Da cũng có thể bị khô tạm thời do sống ở vùng khô lạnh hay ở trong phòng điều hoà nhiệt độ thường xuyên, hoặc tắm rửa mặt bằng nước nóng quá nhiều. Người bị các bệnh viêm da cơ địa, xơ cứng bì, vẩy cá, viêm da tróc vẩy hay người trong các gia đình có cơ địa dị ứng thì da cũng dễ bị khô.
Khi da bị khô, lớp biểu bì trên cùng nhăn nheo, khô ráp, hàng loạt tế bào chết tróc ra, nhìn như bị mốc. Bị nhẹ thì chỉ vào mùa thu đông, bị nặng thì quanh năm da thô ráp, xù xì, nứt nẻ.
Khi khô da nặng, dù không có thương tổn cũng bị ngứa. Nếu gãi làm da bị tổn thương, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập sinh bệnh ngoài da, gây lở loét hoặc bị viêm da mạn tính.
Khắc phục da khô bằng những phương pháp sau:
- Chế độ ăn uống: Nên ăn nhiều đậu, rau quả tươi, trứng luộc, gan động vật, dầu mỡ (không dùng dưới dạng rán), da lợn, rong biển (rau câu, rong lá mơ), uống đủ nước.
- Chế độ vệ sinh: Không tắm nước nóng quá nhiều, không thường xuyên ở phòng điều hoà nhiệt độ. Mùa hanh lạnh chỉ ra ngoài khi thật cần và nhớ giữ ấm. Không dùng vật thô ráp (bàn chải, khăn tay, đá cuội) chà xát quá mạnh lên da khi tắm rửa.
- Dùng mỹ phẩm đúng: Mỹ phẩm dùng cho người da khô (dry skin, peau sèche) thường có chứa chất gây ẩm, làm ẩm (humectant, moisturizer là chất có khả năng hấp thu nước rất mạnh.
Khi bôi lên da, trong môi trường có độ ẩm thích hợp, chúng hút nước từ môi trường vào da, làm cho da ẩm nhưng khi môi trường quá khô thì chất này lại hút nước từ dưới da lên làm cho da bị khô.
Các chất làm ẩm thường dùng là chất: Glycerin có tính hút nước rất nạnh, ngay cả khi độ ẩm trong không khí thấp, nên có khả năng chống khô da cao nhưng lại làm cho lớp sừng dày lên và xốp hơn; Urea có tính làm ẩm nhẹ, với nồng độ khoảng 3% làm cho da đỡ khô, nhưng gây mùi khó chịu; AHA là nhóm acid nhẹ, có tính làm ẩm da, mềm tế bào sừng, tẩy nhẹ lớp tế bào bên ngoài nên làm cho mặt da trắng, mềm dẻo, đàn hồi tốt hơn, nhưng sau khi tẩy nhẹ, lớp da mới hình thành sẽ rất nhạy cảm, dễ bị tổn hại bởi tia tử ngoại khi ra nắng. Khi dùng các chất này có cảm giác như da mịn màng, đỡ nhăn nhưng thật ra chúng không làm mịn da không chống nhăn da.
- Chất ngăn ngừa sự mất nước (occlusives): Là chất làm thành màng mỏng, ngăn không cho nước trên bề mặt da, dưới da mất đi. Gồm các chất dầu mỡ lấy từ hydrocarbon (paraphin, lanolin, vaselin) hay lấy từ thiên nhiên (sáp ong, mỡ cá voi, dầu đậu nành, dầu ép hạt nho).
Vaselin có khả năng giữ ẩm cao ít gây dị ứng nhưng gây bẩn; Lanolin (mỡ cừu) có tính giữ ẩm cao, có chứa chlolesterol, một thành phần có trong mỡ da, có khả năng tạo ra tính giữ ẩm phù hợp với sinh lý da, nhưng lại gây dị ứng, vì thế hiện hai chất này ít được dùng.
Thông thường hay kết hợp hai loại chất này vào trong một loại mỹ phẩm
- Dùng sữa rửa mặt, sữa tắm: Sữa rửa mặt có các chất tẩy rửa nhẹ như sodium laureth sulfat, MAP, lavader, oil, panthenol hoặc có khi chỉ có các chất làm ẩm như glycerin, propylenglycol, sorbitol; chất làm mềm da như acid stearic, lanolin, sáp ong, polysorbat, hoặc dầu thiên nhiên như dầu o liu, dầu bắp, dầu hạnh nhân. Chúng chỉ có tính tẩy rửa nhẹ, có thêm chất bổ sung dễ chịu làm ẩm dùng riêng cho da mặt, làm cho da mặt sạch bụi bặm, ẩm, mềm mát chứ không có tính dưỡng da, làm đẹp da, trắng da, trị mụn. Sữa rửa mặt chỉ dành cho người da khô, người có da nhờn không nên dùng.
Khi sản phẩm không có ghi chú gì trên nhãn có nghĩa là loại đó dùng cho người da khô. Người da khô có thể dùng sữa rửa mặt, mỗi ngày một lần vào buổi sáng, sau khi dùng cần rửa sạch sữa rửa mặt bằng nước sạch, vẩy vào mặt một ít nước để tạo độ ẩm cho da, không được dùng các chất làm se lỗ chân lông.
Xà phòng là sản phẩm kết hợp giữa dầu mỡ (acid yếu stearic) với chất kiềm mạnh có tính kiềm. Khi hoà với nước sẽ tạo ra chất phân cực, nhờ thế làm sạch các chất dầu bám trên da...
Người da khô nên dùng loại xà phòng tắm dành riêng cho mình như oilatum hoặc sữa tắm làm dịu da như physiogel. Không nên dùng loại xà phòng tắm chứa chất diệt khuẩn triosan, vì chúng sẽ diệt cả vi khuẩn có lợi lẫn có hại làm mất cân bằng sinh thái vi sinh da.
- Dùng một số thuốc: Người da khô có thể dùng một số thuốc hay mỹ phẩm chống viêm nhẹ (C-mycine, foban, erythogel). Nếu ngứa nhiều, viêm da, có mụn nước, dùng các kháng histamin (phenergan, chlopheniramin loratidin) kháng sinh dùng ngoài hay uống. Khi cần, có thể dùng thuốc dùng ngoài chứa corticoid theo chỉ định của thầy thuốc nếu dùng không đúng da sẽ bị hỏng (mất sức đề kháng, dễ nhiễm khuẩn, bị nhăn nheo, chùng xệ, xạm).
(Theo Phụ Nữ Việt Nam)