Kẻ ẩn danh do đạo diễn Việt kiều Trần Trọng Dần (Dan Trần) viết kịch bản và chỉ đạo. Phim theo chân Lâm (Kiều Minh Tuấn) trên con đường giải cứu con gái bị bắt cóc. Tác phẩm thuộc thể loại hành động - gia đình xen lẫn hài hước. Vì được gắn nhãn C18, phim gây ấn tượng với mật độ cảnh hành động dày đặc.
Lâm từng là giang hồ, nay hành nghề tự do và sống yên bình bên Hạnh (Vân Trang) và Hiền (Mai Cát Vi) - con gái riêng của vợ. Biến cố ập đến xáo trộn gia đình anh khi Hiền bị kẻ xấu bắt cóc, buộc Lâm phải ra mặt, bảo vệ người thân. Trên hành trình đó, anh đối mặt nhiều thế lực, từng bước vén màn các bí mật.
Đề tài nhân vật chính giải cứu con vốn được rất nhiều bộ phim khai thác. Hollywood có thương hiệu Taken của tài tử Liam Neeson, Việt Nam có phim Hai Phượng của đả nữ Ngô Thanh Vân. Tạo hình của Kiều Minh Tuấn cũng gợi nhắc tới nhân vật John Wick từ bộ phim cùng tên. Đạo diễn Dan Trần cho biết anh không ngại bị so sánh với các phim tiền nhiệm cùng chủ đề. Điều quan trọng là tìm ra hướng kể chuyện khác, khai thác góc nhìn mới.
Đạo diễn hành động của phim là Kefi Abrikh, người từng tham gia các dự án Kung Fu Zohra, Dunkirk, City Hunter, Hai Phượng, Thanh Sói, The Transporter 4, Mission Imposssible... Chính vì vậy, các cảnh chiến đấu được dàn dựng công phu, bài bản, dứt khoát. Phim có một số góc quay độc đáo, phô được pha đấu võ kịch tính, chất lượng và đẹp mắt.
Phân cảnh gay cấn, dồn dập đặt ngay từ đầu phim, khiến người mê thể loại hành động không khỏi phấn khích. Trên con đường xâm nhập vào đường dây tội phạm, nam chính như bước chân vào đấu trường game làm nhiệm vụ, khi cấp độ thử thách ngày một phức tạp và nguy hiểm hơn.
Để làm dịu không khí ngột ngạt, phim dàn cảnh bạo lực ra nhiều bối cảnh. Từ trong nhà ra tới xóm nhỏ lao động, chợ, bến phà, tàu lênh đênh giữa biển, các tụ điểm khu "đèn đỏ"... Cảnh đánh đấm trong không gian hẹp được xử lý tinh tế, chân thực, gây kích thích người xem.
Đặc biệt, trường đoạn trong bảo tàng nghệ thuật là điểm nhấn của phim. Các cảnh này khiến khán giả liên tưởng tới tác phẩm Kill Bill hay Lady Snowblood nhưng đậm đà bản sắc Việt, cho thấy nỗ lực và sáng tạo của đạo diễn cùng êkíp. Mỗi gian phòng tương ứng một không gian văn hóa, được bài trí ấn tượng, vũ khí phong phú, thế trận đa dạng, khoe được nhiều môn võ. Đáng tiếc là câu chuyện về không gian nghệ thuật này chưa được đào sâu, phát huy hết tiềm năng.
Kẻ ẩn danh truyền tải thông điệp ý nghĩa, lồng ghép các yếu tố thời sự lẫn văn hóa Việt. Phim đề cập từ vấn nạn buôn phụ nữ, bóc lột trẻ em, sự phân hóa giàu nghèo, đô thị hóa tới mâu thuẫn thế hệ, tình cảm gia đình, tình anh em, tình làng nghĩa xóm hay suy ngẫm về luật nhân quả. Tình cha con không cùng huyết thống giữa Lâm và Hiền cũng khiến khán giả xúc động.
Diễn xuất của dàn diễn viên đồng đều, tròn vai. Lần đầu đảm nhận vai diễn hành động, Kiều Minh Tuấn lăn xả hết mình, thuyết phục người xem từ pha đánh đấm nặng đô tới diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Tạo hình, cử chỉ và biểu cảm của anh mang tới hình ảnh người đàn ông lam lũ, trầm lặng. Đằng sau đó là cả quá khứ mất mát, đau thương chồng chất dẫn tới ám ảnh tâm lý. Trên con đường tìm lại bình an và công lý cho gia đình, nhân vật luôn bị đẩy vào đường cùng, đấu tranh nội tâm giữa thiện và ác nhưng qua đó cũng tìm ra bản ngã của mình.
Tiếp tục vào vai phản diện, Quốc Trường mang đến hình ảnh một tên trùm khát máu, gian manh dưới vỏ bọc doanh nhân lịch lãm. Anh cũng được thử sức với các pha hành động trong cảnh đối đầu cao trào.
Vai Lu của Mạc Văn Khoa đảm nhận vai trò "cây hài" của phim. Anh tung hứng nhịp nhàng với Lý Hạo Mạnh Quỳnh, vẫn với lối diễn mộc mạc và những câu thoại không ngừng nghỉ nhưng có sự tiết chế hơn.
Vân Trang cũng phối hợp ăn ý với bạn đồng môn Kiều Minh Tuấn, tạo nên hình ảnh người phụ nữ đảm đang, hết lòng vì chồng con. Mai Cát Vi tình cờ vào vai con gái bị bắt cóc như thời Hai Phượng nhưng được thể hiện nội tâm phong phú hơn.
Tuy nhiên, các vai thứ không có nhiều đất diễn để bộc lộ hết khả năng hay mang tới màn trình diễn "để đời". Với thời lượng 93 phút, các tình tiết trôi qua nhanh chóng, chưa khai thác sâu động cơ, câu chuyện đằng sau dàn nhân vật khiến đôi chỗ khó hiểu và gây hụt hẫng cho người xem.
Kịch bản mỏng, dễ đoán cũng khiến phim chưa chinh phục được người yêu điện ảnh. Nội dung đơn giản, cốt truyện thiếu đột phá cộng thêm một số tình tiết kém logic. Kẻ ẩn danh đặt ra tình huống tốt nhưng cách xử lý còn hời hợt, khiến người xem mới dừng ở cảm giác lưng chừng cảm xúc, "cưỡi ngựa xem hoa".
Ở màn chào sân này, đạo diễn Dan Trần (vốn quen thuộc với vai trò sản xuất nhiều năm qua) đã mang tới bữa tiệc hành động trọn vẹn tính giải trí. Phim còn cần khắc phục ở mặt kịch bản nhưng cũng là tín hiệu tốt cho dòng phim hành động Việt Nam.
Minh Hằng