Khi Lan (lớp 9 trường Nguyễn Trường Tộ) rời khỏi quán và nhận hóa đơn thanh toán, chị phục vụ cười tươi chìa ra một ly café Capuccino và thông báo đó là "quà" khuyến mãi cho hóa đơn vượt quá 200.000 đồng.
Trên thực tế, Lan hoàn toàn không phải là một cô bạn có ngân khố dư dả, tờ hóa đơn có quà khuyến mãi này tương đương với khoản tiền tích cóp suốt một tháng trời. Đơn giản chỉ vì lâu lắm mới gặp đứa bạn cũ từ hồi cấp II, Lan sẵn sàng dốc cạn quỹ tiền tiêu vặt để mở tiệc ngày sum họp. Ngày mai, Lan sẽ trở về tình trạng không xu dính túi. "Không sao. Phải tiêu tiền to mới đã!", Lan giải thích như vậy về cú chi mạnh tay của mình.
Trường hợp của Kiên thì khác. Bố mẹ Kiên bận bịu công việc không về trưa, nên mỗi tháng "khoán" cho cậu 2 triệu để tự túc bữa trưa + tiền học thêm và tiêu vặt. Nhưng thay vì tính toán chi tiêu vào những việc cần thiết, cậu dùng nó để cụ thể hóa những mơ ước bấy lâu chưa thành hiện thực. Đó là sắm bằng được một cái USB 1GB chỉ để load vài cái ảnh của Usher, gây shock cô bạn cùng lớp mà Kiên đang tăm tia với món quà sinh nhật tròm trèm 7 chữ số. Gần đây nhất, Kiên khoe với cả lớp khoản tiền mừng tuổi kếch xù đã được hô biến thành chiếc Play Station 2 "quên sầu".
Chuyện dân teen thắt lưng buộc bụng để làm công tử Bạc Liêu trong chốc lát không chỉ là chuyện riêng biệt của một vài cá nhân. Những quán café thời thượng của HN hiện nay như Align (Chả cá), Highland (TP HCM)... mật độ teen ra vào nườm nượp, gọi món không phải lăn tăn đến chuyện giá cả.
Các shop hàng hiệu ngày một làm ăn phát đạt cũng nhờ được đông đảo dân teen "ưu ái". Cả một dọc phố Hàng Bông chi chít những thương hiệu nước ngoài nổi tiếng xa hoa, hiếm hoi mới bắt gặp bóng người lớn giữa những đám đông teen đủ màu sắc chen chân trong các shop quần áo, giày dép cho đến CD, trang sức "hàng hiệu".
Trong một lần cùng cô bạn đi lấy hàng ở Ngõ Gạch (Hà Nội), Hằng đã được chị chủ cửa hàng chuyên bỏ mối sản phẩm dành cho teen như kẹp tóc, dây buộc tóc, vòng... mách kinh nghiệm: "Mở shop gần trường học hả? Thế thì hàng lấy về phải bắt mắt và nên treo giá gấp 3 lần trở lên. Học sinh bây giờ chỉ mua đồ đắt thôi, để giá rẻ thế nào cũng bị chê không xịn".
Nói có sách mách có chứng, chị đon đả bán một đôi kẹp tóc cho 2 bạn nhỏ với giá 45.000 đồng. "Giá gốc chỉ 5.000 đồng thôi nhưng nhiều cô cậu học sinh vẫn mua rất vui vẻ, miễn thắc mắc". Chị chủ cửa hàng nháy mắt đầy hàm ý.
Không khó để nhận ra một điều, những sản phẩm dành cho teen thường có giá đắt nhất trong số những hàng hóa cùng loại.
Theo Hoa Học Trò, đa số các shop quần áo cao cấp nhắm vào đối tượng teen. Nhìn cảnh mua bán ở những cửa hàng có tên tuổi trong giới teen như Lá Me (Hà Nội), Boo (Hà Nội)... các chủ cửa hàng khác tha hồ thèm: Lúc nào cũng đông đúc, giá chỉ kêu một lần miễn mặc cả, thậm chí khách vào xem hàng để xe trên vỉa hè cũng bị chủ hàng tính tiền gửi xe mà không thấy một lời phàn nàn, hàng hóa vẫn bán hết vèo vèo.