Rời Sài Gòn - mảnh đất màu mỡ của nghề trang điểm, chọn Hà Nội để lập nghiệp, Kenny Thái từng bị mọi người nói là "ngược đời" nhưng bản thân anh đã nhận ra nhiều "điểm sáng" ở Thủ đô và luôn tin rằng mình sẽ thành công. 12 năm gắn bó với nghề trang điểm, studio của Kenny Thái là địa chỉ làm đẹp tin cậy của nhiều cô dâu và các ngôi sao nổi tiếng. Anh còn được mệnh danh là "ông bầu mát tay" của các thí sinh trong nhiều cuộc thi nhan sắc như nữ hoàng trang sức Hương Giang, Á hậu Thụy Vân, Á hậu Thùy Trang, Á hậu Dương Tú Anh...
- Anh đến với công việc tư vấn cho các thí sinh thi Hoa hậu như thế nào?
- Đó là một cái duyên thôi. Các người đẹp đăng ký tham gia thi hoa hậu thường phải tìm đến chuyên gia trang điểm, những người giỏi nghề và có kinh nghiệm để được tư vấn về phong cách làm đẹp, gu thời trang tốt hơn. Từ trước đến nay, các thí sinh đều chủ động tìm đến tôi nhờ tư vấn nhưng để quyết định hợp tác với ai, tôi phải nói chuyện nhiều với họ để tìm hiểu khả năng của mỗi người.
Từ kinh nghiệm đã có, tôi truyền đạt lại cho các thí sinh, giúp họ chuẩn bị trang phục cho các phần thi, tham gia những buổi gặp gỡ ban giám khảo, ban tổ chức sao cho phù hợp nhất. Tương tự như vậy, trước mỗi ngày thi, tôi cùng thí sinh lên ý tưởng về make up, trang phục để họ tỏa sáng trên sân khấu. Và tất nhiên, không thể thiếu việc trau dồi thêm về kỹ năng trả lời phỏng vấn, cách đi đứng, tác phong chuẩn của một Hoa hậu.
- Người ta nói rằng đưa thí sinh đi thi Hoa hậu giống như một vụ đầu tư. Anh đã phải trả những gì cho mỗi vụ đầu tư như thế?
- Điều này hoàn toàn đúng. Đầu tiên là phải đầu tư về thời gian. Thứ hai là đầu tư những thứ còn thiếu để giúp thí sinh của mình nổi bật, chẳng hạn như trang phục, phụ kiện hay các loại mỹ phẩm bắt kịp xu hướng mới mẻ, hiện đại. Khi hợp tác với các thí sinh, tôi không quan trọng việc ai là người trả các chi phí này. Hơn nữa, bản thân tôi cũng là người mê mỹ phẩm, trang điểm và làm đẹp nên thông thường, tôi sẽ bỏ tiền túi ra để mua sắm những thứ còn thiếu.
Ngược lại, tôi cũng có những khoản thù lao cho công việc này. Dù không đặt nặng vấn đề này nhưng đó là khoản tiền để tôi trang trải các chi phí đi lại, sinh hoạt trong quá trình diễn ra cuộc thi cũng như phần nào bù đắp cho thu nhập bị hụt đi khi tôi gác công việc kinh doanh để đi cùng thí sinh. Khoản thù lao này nhiều hay ít tùy thuộc vào từng thí sinh chứ tôi không yêu cầu họ phải trả cho tôi cụ thể là bao nhiêu.
- Từ trước đến giờ, chưa lần nào anh thất bại khi đưa thí sinh đi thi Hoa hậu. Anh có "chiêu" gì để đạt được kết quả đó?
- Có lẽ đó cũng là một cái duyên, là sự may mắn của tôi và thí sinh. Bởi mỗi cuộc thi đều có rất nhiều thí sinh đăng ký, trải qua nhiều vòng chọn lọc. Như đã nói ở trên, thí sinh tìm đến tôi chứ bản thân tôi không thể biết được ai là người sẽ đạt giải để lựa chọn hợp tác. Ông bầu nào cũng muốn thí sinh của mình đạt được thành tích tốt nhưng điều này còn phụ thuộc vào kiến thức, khả năng của thí sinh.
Tuy vậy, thí sinh được đánh giá cao phải hội tụ được toàn diện các yếu tố về vẻ đẹp hình thức, trí tuệ, ứng xử, cách sống. Nghề của tôi chỉ giúp họ đẹp ở vẻ bề ngoài thôi, định hình phong cách phù hợp với chủ đề của cuộc thi đề ra.
- Về phía thí sinh, ngoài kiến thức, ngoại hình như anh đã nói thì về mặt kinh tế, cô ấy phải chuẩn bị như thế nào?
- Cái này cũng vô cùng lắm. Với những người có điều kiện, họ chọn trang phục của các nhà thiết kế nổi tiếng thì giá cả cũng cao hơn. Còn không, họ tìm đến các thương hiệu bình thường, ít tiếng tăm. Nhưng trung bình, số tiền để trang trải cho quần áo, make up, phụ kiện… để một thí sinh đi thi Hoa hậu khoảng 200 triệu đồng.
- Gần đây, sau khi một số cuộc thi Hoa hậu kết thúc, người ta lại đồn đại về chuyện "đi đêm" của thí sinh để được giải cao. Anh nghĩ gì về điều này?
- Khi đến với cuộc thi, ai cũng muốn mình có được ngôi vị cao nhất hoặc giải thưởng gì đó. Và nếu không đạt được, họ sẽ có những nghi ngờ, dị nghị này kia. Điều này không tránh khỏi. Nhưng theo quan sát của tôi, ban tổ chức luôn có những quy chế, thang điểm cụ thể để từ đó chọn được những cô gái đẹp cả về trí tuệ lẫn ngoại hình. Chuyện "đi cửa sau" để đạt giải cao chỉ là những tin đồn thổi. Nếu mình có thực lực thì chẳng sợ gì những điều bịa đặt đó. Bản thân tôi khi làm việc với các thí sinh cũng chưa bao giờ bị đặt điều gì cả.
- Trở lại với công việc chính của anh là trang điểm, anh có thể chia sẻ về những ngày đầu khi làm nghề và một mình sinh sống ở Hà Nội, anh đối diện với sự cạnh tranh, các đòn chơi xấu như thế nào?
- Nghề này chọn tôi. Ngay từ bé, tôi đã thích son phấn, thích cầm cọ trang điểm cho các bạn gái. Tuy nhiên, trước khi trở thành thợ trang điểm chuyên nghiệp, tôi làm tóc kiêm trang điểm ở một salon. Đến năm 2002, tôi quyết định chọn nghề trang điểm và chú tâm với nó. Tôi ra Hà Nội và làm việc cho một cửa hàng áo cưới để vừa luyện tập nghề vừa học hỏi công việc kinh doanh. Tôi làm ở đó được 5 năm, khi cảm thấy đủ kinh nghiệm và tự tin thì tôi mới bung ra tự làm.
Thời gian đầu đặt chân lên đất Hà Nội, rất nhiều chuyện đến với tôi khiến tôi bực mình nhưng tôi hiểu rằng ngành nghề nào cũng vậy, đều có sự cạnh tranh khốc liệt. Điều quan trọng là luôn giữ được bình tĩnh, kiên trì với mục tiêu theo đuổi. Mình không làm điều xấu với người khác thì bản thân luôn thoải mái, không ảnh hưởng gì đến mình.
Tôi chưa bao giờ thất bại đến mức trắng tay nhưng về tinh thần cũng có lúc mệt mỏi. Nhất là giai đoạn đi làm thuê cho người khác, khi đó, tôi không có sự lựa chọn cho mình, không được tự do làm điều mình muốn. Nhưng chưa bao giờ tôi buông xuôi hay có ý nghĩ trở về Nam. Tôi ý thức được rằng nếu muốn thành công thì mình phải mạnh mẽ, phải chiến thắng được sự mệt mỏi, thất vọng.
- Trong những lúc khó khăn, mệt mỏi, mọi người thường tìm cho mình một điểm tựa. Với anh, điểm tựa đó là gì?
- Hình như tôi chưa từng có điểm tựa nào cả. Từ trước đến giờ, tôi luôn tự vẽ cho mình con đường đi và suy tính về cách ngắn nhất, đạt được hiệu quả cao nhất. Cho đến tận giờ phút này, tôi cũng chưa có một ai chia sẻ mọi thứ từ tận đáy lòng. Đó là sự thật (cười).
Nhiều lúc, tôi cảm thấy cô đơn, tủi thân vì lúc nào cũng chỉ có một mình đi trên một con đường dù con đường đó đang có nhiều thứ hấp dẫn chào đón mình. Tôi nghĩ mỗi con người đều có một số phận rồi, mình phải sống theo số phận chứ không thể cải số được. Đó là quy luật. Tôi hay đi ăn uống với bạn bè, đi bar nghe nhạc, đi du lịch... tìm đến những thứ mình đang thích nhất để khỏa lấp nỗi buồn phiền.
- Nhiều bạn trẻ làm nghề trang điểm hiện nay phải kinh doanh thêm vì nghề này không nuôi sống được họ. Là một người thành công trong lĩnh vực này, anh có lời khuyên gì dành cho họ?
- Có làm thì mới có ăn, "tay làm hàm nhai" nhưng để thành công và dư dả thì rất khó. Nó đòi hỏi người làm nghề phải nhẫn nại, chịu khó, có tâm với nghề và có đạo đức. Khi một khách hàng đến với mình mà không thấy mình có tâm thì chắc chắn họ sẽ không trở lại lần thứ hai hay giới thiệu những người khách khác. Nếu mình có tâm với nghề, đam mê nghề, khách hàng chỉ cần nhìn vào cử chỉ mình làm là thấy thích và tin tưởng.
Chuyên gia trang điểm Kenny Thái chúc mừng sinh nhật báo Ngoisao.net 10 tuổi
Song Giang thực hiện
Video: Hà Diễm