Những chia sẻ của kiện tướng dancesport trên trang cá nhân về sự đau đớn hậu sinh mổ nhận được nhiều sự đồng cảm. Cô viết: "Vết mổ 10 ngày rồi sờ vào thì khô ráo nhưng cảm giá bị khô và cục u nổi cộm lên. Sáng ngủ dậy một lúc hay đi lại cả ngày thì có đau nhưng không nhiều. Cứ đêm về, khi nằm xuống và mỗi lần ngồi dậy cho con bú thì dậy không nổi do vết mổ như xé da xé thịt. Cảm giác đau đớn vô cùng. Thi không dùng giảm đau 3 ngày nay nhưng hơi lo lắng do phần sưng ở vết mổ mặc dù không sốt gì cả".
Bên cạnh những lời động viên Khánh Thi đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng tới sức khỏe và sữa cho em bé thì nhiều người cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình. Bạn Quỳnh Trang viết: "Em mổ hai lần. Lần đầu đau 3 ngày dần dần đỡ. Lần sau đau 10 ngày, không ngủ được, không nằm nghiêng tự ngồi dậy được. Chị xem vết mổ có tấy đỏ không, nếu khô ráo thì do cơ địa của từng người thôi. Chị chườm muối gừng cho đỡ đau lại co bụng nữa".
Còn bạn Mun Đầu Gấu chia sẻ: "Biểu hiện đấy là bình thường chị ạ. Chị cặp nhiệt độ không sốt là không vấn đề gì đâu, nổi cục là dạ con của mình bị khâu nên nó nổi như vậy, đến tháng thứ 2 sẽ hết. Còn chuyện đau là bình thường, cơ địa chị tốt thì 10 ngày sẽ hết 70-80%. Thay đổi thời tiết sẽ bị đau nhức ở lưng (chỗ mà bác sĩ gây mê), có khi không nằm ngửa được vì nó tức không thở được, rồi vết mổ sẽ cắn - nhức - ngứa phát điên lên được. Nếu chị không bị tác dụng phục của thuốc gây tê còn đỡ chứ em bị nên thỉnh thoảng ngứa khắp người, nhiều khi lạnh trong người như bị sốt rét. Tuyệt đối đừng ăn xôi, da gà, rau muống".
Hay bạn Tina Melbourne khuyên: "Thi phải dùng giảm đau tới khi lành, ăn thịt heo thôi, không ăn đậu xanh. Nếu đang cho con bú thì ăn giò heo hầm đu đủ, sữa nhiều lắm. Mình nhớ lúc mới mổ, bác sĩ ngày nào cũng chích cho mình mấy mũi, cả tuần đó. Tùy cơ địa mỗi người, có người sẹo lồi, có người không. Mình không bị lồi vì khi vết thương lành, má mình mua nghệ tươi xứt vô mỗi ngày. Thêm nữa, sau khi mổ, má mình nấu nghệ cho mình uống mỗi ngày vì má nói cho vết thương lành từ bên trong. Không biết đúng không nhưng mình thấy vết mổ êm lắm".
Đau vết mổ sau sinh là lo lắng của nhiều bà mẹ trước và sau khi lầm bồn. Vết đau có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng và không giống nhau ở mỗi người. Vết mổ có vấn đề sẽ sưng nề và sờ vào thấy đau, bất kể thời gian nào trong ngày, chưa kể dấu hiệu dò dịch theo vết mổ. Khoảng 10 ngày sau khi mổ đẻ, sẽ chỉ sờ thấy tử cung rất kín đáo trên xương mu 3-4 cm nên nếu bị đau về cuối ngày, đa phần do người mẹ không biết cách vận động đúng, gây co thắt cơ bụng.
Đau có thể do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến hơn cả là hai trường hợp sau: Nhiễm trùng vết mổ và dính vết mổ. Dựa vào những dấu hiệu dưới đây, sản phụ có thể nhận biết từng loại đau và cách xử lý.
- Đau do nhiễm trùng: Vết mổ cương nóng, đau, thường kèm theo sốt cao 39-40 độ, người ớn lạnh, da tái, cơ thể mệt mỏi và sản dịch có mùi hôi. Trường hợp này có thể quan sát thấy ngay ở vết mổ ngoài vì nó không có dấu hiệu liền miệng, không khô. Khi bị nhiễm trùng vết mổ, sản phụ không nên kéo dài thời gian tự xử lý tại nhà mà đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
- Dính vết mổ: Trường hợp này xảy ra với các mẹ sinh mổ đã lâu, vết mổ không bị nhiễm trùng nhưng vẫn cảm thấy đau (đau âm ỉ từng đợt hay đau dữ dội). Các bác sĩ khuyên người mẹ nên vận động nhẹ nhàng, có thể chườm nước muối ấm vào vết mổ để giảm đau. Một số người tăng cân nhiều cũng dễ bị đau hơn vì mỡ bụng chèn vào vết mổ. Nếu các cách xử lý như trên không làm dịu cơn đau, hãy đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Song Giang