Phan Thúy Hà
Không thấy có thông báo tin nhắn đã đến nơi. Tôi nhá vào máy Khánh. Tín hiệu không liên lạc được. Ngủ rồi à, hay dỗi chị đấy. Thôi, mai tới cơ quan chị sẽ "buôn" với em. Tôi lại dán mắt vào màn hình vi tính tiếp tục công việc.
Vừa đến tòa soạn, cô Ngân đã dúi vào ba lô tôi cái phong bì. Người ta nhờ cô cám ơn mày vụ vừa rồi. Nhờ có mày mà con bé quay về nhà rồi đấy. Vụ nào nhỉ. Tôi ngớ người không hiểu. Con bé cháu cô tháng trước đến gặp mày ở tòa soạn đấy, tên là Hồng, vừa nhìn thấy mày đã khóc thút thít. À, ra là thế. Nó về với mẹ rồi chứ. Ừ, mày phân tích thế nào mà sau bữa đó nó thay nết đổi tính khiến mẹ nó cũng ngỡ ngàng. Mẹ nó biết ơn mày lắm. Chưa biết xử lý thế nào với cái phong bì cám ơn thì chị Năm đã đập trước mặt tôi một lô thư từ.
Từ khi cô Thư đổ bệnh, ngoài nhiệm vụ viết bài cho trang giáo dục tôi còn phải kiêm thêm chuyên mục Gỡ rối tơ vò, một chuyên mục có thâm niên của tờ báo. Qua mấy bức thư trả lời, thấy tôi cũng biết mổ xẻ tâm lý ra trò, lại có cái nhìn cởi mở chứ không khắt khe, cứng nhắc như những mẹ chồng (chúng tôi thường gọi các cô thế hệ trước như thế) nên các cô chú động viên tôi cứ thử sức, đó cũng là mảnh đất không đến nỗi nhàm chán đâu. Một công việc, theo tôi, chẳng oai phong gì so với việc làm một phóng viên đi đây đó. Nhưng tạm thời chưa có ai thay thế cô Thư thì mình làm, vậy thôi. Mà được thế đã tốt. Lũ bạn tôi ra trường bảy, tám năm rồi, vẫn cộng tác cho tờ báo nọ, tờ báo kia hằng tháng chỉ được nhận vài trăm tiền trợ cấp kia kìa.
Rồi cô Thư nghỉ hẳn, tôi trở thành người chịu trách nhiệm chính trả lời những bức thư tâm tình của bạn đọc. Tôi đồng ý với những gì các cô chú nói, công việc "gỡ rối" này cũng không đến nỗi đơn điệu. Đằng sau những bản viết tay vụng về là những tâm sự trĩu nặng, những nỗi niềm không ai giống ai. Tôi phải có trách nhiệm nghe thấu và chia sẻ.
Mới hay cuộc sống không hề đơn giản và không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như mình. Các trung tâm tư vấn tình cảm được quảng cáo khắp nơi nhưng số thư gửi tới chuyên mục tâm sự vẫn không giảm. Người ta đã quen với cách đó, cũng có thể họ tín nhiệm người bạn tâm giao là tôi (có lẽ tôi cũng được quyền vuốt ve mình một chút chứ). Cuộc sống hiện đại cũng đa dạng, phức tạp và nếu không giải tỏa người ta sẽ trầm uất mất. Đó, tôi nghĩ, cũng là một lý do khiến cho chuyên mục tôi phụ trách không bao giờ lo mất khách.
Không chỉ trên mặt báo. Còn rất nhiều cảnh huống, nhiều đối tượng tôi phải gọi điện, viết thư riêng cho họ. Vì thế cũng lu bu lắm. Nhưng, nói như cô Thư, gắn bó lâu với chuyên mục này cũng tìm thấy niềm vui trong đó.
Để giải tỏa hết số thư chị Năm dồn lại, tôi phải ngồi xuyên cả buổi trưa vắt sang cả chiều, nên quên mất ý định gọi điện cho Khánh.
***
Khánh là con trai cậu Long. Cậu Long là em họ mẹ tôi. Em họ nhưng cũng không khác em ruột vì cậu Long ba tuổi đã mồ côi cha mẹ về sống với ông bà ngoại tôi. Mẹ bảo cậu thông minh nhưng nghịch ngợm, lại lười học, nói thế nào cũng không ăn thua, nên sau khi tốt nghiệp cấp ba cậu không học tiếp được nữa mà đi làm công nhân. Cậu yêu và cưới một người bạn của dì út là mợ Nhung. Mợ Nhung vì thương hoàn cảnh cậu mà đồng ý lấy cậu chứ không hẳn đã yêu. Mẹ nói thế cũng tốt lắm rồi.
Trông phớt đời thế nhưng cậu Long sống rất tình cảm. Sau khi cưới, cậu và mợ đưa nhau vào Sài Gòn. Thông tin qua lại chỉ dựa vào thư từ nhưng từ khi ở nhà mắc điện thoại, cậu thường xuyên gọi điện về thăm mọi người. Tôi, đứa cháu gái rất ít gặp nhưng cậu vẫn chuyện trò thủ thỉ có khi hàng tiếng đồng hồ. Tôi than phiền chuyện học hành vất vả, cậu than nỗi cô đơn, thiếu vắng tình cảm anh em, họ hàng, quê hương. Cho nên dù mọi người nói cậu gàn, cậu say sưa tối ngày, hay cậu thường gây sự với mợ thì tôi vẫn đặc biệt yêu quý cậu.
Tết năm đó cậu về quê dẫn theo em Khánh. Khánh đang học lớp mười một nhưng nói năng suy nghĩ như một người từng trải, chín chắn trong cuộc sống. Có lẽ vì em đọc nhiều. Những tác phẩm văn học, văn hóa, lịch sử nổi tiếng, tôi là sinh viên khoa văn còn mơ mơ màng màng thì em đã đọc gần hết, đọc rất kỹ. Vì thế dù hơn Khánh năm tuổi nhưng hai chị em vẫn chuyện trò không khác bạn bè.
Những ngày về quê, tôi đưa Khánh đi khắp ngõ xóm chơi các trò con trẻ, đến các đình chùa, rồi ra đồng bắt cá, mò hến. Khánh trắng trẻo là thế mà về lăn lóc một tuần đã đen nhem đen nhẻm. Cậu Long bảo giá được gần anh gần chị thế này thì Khánh cũng không đến nỗi lười học. Sách đọc say sưa, nói chuyện như ông cụ non vậy nhưng đụng đến bút vở, làm bài tập là như phải điện giật... Tôi nhìn Khánh, muốn phủ định lời cậu nói thì Khánh cười khì. Về quê thích thế này mà mãi đến hôm nay ba mới cho em về.
Chị em quấn quýt được mươi ngày thì Khánh theo ba vào lại Sài Gòn. Tôi ra Hà Nội tiếp tục năm cuối đại học. Hai chị em thường viết thư cho nhau. Tôi luôn háo hức mỗi khi nhận thư Khánh. Dù viết theo cách gì, viết như thế nào thì đọc xong lần nào tôi cũng bái phục thằng em láu lỉnh, lắm trò của mình.
Nếu cũng chăm chỉ học như chăm chỉ đọc sách hay chăm chỉ bày trò thì chắc chắn Khánh đã không trượt đại học. Chị yên tâm, em chỉ lêu bêu vài tháng nữa, ra Tết em đi nghĩa vụ quân sự ngay. Cậu Long vẫn hy vọng môi trường quân đội sẽ rèn giũa, tập cho Khánh nếp sống quy củ. Nhưng chỉ trong hai năm mà số lần bị phạt vì trốn ra ngoài, ngủ dậy muộn của Khánh lên đến số chục. Mẹ tôi bảo thằng Khánh y như ba nó ngày trước.
Ba nó có các anh chị bên cạnh kèm cặp, còn nó thả lỏng giữa thành phố thế chẳng biết đâu mà lần. Không rõ ngày trước cậu thế nào nhưng với Khánh, tôi biết em nghịch ngợm vậy chỉ vì quá hiếu động thôi. Trong tôi, em luôn là cậu bé ngoan, ham tìm hiểu và rất nhạy cảm. Tôi động viên Khánh vừa làm nhiệm vụ vừa cố gắng ôn thi, nếu không thi vào sĩ quan thì sau khi xuất ngũ thi vào đại học. Nể chị, Khánh cũng nhắn ba gửi vào cho nó ít sách vở.
Trong một lá thư, Khánh cho biết mẹ em đã chuyển công tác xuống Vũng Tàu để tránh chung nhà với ba. Hai người không muốn sống với nhau nữa nhưng vì em mà cố chịu đựng. Việc này tôi cũng biết đôi chút. Mợ tâm sự với dì Út rằng cậu thương con nhưng không làm chủ được mình. Mợ lo rồi Khánh sẽ bị ảnh hưởng bởi cách sống bê tha đó. Lo vậy nhưng mợ vẫn chọn cách ra đi.
Ngày ra quân, cả cậu và Khánh hỏi tôi giờ em nên thế nào. Tôi phán, tiếp tục ôn thi, năm này không đậu thì năm sau. Cậu bảo hay cho Khánh học một trường dạy nghề nào đó. Công nhân thì đã sao. Tôi gạt, tốt nghiệp đại học còn chẳng ăn ai nữa là một trường dạy nghề không tiếng tăm. Nhưng Khánh đâu muốn ôn thi nữa, giọng cậu đầy lo lắng. Tôi nhớ một lần Khánh nói rằng không phải em không chịu học mà là học mãi không vô. Nhưng chị đã động viên thì em cố vậy. Tôi tin với một người thông minh, sáng ý như em nếu có ý thức thì việc thi tiếp đại học không phải quá khó.
Sai lầm của tôi chính là chỗ đó. Tôi không biết em đã bị hổng kiến thức cơ bản và rất khó để làm lại từ đầu. Sai lầm nữa của tôi là đã gạt đi tất cả những phương án cậu đưa ra, một mực cho rằng đại học là con đường vào đời duy nhất. Và rồi tôi đã phải trả giá cho sai lầm này bằng những chuỗi ngày day dứt.
Khánh hỏi, chị có xấu hổ khi có đứa em như em không. Chừng này tuổi rồi mà vẫn vô tích sự, không học hành. Sao em hỏi một câu ngớ ngẩn thế. Vì các anh chị ở quê điều kiện khó khăn thế mà tất cả đều đỗ đại học ngon ơ. Ba nói ba xấu hổ vì có đứa con như em đấy. Tôi quát Khánh tơi bời trong điện thoại. Cậu biết mình lỡ lời, bảo em có giận ba đâu. Em cũng thấy xấu hổ cho chính mình thật mà. Em vẫn đang ôn thi đấy thôi. Nhưng có thi nữa em cũng không đỗ đâu. Vớ vẩn, tôi gạt đi và chuyển câu chuyện sang hướng khác.
Những lá thư đầy nước mắt với những tình huống éo le tới tấp gửi về tòa soạn đã chiếm hết thời gian và tâm trí tôi. Cả trên đường về nhà, cả trong giấc ngủ. Những lá thư của Khánh lẫn mất vào đâu đó. Rồi thưa hẳn. Em không còn hứng thú viết thư, cũng có thể chán vì viết mãi mà chẳng mấy khi được hồi âm. Tôi chỉ hơi thắc mắc về em chút chút vậy thôi.
Cậu bảo Khánh muốn về quê nhưng để em về một mình cậu chẳng yên tâm, Tết nhất đến nơi rồi. Con chịu khó động viên em giúp cậu. Nhìn nó nằm mãi ở nhà thế này cậu cũng buồn. Tôi ậm ừ cho cậu yên lòng chứ tôi còn bao việc phải làm, hơn nữa tôi tin Khánh. Từ hôm được ba sắm cho chiếc điện thoại, Khánh liên tục nhắn tin cho tôi. Chị ăn Tết vui không. Khi nào chị vào Sài Gòn chơi với em. Em nhớ chị lắm... Có ngày máy tôi nhận đến hai mươi tám tin nhắn của Khánh, trong khi tôi chỉ reply lại nhiều nhất được dăm tin. Những tin nhắn càng về sau càng nặng nề tâm trạng. Biết thế nhưng tôi vẫn cố lờ đi, nghĩ tại nó rỗi quá đấy thôi. Hơn nữa, tôi cũng đã quá đau đầu bởi trách nhiệm làm người giải tỏa tâm sự bạn đọc rồi.
Tít... tít... Biết là tin nhắn của Khánh nhưng tôi không vội mở ra xem. Tôi đang đối mặt với một ca "cấp cứu". Một sinh viên năm thứ hai muốn bỏ học vì không biết mình tiếp tục học để làm gì. Giảng đường không còn khiến cô háo hức, chờ mong. Bạn bè thì nhạt nhẽo. Rồi cô kêu gào cuộc đời sao buồn quá, và nếu tôi không tìm giúp cô có điều gì đáng để sống, cô sẽ tự tử.
Kinh hoảng, tôi lao xe đến trường tìm cô gái. Trong căn-tin, cô bé cam đoan với tôi số sinh viên ngồi ở đây đông hơn trong lớp, và dọc theo các quán cóc ngoài cổng trường còn đông hơn ở đây. Chưa biết bắt đầu thế nào, cô bé đã lên tiếng. Em cần biết bao một người biết lắng nghe và thấu hiểu nhưng em gần như tuyệt vọng. Nếu chị không đến, có lẽ em sẽ thấy chỉ có chết là cách giải thoát. Cô bé nói tới cái chết thản nhiên như không. Cả người tôi lạnh toát. Tôi rùng mình nghĩ đến Khánh, nhớ ra tin nhắn chưa kịp đọc.
Tối chị sẽ nhắn tin cho Khánh, nhất định thế.
***
Tôi không còn dịp nhắn tin cho em nữa. Mẹ tôi hốt hoảng trong điện thoại. Con thu xếp vào Sài Gòn với cậu ngay... Thằng Khánh chết rồi. Chiều nay. Tôi sững sờ thả máy.
Chiều nay, tôi vừa ngồi với cô sinh viên...
Chị ơi em buồn lắm. Tin nhắn cuối cùng của Khánh còn lửng lơ trong chiếc máy vô tri sẽ ám ảnh tôi suốt phần đời còn lại...
Tôi đã dự phần trong cái chết của em.
***
Và tôi biết mình không thể tiếp tục công việc này được nữa.
(Theo Thanh Niên)