Theo Vogue, Karl Lagerfeld được xem là một nhân vật xuất chúng của thế kỷ. Ông trải qua 65 năm gắn bó với nghiệp thiết kế, trong đó có hơn 50 năm tại Fendi - khiến ông trở thành giám đốc sáng tạo lâu đời nhất của một nhà mốt. Nhưng dấu ấn rực rỡ nhất trong sự nghiệp của "ông hoàng đầu bạc" là việc vực dậy Chanel, đưa thương hiệu từ tình trạng "đang chết dần" trở lại hàng ngũ các nhà mốt xa hoa hàng đầu thế giới và duy trì vị trí độc tôn của mình trong ngành thời trang. Ngày 19/2, thiên tài thiết kế qua đời tại Paris (Pháp) sau thời gian ngắn ốm nặng, để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong con tim của giới mộ điệu.
Chàng thanh niên Đức khao khát khẳng định bản thân
Karl Lagerfeld sinh ngày 10/9/1933 tại ngôi làng ở Hamburg (Đức), trong một gia đình khá giả. Cha ông - doanh nhân Otto Lagerfeld - đến từ Vladivostok, Nga, còn mẹ là người Berlin, Đức. Trong phim tài liệu Karl Lagerfeld: A Lonely King (Karl Lagerfeld: Ông hoàng cô độc), nhà thiết kế nói do lớn lên ở làng quê, từ nhỏ ông đã mơ về những thành phố nhộn nhịp. Năm 1952, ông chuyển đến Paris (Pháp) vì cảm thấy nơi này gần gũi với quan điểm thẩm mỹ của mình.
Tại Paris, Karl được biết đến là một tay vẽ phác cừ khôi, chỉ trong nháy mắt có thể tái hiện phong cách nào đó trong lịch sử thời trang châu Âu. Năm 1955, ở tuổi 22, Karl được nhận làm trợ lý cho nhà tạo mốt nổi tiếng Pierre Balmain sau khi giành giải trong cuộc thi thiết kế thời trang của Tổ chức Len Quốc tế (International Wool Secretariat). Tuy nhiên, sau ba năm thu thập kinh nghiệm tại đây, ông chuyển sang đảm nhận vai trò giám đốc nghệ thuật cho Jean Patou bởi: "Tôi không sinh ra để làm trợ lý".
Ở Jean Patou, ông làm việc dưới cái tên Roland Karl. Mỗi năm ông cho ra đời hai bộ sưu tập Haute Couture (thời trang cao cấp), liên tiếp trong vòng 5 năm. Bộ sưu tập đầu tiên trình diễn vào tháng 7/1958 không được nhiều người hoan nghênh, nhưng loạt sản phẩm tiếp theo ra mắt mùa xuân năm 1959 là một tiến bộ vượt bậc. Một số tờ báo khen ngợi rằng: "Thời trang của Karl có một vẻ thanh lịch ngầm, đơn giản là trình độ đạt đẳng cấp mà chưa ai ở bờ bên này Đại Tây Dương có được từ khi Molyneux và Mainbocher đóng cửa shop thời trang của mình".
Sự nghiệp khởi sắc
Karl Lagerfeld bắt đầu cộng tác với Chloe từ năm 1963, và đến 1966, ông trở thành nhà thiết kế chính của thương hiệu Pháp này. Ông may áo không có lớp lót, loại bỏ các chi tiết đệm rườm rà, giúp trang phục nhẹ và mềm mại hơn. Nhờ phong cách lãng mạn mà Karl đem lại, Chloe gây được tiếng tăm khắp châu Âu ở thập niên 1970. Trong số khách hàng thân thiết phải kể đến Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy, minh tinh Brigitte Bardot, Công nương Monaco Grace Kelly hay nữ ca sĩ opera nổi tiếng Maria Callas.
Năm 1967, Karl bén duyên với Fendi của Italy và từ đó cống hiến trọn đời cho nhà mốt này. Từ giữa thập niên 1970, Karl Lagerfeld đã là tên tuổi hàng đầu của làng thời trang thế giới.
Năm 1983, ông rời Chloe để trở thành linh hồn mới của Chanel - một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của người đàn ông đa tài. Chính quá trình sáng tạo thăng hoa tại ngôi nhà Chanel giúp ông được tôn vinh là "thầy phù thủy thiết kế".
Một năm sau khi bước chân vào Chanel, Karl Lagerfeld thành lập thương hiệu riêng mang tên mình.
Chấp nhận mạo hiểm để hồi sinh Chanel
Để lại dấu ấn không thể phai mờ trên cả Chloe và Fendi nhưng di sản mạnh mẽ nhất của Karl chắc chắn nằm ở việc vực dậy Chanel, Independent nhận định. Đầu thập niên 1980, nhà mốt Pháp - từng là đỉnh cao của phong cách Paris - đã trở nên mệt mỏi và trì trệ, phần lớn được mua bởi những người theo chủ nghĩa truyền thống. Sau khi trở thành giám đốc sáng tạo của Chanel vào 1983, tức 12 năm sau khi nhà sáng lập Coco Chanel qua đời, Karl đã hồi sinh thương hiệu, truyền năng lượng trẻ trung khiến cổ phiếu của nó tăng vọt.
Ông nhận được lời mời đến Chanel khi đang làm cho Chloe. "Mọi người đều khuyên tôi từ chối, thương hiệu đó đã chết, không thể cứu vãn", Karl từng chia sẻ trên New York Times. Tuy nhiên, ông coi đó là một thử thách.
Thời điểm ấy, Yves Saint Laurent được xem là vị vua trị vì thời trang Pháp, với những thiết kế theo chủ nghĩa hậu hiện đại, pha trộn giữa thời trang cao cấp và phong cách đường phố. Karl đã áp dụng một phương pháp tương tự, kết tinh thời trang đương đại thành các tác phẩm cao cấp. Ông điều chỉnh bộ đồ tweed Chanel cổ điển năm 1925 và thổi lên đó tinh thần hiện đại. Trang phục tweed thấm đẫm tính biểu tượng xuất hiện trong tất cả bộ sưu tập Chanel nhưng được điểm xuyết thêm chất liệu denim, da, nhựa dẻo, gỗ và cả phương pháp in kỹ thuật số. Karl thậm chí xé bỏ tính an toàn trước đây trong các thiết kế dưới thời Coco, thay vào đó là những kiểu dáng thời thượng như váy ngắn hay cả quần chẽn.
Wallstreet nhận định, trong 36 năm đảm nhiệm vai trò giám đốc sáng tạo của nhà mốt Pháp, Karl Lagerfeld vừa kế thừa truyền thống, vừa mang đến nhiều yếu tố mới mẻ, in đậm dấu ấn cá nhân của ông. Nhờ bàn tay tài hoa ấy, đến nay Chanel vẫn giữ vững vị trí thương hiệu xa xỉ thành công bậc nhất thế giới.
"Có rất ít nhà thiết kế đã thay đổi tiến trình của lịch sử thời trang. Coco Chanel và Karl Lagerfeld là hai trong số họ. Tài năng tuyệt vời của Karl là khả năng xác định và thường xuyên dự đoán những thay đổi trong chủ nghĩa tư tưởng. Bằng sáng tạo thiên tài, sự nhanh nhẹn và trí tuệ, ông đã phát minh ra ngôn ngữ của thời trang cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 một cách hiệu quả", ông Andrew Bolton thuộc Viện trang phục tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan chia sẻ.
Bậc thầy set-up sàn catwalk
Đối với Karl Lagerfeld, trang phục phải được trình diễn ở "nhà hát cuộc đời". Mỗi lần giới thiệu bộ sưu tập Chanel và Fendi, ông luôn khiến giới mộ điệu háo hức chờ đợi để rồi choáng ngợp trước những sân khấu hoành tráng và độc đáo đáng kinh ngạc. Để kỷ niệm 90 năm Fendi, huyền thoại làng mốt dựng sàn catwalk bằng kính ngay tại đài phun nước nổi tiếng Trevi ở Rome. Riêng với Chanel, hầu hết show được tổ chức bên trong bảo tàng Grand Palais - nơi từng được ông biến thành bãi biển sóng vỗ rì rào, căn villa xanh mát có hồ bơi, con tàu dài 148 mét mất một tháng để lắp đặt hay thác nước khổng lồ với cây cối xanh mướt và hồ nhân tạo mát lành...
Một di sản lâu dài
Cùng lúc, Karl Lagerfeld là linh hồn của ba nhà mốt khác nhau, gồm Fendi từ 1967, Chanel từ 1983 và thương hiệu mang tên ông từ 1984. Mỗi năm, ông cho ra đời hơn 15 bộ sưu tập, đồng thời thiết kế trang phục cho nhà hát và các sản phẩm múa ballet. Bên cạnh đó, tài năng trong nhiều lĩnh vực khác đưa Karl trở thành biểu tượng văn hóa đặc biệt của thế giới. Là một họa sĩ và nhiếp ảnh gia xuất sắc, ông tự mình chụp hầu hết chiến dịch quảng cáo của Chanel và Fendi từ 1987. Không chỉ vậy, ông còn làm phim ngắn, mở hiệu sách, thành lập nhà xuất bản và tổ chức các triển lãm về công việc cá nhân của mình.
Nắm trong tay quyền lực tối cao của ngành công nghiệp thời trang thế giới, "ông hoàng đầu bạc" thể hiện vẻ ngoài lạnh lùng xen lẫn chút tự mãn, thế nhưng tài năng và chuỗi thành công vang dội trong sự nghiệp cho phép ông thể hiện cái tôi mạnh mẽ của mình. Với mái tóc bạc trắng buộc đuôi ngựa, kính đen và găng tay hở ngón, Karl tự tạo dấu ấn của riêng mình, không thể nhầm lẫn với bất cứ ai. Trang phục ông mặc thường chỉ mang màu đen - trắng với phong cách lịch lãm xen lẫn cá tính, bụi bặm.
Trong 65 năm sự nghiệp lừng lẫy, "thầy phù thủy thiết kế" đạt được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có 6 giải của Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ (CFDA - Council of Fashion Designers of America Awards, một trong những lễ trao giải thời trang uy tín hàng đầu nước Mỹ, được tổ chức thường niên), và đặc biệt là giải The Couture Council Fashion Visionary của Viện Công nghệ Thời trang Mỹ, tạo riêng để vinh danh Karl. Ngoài ra, kỹ năng nhiếp ảnh xuất sắc giúp ông nhận giải Trustees Award năm 2007 do Trung tâm Nhiếp ảnh quốc tế ICP trao tặng.
Năm 2008, Karl Lagerfeld được ghi danh trong từ điển nước Pháp. Tháng 4/2009, ông xuất hiện trong danh sách "100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới" của tạp chí Time.