Hôm 2/11, trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra ở Glasgow (Anh), Bezos cam kết dành một tỷ USD hỗ trợ khôi phục thiên nhiên, với trọng tâm ban đầu tại châu Phi và Mỹ. Một tỷ USD khác dành phát triển lương thực bền vững và nông nghiệp, ví dụ tăng năng suất cây trồng.
Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, Jeff Bezos bán 608.450 cổ phiếu Amazon trị giá 2 tỷ USD dựa trên kế hoạch giao dịch được sắp xếp trước. Từ đầu năm đến nay, Bezos đã bán khoảng 8,6 tỷ USD cổ phiếu. Người sáng lập Amazon sử dụng số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu để tài trợ cho công ty dịch vụ vũ trụ Blue Origin của ông. Ông cũng cam kết dành 10 tỷ USD cho Quỹ Trái đất Bezos, giúp chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.
Trong 15 năm khi Amazon lên sàn vào năm 1997, giá trị cổ phần của Bezos tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây, đến mức ông có thể thu về hàng tỷ USD khi bán ra lượng cổ phiếu nhỏ. Năm ngoái, Bezos bán số cổ phiếu trị giá hơn 10 tỷ USD.
Bezos là người giàu thứ hai thế giới với khối tài sản khoảng 196 tỷ USD. Ông hiện nắm giữ khoảng 10% cổ phần Amazon. Cổ phiếu Amazon chỉ tăng 3,9% năm nay, sau khi tăng 76% năm ngoái do Covid-19 thúc đẩy mua sắm trực tuyến. Bezos sẽ giàu hơn hiện tại nếu không ly hôn vợ cũ MacKenzie Scott vào năm 2019. Bezos đã chia cho vợ cũ 4% cổ phần ở Amazon, biến bà thành một trong những người giàu nhất hành tinh. Sau ly hôn, bà MacKenzie tập trung vào các hoạt động từ thiện, cho đi 6 tỷ USD trong năm 2020.
Bezos đã rời vị trí CEO Amazon hồi tháng 7, sau hơn 20 năm giữ vị trí này từ khi công ty thành lập vào năm 1995. Sau khi rời vai trò điều hành Amazon, Bezos tập trung phát triển công ty hàng không vũ trụ Blue Origin, tờ tin tức Washington Post hay các vấn đề như biến đổi khí hậu.
Sơn Nam (Theo Bloomberg)