Kha Ly là người miền Tây, quen thuộc với ẩm thực và văn hoá của người dân miền sông nước. Nữ diễn viên thường cùng ông xã Thanh Duy về quê thăm gia đình, vào bếp làm những món ăn ngon, gắn bó với thời thơ ấu. Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào, đặc sản miền Tây rất phong phú, không chỉ với các món chính như lẩu, rim, kho... mà ngay cả những món ăn vặt cũng có hương vị đậm đà, khó quên. Một trong số đó là bánh lá dứa Sóc Trăng thơm bùi, giản dị nhưng ăn một lần là nhớ mãi.
Chia sẻ với Ngoisao.net, Kha Ly cho biết, bánh lá dứa là món ăn quen thuộc, thường bán trong khu chợ gần nhà cũ của Kha Ly, gắn bó với tuổi thơ của nhiều người miền Tây. Nhưng khi lớn lên, cô ít thấy nơi nào bán. Tình cờ, lần về quê vừa rồi, nữ diễn viên Cổng mặt trời được em gái hướng dẫn cách làm, thực hành ngay tại chỗ. Ngay lần đầu làm, món ăn đã thành công, tuy nhiên, Kha Ly khiêm tốn nhận thấy do đang tập làm, nên bánh chưa đẹp lắm.
"Bánh nhìn đơn giản nhưng làm rất kỳ công, phải ngào nhân dừa với đường thốt nốt sao cho vừa ăn, cơm dừa phải non, dẻo. Công đoạn khó nhất là lúc ray bột, pha bột với nước lá dứa cho đều tay để hoà màu đều mà không bị ướt. Bột phải khô ráo sau đó mới ray mịn lên chảo nóng, tạo một lớp vỏ bánh vừa giòn vừa thơm. Lúc này, người làm phải khéo không thì bánh sẽ bị vỡ", Kha Ly tiết lộ bí quyết.
Bánh lá dứa nhân dừa được làm từ bột nếp, lá dứa, dừa nạo, đậu phộng (lạc), đường tốt nốt... Bánh có màu xanh của lá dứa, thơm thơm, mùi bột nếp quyện với nhân dừa đậu phộng ngào đường thốt nốt. Lớp vỏ giòn rụm, ăn rất dễ ghiền.
Đầu tiên, người ta rây nhuyễn bột nếp rồi phơi nắng, xay lá dứa vắt lấy nước, đổ vào bột, trộn thật đều tay, nếu ướt thì cho thêm bột. Nhân dừa phải chọn loại dừa non, dừa già ăn sẽ bị bã, mất đi hương vị. Sau đó, hỗn hộp được cho lên bếp, rây qua rổ để rơi xuống chảo một lớp bột thật mỏng, mịn. Tiếp đó là đổ phần nhân dừa đã được ngào từ trước vào một nửa bánh rồi đậy nắp. Khi phần nếp bông lên thì gập nhẹ tay, cuộn lại thành bánh là hoàn thành. Công đoạn gập cũng cần cẩn thận vì bánh lúc này giòn như cơm cháy nhưng dễ vỡ hơn nhiều.
Bánh lá dứa nhân dừa phải ăn ngay khi vừa làm vì lúc này mới giòn và bùi nhất. Trẻ con thời xưa thường thích quây quanh những quán nhỏ, chờ người bán hàng đổ xong mẻ bánh nào là ăn tại chỗ. Bánh giòn tan, lớp vỏ màu vàng xanh nhạt, thơm mùi lá dứa.
Kha Ly nhận xét: "Bánh ăn không ngán vì bột nhạt, không cho đường, quyện với phần nhân ngọt ngọt, mặn mặn, beo béo, thơm thơm của dừa và đậu phộng ngào đường thốt nốt". Bạn có thể tự làm bánh lá dứa tại nhà rất đơn giản, với chi phí rẻ và không cần nguyên liệu hay dụng cụ cầu kỳ.
Bánh lá dứa, hay bánh dứa, bánh rây là món ăn cổ truyền của người Khmer, còn có tên gọi khác là là ọm chiếl. Bánh thường có mặt trong các ngày lễ hội truyền thống của người Khmer. Vào các ngày này, mỗi gia đình Phật tử thường tự làm bánh dứa để cúng tổ tiên hoặc cúng Phật trong chùa. Bánh ọm chiếl còn dùng để đãi khách tới nhà chơi và bán trong các khu chợ bình dân.