![]() |
Fan hâm mộ Kim Tiểu Long trong đêm lãnh giải HCV Trần Hữu Trang 2003. |
Yêu mến nghệ sĩ và bày tỏ sự ngưỡng mộ đó qua việc động viên, khen ngợi bằng những đóa hoa và những tràng pháo tay vốn là một biểu hiện văn hóa của công chúng đối với nghệ sĩ. Thế nhưng khi những biểu hiện này bị lợi dụng cho những ý đồ cá nhân, thông qua các fan hâm mộ, sân khấu mang hơi hướng thiếu lành mạnh. Chuyện một khán giả yêu một kép hát đã bỏ tiền mua vài trăm vé chương trình đại nhạc hội nhằm biểu dương lực lượng mỗi khi kép của mình bước ra sân khấu không còn là hy hữu.
Đáng lên án là thái độ bôi nhọ danh dự nghệ sĩ bằng cách cho đàn em xé hình các đối thủ của kép mình tại các rạp trước giờ biểu diễn. Bầu Q. kể trong chuyến tổ chức lưu diễn ở miền Tây mới đây, dù băng rôn có treo tên nhiều nghệ sĩ nhưng khán giả vẫn không mua vé. Qua tìm hiểu, anh biết có một nhóm người đã ngăn chặn khán giả đến phòng vé, mà kẻ cầm đầu là một anh thợ hớt tóc mê cô đào S. đã đứng ra vận động fan hâm mộ phá đám, tung tin thất thiệt rằng Thoại Mỹ đi tắm trắng đã bị nhiễm HIV gần chết, Kim Tiểu Long và Thanh Ngân đã xin tỵ nạn ở Đức trong chuyến lưu diễn châu Âu không về nước nên “đây chỉ là chương trình bịp”. Để tránh thất thu, bầu Q. phải thuê khách sạn ở gần chợ và thị xã - nơi sẽ tổ chức sô diễn - và cho các kép rảo quanh chợ để khán giả thấy mặt.
Kép T. đã nhiều lần gặp cảnh tượng hâm mộ quá đáng của một số fan tỉnh kéo đến khách sạn nơi anh ở trọ trong những chuyến lưu diễn để xin ảnh, chữ ký. Có lần một cô gái ngang nhiên lên phòng anh ở, gõ cửa rồi nhảy bổ lên giường anh, yêu cầu tha thiết: “Cho em một đứa con trai ca hay, nổi tiếng giống anh...”. Hốt hoảng trước hành động sỗ sàng đó, T. phải nhờ bảo vệ khách sạn can thiệp.
Tương tự, cô đào trẻ H. bị một nhóm công tử con nhà giàu ở Bạc Liêu ép đi ăn khuya sau khi vãn hát. Họ vỗ ngực xưng danh mình là fan hâm mộ đặc biệt của H. và yêu cầu cô: “Em muốn gì các anh cũng chiều, chỉ với điều kiện duy nhất là đi chơi đêm nay với tụi anh”. H. sợ quá nhưng không thể từ chối. Đến giữa khuya, thấy không thể giữ H. ở lại, chúng đành chở cô về với một bì thư bên trong kèm theo một bao cao su. H. đã khóc nức nở khi kể về sự kiện này.
Sự hâm mộ cuồng loạn dẫn đến bệnh hoạn trong cách bày tỏ của một số fan cải lương đã làm cho giới nghệ sĩ sân khấu phát hoảng.
Ở Vĩnh Long có một nhóm fan hâm mộ kép S. Đám trai làng này thường thuê xe lên TP HCM để xin được đến nhà giúp việc cho S. Ban đầu S. đồng ý vì lịch sự, nhưng dần dà nhóm người này chen vào đời sống riêng tư của S. một cách quá đáng. Việc S. quen ai, yêu ai cũng bị họ phản đối. Thậm chí người thân điện thoại đến cũng bị nhóm người này hạch sách. Khi bị S. phản ứng, nhóm người đồng tính này bèn dựng chuyện bôi xấu S.
Mới đây, một phụ nữ Việt kiều về nước tuyên bố sẽ đánh bóng tên tuổi kép B. giúp anh lật đổ hình tượng Kim Tiểu Long, Vũ Luân bằng những chương trình VCD, DVD ca cổ. Fan hâm mộ này còn tổ chức những buổi chiêu đãi khán giả tại một nhà hàng ở quận 5, nhằm thực hiện việc mua báo cắt phiếu bầu chọn B. để B. có thể đoạt giải Diễn viên tài sắc. Tại vòng chung kết xếp hạng giải Diễn viên tài sắc 2004, Hội đồng Giám khảo đã bị fan hâm mộ của nghệ sĩ V.L. miệt thị vì xếp anh đứng hạng hai ngang hàng với H.Q. Sự hâm mộ quá đáng này đã vô tình làm ảnh hưởng đến sự phấn đấu để khẳng định vị trí của V.L trong lòng công chúng.
NSƯT Ca Lê Hồng, Phó Tổng Thư ký Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng khán giả là một động lực để thúc đẩy sân khấu cải lương phát triển. Tuy nhiên, sự hâm mộ quá đáng kéo theo những biểu hiện không lành mạnh sẽ tác hại đến mối quan hệ vốn tốt đẹp giữa nghệ sĩ với công chúng khán giả, giữa nghệ sĩ với nhau. Hội Sân khấu TP HCM luôn kêu gọi các nghệ sĩ hãy vì cái chung của sự nghiệp sân khấu, mạnh dạn nói không với việc hâm mộ quá bất thường.