Xuất hiện trên thế giới từ hàng chục năm nay, loại hình du lịch xem chim (bird watching) đã khá phổ biến, thậm chí còn được xếp hạng ở vị trí thứ 3 trong Top 10 sản phẩm du lịch cao cấp. Du khách sẵn sàng bỏ ra mức chi tiêu rất cao cho mỗi tour xem chim dài ngày.
Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 45 triệu người đi du lịch xem chim với mức chi tiêu khoảng 40 tỷ USD. Tại châu Âu, loại hình này cũng được ưa chuộng với số lượng khoảng 20 triệu khách mỗi năm. Chỉ riêng ở Anh, khoảng 5 triệu người sẵn sàng chi đậm cho loại hình tour này, mỗi năm khoảng một tỷ USD. Trong khi đó, tổng thu toàn ngành du lịch Việt Nam năm 2023 đạt 678.000 tỷ đồng, tương đương với 27 tỷ USD. Các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) hay Hong Kong (Trung Quốc) cũng bắt đầu quan tâm tới bird watching tour.
Tại Việt Nam, hiện nay số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán loại tour này không nhiều, dù đã xuất hiện từ 20 năm trước. Nếu so sánh về số lượng loài chim, hiện Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á với hơn 950 loài, trong đó có khoảng 300 loài có thể khai thác du lịch như sếu đầu đỏ, chim khướu xám, chim yến núi, gõ kiến xanh đầu đỏ, quạ khoang, hạc cổ trắng...
Theo anh Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc công ty du lịch Wildtour, tiềm năng phát triển bird watching tour ở Việt Nam rất lớn, mang lại nguồn thu tốt. Với khách phân khúc chi tiêu nhiều, số tiền trung bình một ngày chi trả khoảng 160 USD (khoảng 4 triệu đồng) thì với loại hình bird watching, mỗi khách sẽ tốn khoảng 270 USD (khoảng 6,8 triệu đồng) một ngày, cao hơn đáng kể.
Lý giải về nguyên nhân khách sẵn sàng chi đậm, anh Bảo cho biết: "Đối tượng thường là những người có thu nhập cao, có khả năng chi trả và có đòi hỏi về việc cá nhân hóa từng tour. Mỗi chương trình phải có sự khác biệt, họ yêu cầu người bán tour, sắp xếp lịch trình và hướng dẫn viên phải đạt được yêu cầu đưa ra, do đó sẵn sàng chi tiêu hơn. Ngoài ra, những người này quan tâm tới phát triển bền vững, sẵn sàng chi trả cho địa phương và cộng đồng để bảo tồn sinh thái".
Hiện nay, công ty đang triển khai nhiều loại hình từ tour trong ngày, ngắn ngày và dài ngày, trong đó chủ yếu là tour dài ngày. Giá tour phụ thuộc vào số ngày đi, số lượng khách. Tour càng riêng tư thì giá càng cao. Với tour dài ngày, thời gian khoảng 20-30 ngày có giá lên tới 7.000 USD (khoảng 176 triệu đồng) một người. Tour ngắn khoảng một tuần có giá khoảng 3.000 USD (khoảng 75,5 triệu đồng) . Loại rẻ nhất là tour đi về trong ngày với những điểm đến cách nơi lưu trú khoảng 30-40 km thì giá khoảng 250 USD (khoảng 6,3 triệu đồng) một người.
Loại hình này đòi hỏi tính đa dạng nên lịch trình có thể trải dài khắp ba miền, thậm chí một tỉnh có tới hai địa điểm, trong đó có những vùng đầm lầy ngập nước ở Đồng Tháp, rừng quốc gia Cát Tiên, tới những vùng núi cao hơn như vườn quốc gia Bidoup Lâm Đồng. Tỉnh nào còn nguồn tài nguyên thiên nhiên, khu bảo tồn, vườn quốc gia có khai thác du lịch đều có thể là điểm đến của tour này.
Một số tour dài ngày đang được triển khai như tour 22 ngày đi Cát Tiên - Đà Lạt - Di Linh - Yokdon - Măng Đen - Ngọc Linh - Bạch Mã - Phong Nha - Cúc Phương - Tam Đảo với giá 4.600 USD (khoảng 115,8 triệu đồng), nghỉ khách sạn 4 sao. Hay tour kết hợp Việt Nam - Campuchia kéo dài 29 ngày, trong đó có 23 ngày ở Việt Nam, 6 ngày ở Campuchia với mức giá 5.950 USD (khoảng 150 triệu đồng).
"Hàng năm, số lượng khách chúng tôi phục vụ không nhiều, khoảng trên dưới 10 tour nhưng chủ yếu là dài ngày, khách lưu trú lâu, chi trả nhiều tiền. Khác với các loại hình còn lại, du khách chỉ ở vài ngày là rời đi, khách tới xem chim thường ở lâu hơn, mang lại nguồn thu cao hơn. Thông thường, khách Âu - Mỹ sẽ đi khoảng ba tuần, khách châu Á thường đi khoảng một tuần", anh Bảo cho biết.
Nguồn nhân lực hướng dẫn viên là một trong những vấn đề quan trọng của loại hình tour này. Tất cả các hướng dẫn viên ngoài các kỹ năng du lịch cơ bản, có nghiệp vụ, thẻ và chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, còn phải có kiến thức về sinh thái. Do đó, nhân lực chủ yếu là sinh viên khoa Sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên và sinh viên khoa Nông nghiệp của Đại học Nông Lâm, có kiến thức cơ bản, sau đó được đào tạo thêm vài năm trước khi trở thành hướng dẫn viên chính thức. Bên cạnh đó, một số người là hướng dẫn viên tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn - vốn đã có kiến thức về các loài chim và thiên nhiên nói chung - có thể trở thành người hướng dẫn onsite tại địa điểm đó.
Bản thân anh Bảo cũng có kinh nghiệm hơn 20 năm điều hành và dẫn tour. Xuất thân là một giảng viên nghiên cứu về sinh học và bảo tồn, anh trăn trở làm sao có chiến lược bảo vệ thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam. Dần dần, anh tìm tòi và được biết loại hình bird watching tour đã phát triển trên thế giới từ rất lâu, có thể áp dụng tại Việt Nam.
"Qua nghiên cứu, chúng tôi muốn nhân rộng mô hình để khuyến khích người dân phát triển sinh thái bền vững hơn. Có khi, người dân săn bắn một con gà, con chim, con cò mà không biết chúng quý hiếm mà chỉ quy đổi được bao nhiêu kg thịt, bao nhiêu tô cháo hay đĩa mồi. Có những con chim có giá trị du lịch và văn hóa, nếu biết cách khai thác đúng cách có thể mang lại nguồn thu tốt mà vẫn bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học", anh nói.
Suốt 20 năm, anh Bảo có nhiều kỷ niệm làm nghề cũng như với du khách. Với anh và các đồng nghiệp, khoảnh khắc đặc biệt nhất là khi tìm được những con chim quý, bình thường rất khó thấy, khiến cảm xúc càng thêm vỡ òa. "Lúc đó đơn giản chỉ là niềm vui khi thấy con chim mình muốn tìm kiếm nhưng khi trở về, ôn lại hành trình mới thấy được nỗ lực của cả hướng dẫn viên, nhân viên và khách hàng, đó là những kỷ niệm vô giá. Nhiều khách hàng đi với chúng tôi sau đó trở thành bạn bè thân thiết, chia sẻ cùng nhau về các dự án cộng đồng cũng như những khoảnh khắc trong cuộc sống", anh Bảo cho biết.