Du lịch kết hợp âm nhạc (music tourism) trở thành xu hướng thịnh hành vài năm nay. Nhiều du khách Việt sẵn sàng chi tiền để gặp gỡ thần tượng, kết hợp tham quan cảnh đẹp. Hình thức này sẽ tốn kém hơn nhiều so với các chuyến đi thông thường bởi chi phí cho vé xem ca nhạc khá cao, vé khách sạn và máy bay phải đặt đúng ngày cụ thể nên khó canh giá rẻ.
Sẵn sàng chi tiền đi nước ngoài xem thần tượng
Đào Tùng (31 tuổi, phóng viên tại Hà Nội) là fan nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink từ những ngày đầu nhóm debut. Từng có kinh nghiệm vài lần "đi đu concert", tháng 5 vừa qua, Tùng và nhóm bạn sang Singapore gặp thần tượng. Lần này, Tùng mua vé ngồi với giá 5 triệu đồng, tương đương vị trí 6,8 triệu đồng của show Blackpink tại Hà Nội. Về chuyện lưu trú, anh ngủ lại nhà gia đình người bạn ở Singapore nên chỉ tốn tiền vé máy bay 3,8 triệu đồng. Tổng cộng chi phí cho chuyến đi của Tùng tốn khoảng 15 triệu đồng, do không shopping nhiều.
Tùng nói vì mình là người thích nghe nhạc, khả năng kinh tế cho phép nên việc chi tiền để vừa đi du lịch nước ngoài kết hợp xem concert là điều bình thường. "Tôi không gọi con số mình bỏ ra là mạnh tay vì cũng không tốn kém quá nhiều. Năm nay, các thành viên Blackpink hết hạn hợp đồng với YG nên tôi quyết định phải đi concert, để sau này không hối hận, dù tôi nghĩ các thành viên vẫn sẽ tái ký và hoạt động bình thường", anh nói.
Chị Nguyễn Hương Giang (35 tuổi, Hà Nội) mê "ca thần" Trương Học Hữu từ năm 17 tuổi. Năm 2019, chị quyết định cùng chồng sắp cưới sang Hong Kong xem concert thần tượng. Do chi phí sinh hoạt ở Hong Kong rất đắt đỏ, cộng thêm vé xem hòa nhạc khá cao nên tổng số tiền chị Giang phải bỏ ra là 18 triệu đồng mỗi người, bao gồm bốn triệu đồng tiền vé máy bay, hai triệu đồng phí visa, ba triệu đồng tiền khách sạn, bốn triệu tiền vé concert và khoảng 5 triệu đồng chi phí đi lại, ăn uống, kết hợp du lịch.
"Mê Trương Học Hữu từ khi còn là học sinh, chuyến đi này giúp tôi thỏa mãn ước mơ được tận tai nghe những ca khúc bất hủ. Màn trình diễn của nam ca sĩ đưa khán giả về những năm 1990. Tuy đã lớn tuổi, Trương Học Hữu vẫn trình diễn hăng say với khả năng vũ đạo tốt, giọng hát không khác gì hồi trẻ. Ngồi cạnh tôi là gia đình người Malaysia, đã đi xem concert của ca sĩ này ba lần, thuộc tất cả ca khúc trong chương trình. Tuy bỏ ra số tiền lớn, tôi không cảm thấy tiếc vì được gặp thần tượng và những người có chung đam mê", chị nói.
Cũng là một fan nhạc Hoa, Kim Chi (33 tuổi, Hà Nội) từng bốn lần đi nước ngoài xem concert của nhóm nhạc Ngũ Nguyệt Thiên, bao gồm một lần đi Thái Lan và ba lần đi Đài Loan. Chi phí mỗi lần khoảng 15 triệu đồng trở lên do các show đều diễn ra vào giai đoạn cao điểm cuối năm, mùa Giáng sinh, nên các chi phí ăn ở, đi lại đều bị tăng lên rất nhiều.
Kim Chi hâm mộ nhóm nhạc này hơn 10 năm nay. Những ca khúc của nhóm từng giúp cô vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Do đó, Chi quyết định tới tận nơi để nghe thần tượng biểu diễn. "Lần đầu tiên được nhìn thấy idol từ xa, dù chỉ nhỏ như que tăm, tôi cũng cảm thấy rất xúc động. Trước đây, chỉ được nghe qua mạng, giờ tôi có thể thấy họ bằng xương bằng thịt. Đi concert rất dễ 'gây nghiện' bởi không chỉ ca hát, các nghệ sĩ còn giao lưu, trò chuyện với khán giả. Âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng tuyệt vời. Hơn nữa, tôi thường kết hợp với một số công việc cá nhân nên cảm thấy chi phí này hợp lý", Kim Chi chia sẻ.
Chị Hồng Liên (Hà Nội) từng có 5 lần đi concert ở Bangkok (Thái Lan) gồm show Madonna, Michael Bublé, Britney Spears, Coldplay, Maroon 5. Nhưng chi phí tiết kiệm hơn do giá sinh hoạt ở Thái Lan rẻ hơn các nước khác. Chị Liên thường tốn khoảng 8 triệu đồng (không tính mua sắm), bao gồm 2-3 triệu đồng vé xem show, ba triệu đồng vé máy bay, một triệu đồng tiền khách sạn hai đêm và tiền ăn một triệu đồng.
Chị Liên nói số tiền bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng vì có thể tranh thủ đi chơi nước ngoài. Chị kể: "Tình cờ được một người bạn có vé miễn phí rủ đi xem Michael Bublé nên tôi nhận lời, từ đó bị 'nghiện'. Sân khấu trong nhà làm đẹp, âm thanh tốt, nghệ sĩ giao lưu rất vui. Tôi thích xem các ca sĩ US-UK mà rất ít khi họ sang biểu diễn ở Việt Nam khi đang còn đỉnh cao phong độ. Cách duy nhất để xem họ diễn live là bay qua nước ngoài xem. Sân khấu, âm thanh, an ninh đều rất tốt, đáng đồng tiền bát gạo".
Trải nghiệm gặp gỡ thần tượng gian truân
Hương Giang và Kim Chi gặp khó khăn ngay từ khâu đặt vé concert. Do các thần tượng người Hoa có lượng fan đông đảo nên vé thường được bán hết chỉ trong vài phút. Để chắc suất có mặt tại đêm nhạc, Kim Chi từng hai lần mua vé gốc và hai lần săn vé "chợ đen", trong khi Hương Giang phải mua vé "lậu" một lần qua các website trao đổi như Stubhub, Viagogo, giá vé thường bị đội lên gấp 2-4 lần.
"Thần tượng của tôi tổ chức 10 show tại một thành phố, mỗi lần đều làm ở sân vận động ngoài trời nên lượng vé rất lớn. Tuy nhiên, chuyện mua được vẫn khó như 'lên trời'. Do chậm chân nên tôi phải mua vé không chính thống vài lần. Trải nghiệm này thực sự đau tim dù trang web đã thu phí đảm bảo vé chính hãng, nếu sai sót, giả mạo sẽ đền bù. Khi mua vé, phải khai địa chỉ tại nước sở tại nên tôi lấy địa chỉ của người quen ở Đài Loan, sau đó chờ đợi vé được ship đến. Vé cứng chỉ được ship 7 ngày trước buổi biểu diễn. Khả năng thất lạc có thể xảy ra nên lần nào cũng phải nín thở chờ tin. Tôi chưa gặp lừa đảo bao giờ nhưng điều này vẫn có thể xảy ra và các nghệ sĩ cũng đã cảnh báo", Kim Chi cho biết.
Tới giờ biểu diễn, Chi phải tới từ rất sớm. Nếu giờ in trên vé là 19h, Chi phải khởi hành từ khoảng 14h vì địa điểm khá xa trung tâm. Có lần, chương trình tổ chức nằm ở khu vực ngoại thành. Chi phải đi bus đến địa điểm tập trung xe shuttle bus miễn phí, sau đó xếp hàng cả tiếng để lên xe. Tới nơi, cô tiếp tục phải xếp hàng để mua goods (đồ dùng liên quan tới thần tượng như lightstick, quần áo, phụ kiện), sau đó lại xếp hàng để vào sân, đi vệ sinh cũng cần phải chờ tới lượt. Ngoài ra, các fan cũng cần phải ăn uống từ trước vì đồ ăn, nước uống bị hạn chế đem vào sân.
"Công tác bảo đảm trật tự rất tốt, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy. Có lần, trời mưa to, các nhân viên còn phát áo mưa cho chúng tôi, in hình ban nhạc Ngũ Nguyệt Thiên và nhắc mọi người cẩn thận sức khỏe, đi lại cẩn thận, tránh trơn ngã. Tình nguyện viên nói được cả tiếng Anh và tiếng Trung, chủ yếu là các bạn trẻ, thân thiện, thậm chí, có bạn còn chỉ đường về khách sạn giúp tôi lúc nửa đêm. Ở Đài Loan, ban nhạc này rất nổi tiếng nên nếu may mắn, người hâm mộ có thể lên đúng chuyến tàu đặc biệt, phát nhạc và in hình thần tượng khắp nơi", Chi kể.
Đào Tùng cũng từng phải xếp hàng khá lâu để xem một nhóm nhạc nam K-pop biểu diễn tại Singapore. Tới khi xem Blackpink, anh phải chờ đợi khoảng một tiếng bên ngoài sân vận động mới tới được chỗ ngồi. Cả hai lần, ban tổ chức đều rất quy củ từ khâu xếp hàng, kiểm tra an ninh. Tuy nhiên, ở lần xem concert trước, Tùng in vé đen trắng nên máy quét mã không nhận diện được. Lần này, anh đã in vé màu nên mọi thứ suôn sẻ. Tùng lưu ý các fan nếu muốn check in mạng xã hội nên đăng ảnh trước khi vào khu vực soát vé vì qua cổng, sóng điện thoại hầu như sẽ bị mất vì lý do an ninh.
Show diễn của Blackpink ngắn hơn so với mong đợi của Tùng, chỉ khoảng 1h40 phút. Sân vận động ở Singapore có phần trang trí đèn ở mái vòm khá đẹp mắt, được chính các thành viên của nhóm Blackpink khen ngợi. "Concert Born Pink ở Singapore diễn ra ngay sau lễ hội âm nhạc Coachella nên tôi có một chút hụt hẫng vì các thành viên không cháy trên sân khấu như mong đợi. Có thể Blackpink cũng đã diễn concert này cả năm nay nên có phần đuối sức. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng hát live để phục vụ khán giả. Trước khi đi, tôi không xem fancam của concert nên mọi thứ đều mới mẻ. Tôi đánh giá dàn dựng sân khấu và các tiết mục có hơi đơn giản, nên đi một lần cho biết. Lần sau, tôi sẽ cố gắng tham dự lễ hội Coachella", anh nói.
Dù vậy, Tùng đánh giá cao công tác quản lý của sân vận động ở Singapore. Sau khi kết thúc concert, tất cả mọi người ùa ra ngoài, hướng về phía MRT. Các nhân viên điều phối từng luồng người vào MRT rất tốt nên không có tình trạng chen lấn xô đẩy. Thời gian để Tùng lên đến tàu điện ngầm khoảng gần một tiếng.
Chị Hồng Liên từng gặp sự cố với vấn đề di chuyển tới địa điểm concert tại Thái Lan. Lần đầu chưa có kinh nghiệm, nhóm bạn của chị đi bus và taxi nhưng khi về, địa điểm xa nên khó bắt xe nên những lần sau họ lập nhóm, thuê xe riêng đi cho chủ động.
"Show diễn đáng nhớ nhất với tôi là lần đi xem Madonna diễn ra vào mùng Hai Tết. Chúng tôi cần ra sân bay vào sáng mùng Hai nhưng hồi đó chưa có xe công nghệ, taxi và bus chưa hoạt động. Cả bốn người đều không có xe riêng nên chúng tôi mất cả buổi chiều, gọi hàng chục cuộc điện thoại để thuê được một chiếc xe cá nhân. Đổi lại, buổi biểu diễn lần đó rất ấn tượng. Madonna lúc đó khoảng 60 tuổi nhưng hát vẫn rất hay, đu cột vẫn nhiệt. Phần trình diễn của các ca sĩ không có điểm nào để chê trách, trên cả mong đợi do Thái Lan tổ chức hàng chục show diễn như vậy mỗi năm nên có nhiều kinh nghiệm. Sau mỗi show, tôi đều quen được thêm nhiều bạn mới, mọi người tiếp tục đi ăn khuya, trò chuyện cùng nhau", chị kể.
Xem concert kết hợp du lịch
Đa phần du khách mua vé concert đều nán lại vài ngày để kết hợp du lịch, khám phá ẩm thực quốc gia mình tới. Đào Tùng từng đi Singapore nhiều lần, đã thử nhiều đặc sản nên lần này, anh theo chân một bạn là dân địa phương, ăn các món vỉa hè ở khu chợ Hawker Centre. Tùng cũng tranh thủ khám phá nhiều địa điểm lạ, chưa từng check in trước đây. Ngoài ra, anh cùng nhóm bạn đi club, tận hưởng cuộc sống về đêm ở Singapore.
Đã nhiều lần tới Đài Loan nên khi đi xem show, Kim Chi chỉ dành ra khoảng 2-3 ngày ở đây để tiết kiệm chi phí. Cô chủ yếu khám phá ẩm thực và nhịp sống của người dân địa phương. Concert trùng hợp thường diễn ra vào dịp sinh nhật Chi, lại gần Noel nên cô tranh thủ "đón sinh nhật ở nơi xa" và cảm nhận không khí Giáng sinh rực rỡ ở xứ Đài.
Lần đi xem concert Trương Học Hữu là lần thứ ba đi Hong Kong của chị Hương Giang. Lần này, đặc biệt hơn vì không chỉ xem thần tượng biểu diễn, chị Giang còn kết hợp chụp ảnh cưới và đi tuần trăng mật sớm cùng chồng.
Cả hai lựa chọn những điểm đến nổi tiếng ở xứ Cảng thơm để lưu giữ những khoảnh khắc ngọt ngào như vịnh Victoria, núi Thái Bình, con dốc bên cạnh đền Man Mo - nơi xuất hiện trong bộ phim "Bên nhau trọn đời" hay Sở cảnh sát Hong Kong - địa điểm thường xuất hiện trong các phim TVB. Hai người thuê căn AirBnB gác mái ở Causewaybay và thực hiện foodtour nếm thử nhiều món nổi tiếng như cua cay gầm cầu, vịt quay, dimsum, mực khổng lồ.