Kết thúc một cuộc cứu net là... nhà nghỉ! |
Điểm chung của các ả là nickname khiêu khích kèm theo status: kẹt net (tức thiếu tiền). Kẹt net đã lây truyền nhanh tới mức không ít thế hệ 7X, 8X, thậm chí cả 9X trên cả nước đã bị nhiễm...
Một đêm để thức cùng các chatter trong quán net trên đường Hàng Giấy (Hà Nội), tôi mới thật sự hiểu vì sao các chatroom đêm nào cũng trong tình trạng full. Đăng ký cho mình nickname vietkieu..., tôi thử thông báo trong room Hanoi89: “Có em nào cần cứu net không?”. Ngay lập tức Dylanblack, một nick đầy vẻ dân chơi, chửi đểu: “Đi kiếm mấy bé miền trong nhá”. Loay hoay một lúc để tạo ra một nick khác giật gân hơn, boy..., tôi tiếp tục: “Bé nào kẹt net anh cứu”.
Lời rao của tôi được chào đón nồng nhiệt bởi các nick: y3u_anh_1_d3m; dem_mau_hong1986; girlcantien... Không để tôi kịp suy nghĩ, các nàng dồn dập ép con mồi vào góc tường. Kẻ nhẹ nhàng thì: “Anh ơi em đói quá. Cứu net rồi cho em bát bún riêu đi”. Có ả nhanh gọn: “Có gần Bách khoa không?” rồi thẳng tưng cho số điện thoại, địa chỉ hàng net.
Có ả đảm bảo sự ngon lành của mình bằng cách “khoe hàng” qua webcam. Sự hối thúc đến chóng mặt, trong đó có nàng 19 tuổi chỉ xin bát bún riêu cùng 168.000 đồng tiền net cho một ngày thiền chat. Những nàng còn lại cộng thêm khoản “ăn cắm net, uống cắm net” với tổng số tiền phải trả suýt soát 300.000 đồng khiến tôi ngất ngây.
Có muôn nghìn lý do để đám trẻ ngày nay đâm đầu vào kẹt net. Có tiền vẫn kẹt, không tiền vẫn đi chat bởi họ biết chắc chắn sẽ có người cứu. Người hùng là dân chơi thích tìm cảm giác mới, teen boy muốn học cách vào đời, con nghiện chat ít tiền hám của lạ... Kết quả là ra đời những băng nhóm kẹt net chuyên kiếm tiền theo kiểu trấn lột.
Băng của Loan khu vực chợ Mơ có năm người đều vô công rỗi nghề. Mồi câu net của cả hội là hai teengirl khá bắt mắt. Thu Anh, cô bé tuổi 9X, da trắng, có dáng vẻ của một thiếu nữ châu Âu. Thu Anh luôn nhanh chóng vào đề “Anh cuu net duoc ko? Ko thi bien” mỗi khi có ai đó rủ chat.
Thu Anh khẳng định muốn tóm được nạn nhân thì phải biết rõ hắn bao nhiêu tuổi, làm nghề gì để ra giá. Ngoài tiền kẹt net, các nàng còn thủ lại chút ít để tiêu xài. Nick của Thu Anh khiến ối kẻ giật mình: naythangkia_tao_...
Người thứ hai là Phượng, chuyên khiêu khích các nạn nhân bằng cách rủ đi… ngủ. Phượng có sự hấp dẫn của tuổi mới lớn, căng đầy sức sống.
Truyền thuyết về các vụ lừa đảo của nhóm Loan nổi tiếng nhất là vụ anh chàng Tuấn, dân chơi Hà Nội, đánh ôtô đến cứu net. Sau khi trả tiền, dẫn hai nàng đi ăn no nê, định đưa sang Gia Lâm thì bỗng đâu xuất hiện một tay giang hồ nhảy vào đánh đấm túi bụi. Nạn nhân ngơ ngác, chỉ kịp nhấn ga bỏ chạy.
Tên đầu gấu đó chính là đồng bọn của các nàng. Linh, một nạn nhân khác sau khi bỏ ra 260.000 đồng cứu net đã bị các nàng rủ ra quán nước, đua nhau kể về đội quân giang hồ đang bảo kê cho nhóm này. Thấy đối tượng cười khẩy, hai nàng lại chuyển qua bài còn đang tuổi vị thành niên. Không đợi đến năm phút, chàng kia liền ngậm ngùi bỏ đi.
Theo “emcantien” thì lập băng nhóm kẹt net đang là mốt của giới bụi đời. Có những nàng thậm chí còn chuẩn bị sẵn cả balô quần áo bên cạnh để con mồi không nghi ngờ. Khi các con mồi đã thanh toán đầy đủ chi phí, các nàng viện đủ lý do: anh trai đến đón, đau bụng, ốm... để thoát thân, nếu không còn cách nào khác, đội quân bảo kê sẽ ra tay. Nhẹ thì hăm dọa, nặng thì cho vài phát đấm đá. Một chiêu khác của giới kẹt net là lừa nạn nhân vào khách sạn rồi trong lúc nạn nhân tắm, các nàng sẽ “té”. Có những nhóm kẹt net một ngày kiếm dư được cả 400.000-500.000 đồng.
Tùng, một “chuyên gia” cứu net, cho biết giới kẹt net hiện nay lang chạ đến mức thái quá. Nhiều ả chấp nhận đi ngủ với kẻ cứu net mà không sử dụng bất kỳ một biện pháp bảo vệ nào. Trung bình một tuần các nàng kẹt net 4-5 ngày.
Không rõ các cơ quan chức năng sẽ xử lý hiện tượng này thế nào. Chỉ biết hằng đêm các quán net vẫn ầm ầm hoạt động bất chấp các quy định về giờ kinh doanh, đối tượng sử dụng net... liên tục được ban hành trong thời gian qua.
(Theo Tuổi Trẻ)