Karen Nguyễn nổi tiếng với vai diễn "tiểu tam" trong loạt MV ADODDA của Hương Giang Idol, ngoài ra đóng vai phản diện trong hai phim Sắc đẹp dối trá, Người cần quên phải nhớ. Cô làm đám cưới năm 2020 và sinh con gái Sophie một năm sau đó. Lần đầu khoe rõ mặt con khi bé tròn tuổi, nữ diễn viên có dịp trải lòng về năm đầu tiên của thiên chức làm mẹ.
- Sau một năm chỉ đăng ảnh chụp sau lưng, góc nghiêng hoặc đeo khẩu trang của con gái, lý do gì chị chọn hé lộ gương mặt của bé đúng dịp thôi nôi?
- Tôi quan niệm khá truyền thống, sợ để lộ hình ảnh của con sớm dễ bị quở làm con bị bệnh, nên tôi giữ kín cả năm qua. Nhiều lúc có ảnh đẹp của con, tôi muốn đăng lên Facebook lắm, nhưng đành cất "làm của riêng". Giờ Sophie tròn tuổi, tôi nghĩ con có chút cứng cáp, có thể đăng hình được rồi.
- Thời kỳ bầu bí và sinh nở, mỗi phụ nữ có những nỗi ám ảnh khác nhau. Với chị, đó là những trải nghiệm nào?
- Mấy tháng đầu thai kỳ, tôi nghén nặng. Đêm tôi gần như không ngủ được, người mệt, không có sức để làm gì, cũng không thể tập thể dục. Vào buổi chiều, tôi hay mắc ói nhưng không ói được. Tới 1-2h sáng, tôi ói ra toàn nước.
Thai được 39-40 tuần, người tôi nặng nề, tôi mệt hết chịu nổi nhưng vẫn chưa có dấu hiệu trở dạ. Lúc đó, em bé đã xoay đầu, nặng 3,7 kg nhưng nước ối nhiều quá, em bé bị lơ lửng ở trên. Tôi xin bác sĩ kích sinh cho tôi đẻ thường nhưng không được.
Bác sĩ nói kích sinh có khả năng thất bại cao. Nếu chọc nước ối trong khi em bé chưa xuống được, tôi sẽ phải mổ cấp cứu, càng kiệt sức cho tôi. Tôi nghe lời khuyên của bác sĩ, sinh mổ ngay chiều hôm ấy. Em bé ra khỏi bụng mẹ cùng hơn hai lít nước ối, tôi giảm 10 kg chỉ trong năm ngày sau sinh.
- Vậy còn một năm đầu tiên làm mẹ của chị có những điều đáng sợ nào?
- Tôi đã chuẩn bị nhiều về tâm lý, học hỏi nhiều người đi trước nhưng đến lúc thực sự làm mẹ, tôi vẫn bỡ ngỡ nhiều. Mỗi lần đổ bệnh vì trái gió trở trời, tiêm phòng hay mọc răng, Sophie lại quấy khóc, nhõng nhẽo, đòi mẹ ẵm bồng. Lần nào, tôi cũng bối rối. Khổ tâm nhất là lần đầu tiên con nằm viện, khi mới ra tháng.
Lần đó, con quấy khóc cả đêm, cho bú sữa hay thay tã cũng không hết khóc. Dỗ con không được, tôi khóc theo con. Sáng hôm sau, thấy hai má con nổi đỏ nhiềm chàm sữa và rốn con có mủ, tôi cho con đi khám bác sĩ, mới biết con bị dị ứng da nặng, suýt nữa phải mổ, thắt lại ống rốn.
Nhìn con nằm viện năm ngày, nổi đỏ kín hai bên má, phải truyền kháng sinh, tôi khóc hết nước mắt, tự trách mình ăn cháo hải sản rồi cho con bú. Nhưng thực sự là tôi không biết con gái bị dị ứng hải sản. Tới giờ nhắc lại, tôi vẫn muốn ứa nước mắt.
- Chị vô tình làm con bị dị ứng như vậy, ông bà hai bên nói gì?
- Tôi nghĩ ông bà cũng trách tôi, nhưng ông bà không nặng lời, sợ tôi mới ra tháng, tinh thần chưa ổn định. Từ đó, tôi không dám ăn hải sản, cho tới khi cai sữa cho Sophie. Ngay cả thuốc bổ có thành phần hải sản như dầu cá, tinh chất hàu, tôi cũng không dám dùng.
Cả nhà cũng chăm lo vệ sinh quần áo, đồ ăn, đồ dùng của con cẩn thận hơn. Thực đơn của bé quanh quẩn ba loại thịt cơ bản là gà, heo và bò; thêm các loại rau, trái cây ít mùi. Sophie nhạy cảm với mùi hương và thích sạch sẽ. Các em bé khác tè hai, ba lần mới thay tã. Nhưng Sophie tè một lần là khóc, không thay tã không chịu ngủ. Bà nội hay trêu nuôi Sophie tốn tã quá.
- Sức khỏe của chị đổi khác thế nào sau ngày sinh con?
- Tôi cảm nhận mình yếu hơn trước nhiều. Tôi có thể đi bộ lâu nhưng chạy bộ chỉ năm phút là mệt, cũng không thể tập gym nặng như trước. Lúc mới đẻ, tôi trộm vía không bị mụn trên mặt nhưng lưng thâm nám, nhiều mụn và hai chân bên nâu, bên trắng. Mất khoảng ba tháng sau sinh, tôi mới chữa được. Có đợt, tôi rụng tóc nhiều, trắng cả mảng đầu, còn nghĩ đến việc đi cấy tóc vì sợ bị hói (cười).
Tôi tưởng chỉ mình tôi vậy, nhưng hóa ra nhiều chị em quanh tôi cũng thế, dù sinh thường hay sinh mổ. Đưa một em bé ra khỏi cơ thể là rút nhiều phần sức lực của mình, không phải chỉ một phần. Nhưng tôi thấy sự đánh đổi này xứng đáng, vì con cái cho tôi cảm giác bình yên.
- Chị đã dùng thuốc bổ, mỹ phẩm gì để cải thiện?
- Như tôi đã nói, tôi không dám dùng nhiều thuốc bổ vì sợ gây dị ứng cho con. Vì thế, tôi nhanh mệt, mỗi lần hút sữa xong tưởng như mất sức, không thấy đường. Sophie được sáu tháng, tôi cai sữa cho con. Hai tuần đầu, ngực căng cứng, tôi khó chịu vô cùng.
Những ngày cuối thai kỳ và lúc mới sinh, tôi xấu lắm, người nặng nề, da chảy xệ, chân phù. Hơn một năm, tôi không make up và giản lược các bước dưỡng da với các sản phẩm thuần tự nhiên.
- Lúc mang bầu và khi làm đám cưới, chị rất mau nước mắt. Vậy khi làm mẹ thì sao?
- Tôi cũng vẫn hay tủi thân, hay khóc vì tự thấy mình chưa đủ tốt trong vai trò làm mẹ. Tháng đầu có con, tôi mệt mỏi, đau người, hay kiệt sức. Tôi đem chuyện này tâm sự với người thân quen, mọi người đều nói tôi bị trầm cảm sau sinh. Nhưng tôi may mắn bước qua tâm trạng tiêu cực khá nhanh, nhờ có giúp việc hỗ trợ và được chồng chăm lo.
- Giai đoạn tâm trạng chị bất ổn như vậy, chồng và bố mẹ hai bên đồng hành với chị thế nào?
- Có những ngày, chồng ở nhà, không phải để dỗ con mà dỗ tôi (cười). Lúc ở cữ, tôi chưa được ra đường vì sợ gió. Ông xã chở tôi bằng xe hơi đi lòng vòng ngắm đường phố cho đỡ buồn. Rất may, ông xã làm công ty của gia đình nên có thể cân đối công việc và lo cho vợ con.
Chồng tôi bận việc, ngày nào cũng xuống xưởng ở Long An từ sáng đến 7-8h tối. Anh ấy cố gắng chơi với con một, hai tiếng vào buổi tối và đưa hai mẹ con đi chơi ngày cuối tuần.
Bố mẹ hai bên hay qua thăm cháu và cũng không can thiệp nhiều vào việc nuôi con của tôi. Tôi cảm giác em bé là cầu nối tình cảm giữa mọi người trong gia đình. Ông bà thương cháu nên càng thương con gái, con dâu.
Phong Kiều thực hiện