Chiều 11/10, UBND TP Hà Nội ra văn bản về việc tổ chức đường bay giữa Hà Nội với TP HCM, Đà Nẵng tần suất một chuyến mỗi ngày (chở khách hai chiều); ngồi giãn cách 50% công suất. Thời gian áp dụng từ ngày 10-20/10.
Các cơ quan chức năng Hà Nội sẽ kiểm soát dịch tễ hành khách tại Nội Bài để sàng lọc, phân loại và thông báo cho các quận, huyện, xã, phường... để áp dụng biện pháp phòng dịch. Sở Y tế Hà Nội tiếp nhận thông tin hành khách nhằm phối hợp quản lý, theo dõi sức khỏe hành khách tại nhà, nơi lưu trú.
Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, hành khách đi chuyến bay nội địa phải được tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng; xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Sau chuyến bay, khi di chuyển về nơi cư trú, hành khách không tiếp xúc nơi đông người; tự theo dõi sức khỏe hoặc cách ly tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày; riêng người từ vùng dịch phải xét nghiệm vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi ở.
Hai ngày trước, Hà Nội yêu cầu khách từ TP HCM ra trên chuyến bay nội địa cần cách ly tập trung 7 ngày. Riêng ngày 10/10, hai chuyến bay từ TP HCM và Đà Nẵng đến Hà Nội được ghi nhận không thể thực hiện. Lý do là khách phải cách ly tập trung còn Hà Nội chưa có hướng dẫn cụ thể. Hãng hàng không phải hoàn vé hoặc đổi ngày bay cho hành khách, theo VnExpress.
Với quy định mới nhất, khách từ TP HCM ra Hà Nội chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú và làm theo các hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuy nhiên, hiện tại, các địa điểm vui chơi ở thủ đô vẫn đóng cửa, hàng quán vẫn kinh doanh theo hình thức bán mang về, siêu thị đảm bảo giãn cách nên chưa thích hợp cho các hoạt động du lịch, trải nghiệm, khám phá.
Do nhu cầu lớn, tần suất chuyến bay ít, lại không đảm bảo công suất 100% số ghế do phải giãn cách nên giá vé cao ngất ngưởng, ở mức trên 7 triệu đồng khứ hồi, tương đương với mức giá dịp Tết hoặc mùa cao điểm, nghỉ lễ. Giá vé cao hơn 3-5 lần nhưng vẫn rất khó mua, gây ra tình trạng "cháy hàng", cả trên website chính thức lẫn các app mua vé.
Khách đi tàu Bắc - Nam cũng có thể mua vé từ ngày 13/10 đến 20/10 trong giai đoạn hoạt động thí điểm. Tàu dừng đón trả khách tại 23 ga chính trên tuyến, bao gồm: Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định, Nình Bình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Vinh, Yên Trung, Hương Phố, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Diêu Trì, Tuy Hòa, Nha Trang, Tháp Chàm, Bình Thuận, Biên Hòa, Dĩ An và Sài Gòn.
Tàu SE8 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 6h sáng ngày 13/10; tàu SE7 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 6h sáng ngày 15/10. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng tổ chức chạy lại đôi tàu LP5/6 dừng đón trả khách tại 7 ga trên tuyến. Vé được mở bán từ sáng 12/10.
Hành khách từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến nơi có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng; xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh trong vòng 72 giờ. Trường hợp hành khách (trẻ em) chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của Bộ Y tế (khi đi cùng người thân) thì phải có giấy xét nghiệm âm tính.
Hành khách đi từ địa phương có nguy cơ và bình thường mới đến khu vực nguy cơ tương đương hoặc cao hơn, phải xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi lên tàu.
Ngoài ra, hành khách phải kê khai thông tin, hoàn thành bản cam kết phòng dịch tại ga xuất phát theo mẫu; tuân thủ 5K, không đi tàu khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng. Trên tàu, khách ngồi giãn cách, hạn chế đi lại. Hành khách từ vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao bố trí chỗ tại toa xe riêng. Tại các nhà ga, hành khách phải khai báo y tế, quét mã QR, có thể thực hiện xét nghiệm nhanh tại ga.
Hà Nguyên tổng hợp