗi chính khách có một cách ứng xử riêng đối với nụ hôn và điều khen, tiếng chê rõ ràng là không thể tránh khỏi.
Nụ hôn lịch thiệp của Tổng thống Pháp J. Chirac. |
Tổng thống Pháp J. Chirac vốn từ lâu nổi tiếng với phong cách đối ngoại lịch thiệp, nhã nhặn và lãng mạn theo kiểu Paris. Khi hôn thân mật ai đó ông cũng khẽ chạm má vào hai bên má đối tượng và sau đó là một tiếng hôn gió nhẹ vừa phải thoáng qua tai khách. Năm 2003, khi đón tiếp nữ Thủ tướng New Zealand Clack và đệ nhất phu nhân Mỹ Laura Bush, Tổng thống J. Chirac rất gây ấn tượng bằng nụ hôn vào cổ tay các quý bà này thật nhã nhặn, kính trọng, song lại rất phong độ. Trong các hoạt động đối nội, J.Chirac cũng nhiều lần đón nhận rất lịch sự và chủ động những nụ hôn của giới nữ hâm mộ dành cho ông.
Nụ hôn rất "có hồn" của Tổng thống Nga V. Putin. |
Được mệnh danh là “người tình trong mộng” của rất nhiều phụ nữ Nga hiện nay, Tổng thống Nga V. Putin không thể tránh khỏi những nụ hôn của những phụ nữ hâm mộ ông. Đầu tháng 4/2004, trong một buổi lễ hội tại nước Cộng hòa Daghestan, V. Putin bình tĩnh nhận rất... có hồn cùng lúc nụ hôn của 8 thiếu nữ địa phương xinh đẹp. Trong một buổi khai giảng của Đại học Kỹ thuật Moskva ngày 28/1 vừa qua, Tổng thống V. Putin sau khi phát biểu và cụng ly rất sành điệu với các sinh viên, ông còn đặt một nụ hôn rất... galăng lên má một nữ sinh khiến những người xung quanh trầm trồ vỗ tay tán thưởng.
Sau khi giúp đồng minh G.W. Bush phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq, cuộc sống của đương kim Thủ tướng Anh T. Blair luôn gặp phải những điều khó chịu. Trong khi làn sóng chỉ trích của dư luận trong và ngoài nước còn chưa lắng xuống thì T. Blair lại bị Quốc hội dọa “sờ gáy”, thậm chí, tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với ông cũng giảm sút nghiêm trọng.
Tuy nhiên vào ngày 31/1 vừa qua, khi tới thăm một khu dân cư ở thành phố Manchester, Thủ tướng T. Blair đã đột ngột nhận được một nụ hôn... từ “trên trời rơi xuống”. Chẳng là khi ông đang rảo bước tới đám đông đứng chờ sẵn để chào mừng thì một người phụ nữ da đen bất ngờ xông thẳng đến, đặt lên môi ông một nụ hôn... nhanh như chớp nhưng cũng rất nồng cháy. Hành động này khiến những cận vệ đi theo Thủ tướng rất bất ngờ, còn T. Blair không hiểu do quá đột ngột hay vì bị vị ngọt của nụ hôn mê hoặc mà đứng ngây ra một lúc mới có phản ứng nhẹ nhàng gỡ tay “fan” nữ ra khỏi vai mình.
Nụ hôn bất ngờ dành cho Thủ tướng T.Blair. |
Nụ hôn này đã được cánh phóng viên đi theo "chớp" được. Petersen, người phụ nữ to gan dám... hôn Thủ tướng sau đó đã phấn khởi bộc bạch với báo chí: “Tôi cũng không biết tại sao mình lại làm như vậy, nhưng dù sao đó cũng là tình cảm chân thành của tôi dành cho Thủ tướng. Thủ tướng chắc là bất ngờ nhưng sẽ hiểu được tình cảm của tôi”. Không một chút ngượng ngập, Petersen còn thổ lộ cảm giác sau khi được hôn Thủ tướng: “Làn môi của Thủ tướng Blair thật tuyệt, mềm nóng và thơm như môi trẻ con!”.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là vào cuối tháng 10/2004, trong một cuộc thăm dò ý kiến do Công ty England Brocasting Co. tiến hành với 4.500 cô gái trên khắp nước Anh về cùng một câu hỏi: Mẫu đàn ông nào là đối tượng phụ nữ Anh thích hoặc không thích hôn nhất? Đáng tiếc với câu hỏi này, đương kim Thủ tướng Anh lại là người đứng đầu trong top 10 người đàn ông mà phụ nữ Anh không muốn hôn nhất.
Theo Công An Nhân Dân, đương kim Tổng thống Mỹ G.W. Bush lại là một chính khách khá mạnh bạo với chuyện ôm hôn phái nữ. Năm 2001, không lâu sau khi nhậm chức Tổng thống, W. Bush đã có dịp thể hiện bản lĩnh của mình trong chuyến công du lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ sang châu Âu. Trong chặng đầu tiên tới Tây Ban Nha, theo phong tục nước này thì không ôm hôn nhưng không hiểu do trợ lý lễ tân đối ngoại không nhắc Tổng thống hay do ông W.Bush cố tình quên nên đã ôm Hoàng hậu Tây Ban Nha và hôn ngay vào má bà này khiến quan khách hai bên và giới báo chí phải trố mắt vì kinh ngạc.
Sau vụ này, cùng với một vài lần lỡ miệng khi phát ngôn, Tổng thống W.Bush bị báo chí đặt cho biệt danh “quý ông vạ miệng” và phải nghiêm túc ôn luyện lại kiến thức lễ tân đối ngoại của mình. Có lẽ ông W.Bush cũng đã thấm thía nguyên tắc cơ bản, đó là trước phụ nữ tuyệt đối không được “động thủ” đã đành và ngay cả việc “động khẩu” cũng phải hết sức cẩn trọng.
Nụ hôn của Tổng thống G. Bush. |
Từ đó về sau, W. Bush hết sức chú ý tránh không bị “vạ miệng” nữa. Tuy nhiên vào cuối năm 2004 vừa qua, có lẽ do quá phấn khởi sau khi ở lại ghế tổng thống nhiệm kỳ 2 liên tiếp, ông Bush đã lần lượt ôm hôn một loạt các nữ thành viên nội các và thậm chí động tác của ông cũng thân mật hơn mức cần thiết. Hậu quả là ông W.Bush lập tức bị báo chí Mỹ nhắc nhở bằng một vài bài bình phẩm nụ hôn của ông rôm rả mấy hôm liền.
Ngày 16/11/2004, sau khi đề cử Cố vấn an ninh quốc gia Rice vào chức vụ Ngoại trưởng Mỹ thay cho ông Powell, Tổng thống Mỹ W.Bush cũng dùng nụ hôn thay cho lời chúc mừng, may mà nụ hôn này vào trán bà Rice nên báo chí Mỹ cũng bỏ qua. Tuy nhiên vào ngày hôm sau, khi đề cử bổ nhiệm bà Magrette Sprins vào chức Bộ trưởng Giáo dục, ông Bush vẫn thể hiện thiện ý bằng một nụ hôn nhưng không hiểu sao lần này đôi môi ông Bush lại tìm đúng môi của bà Magrette Sprins và lập tức hình ảnh nóng này đã bị thu vào ống kính của giới báo chí và truyền hình, làm dấy lên một làn sóng bình phẩm chê bai. Tờ USA Today thậm chí đã giật tít “Nụ hôn... nhầm chỗ của Tổng thống” cho bức ảnh này. Có lẽ sau lần đó, Tổng thống W.Bush sẽ phải thận trọng hơn với những nụ hôn của mình trước sự săm soi của báo chí.