- Nữ Việt Nam đã 6 lần vô địch SEA Games, trong đó, riêng HLV Chung cũng đã tham gia trong 4 lần giành huy chương vàng. Lần này khác gì so với những lần trước? (Quốc Vinh, 40 tuổi, Hải Dương)
- HLV Mai Đức Chung:
- Mỗi lần đoạt HC vàng đều có cảm xúc khác nhau. Kỳ SEA Games trước năm 2017 chúng tôi cũng đoạt HC vàng nhưng lần ấy tôi cảm thấy nó không căng thẳng và vinh dự như HC vàng năm nay. Năm nay chúng ta đá chia bảng và đá trực tiếp, chúng ta cùng bảng với Thái Lan và Indonesia ở bảng B, bảng bên kia có Philippines, Myanmar và Malaysia. Chúng tôi đã gặp Thái Lan ở vòng bảng rồi, cuối cùng gặp ở chung kết nữa cảm thấy căng thẳng đối đầu như vậy. Cũng là chiến thắng thôi nhưng trên tinh thần căng thẳng đấu trí. Chúng tôi đã làm hết sức mình, vận dụng hết sức lực để đội tuyển chúng ta vô địch lần này.
- Ông HLV Thái Lan sau trận nói rằng Thái Lan vẫn có thực lực mạnh hơn Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này? (Nhơn, 30 tuổi, TP HCM)
- HLV Mai Đức Chung:
- Hoàn toàn đúng. Trước trận đấu tôi đã nói với các bạn ấy rằng chúng ta là cửa dưới, chúng ta phải biết người biết ta. Rõ ràng Thái Lan hơn chúng ta về tầm vóc, thể lực, sức mạnh, và cả kỹ chiến thuật. Đội bạn có VĐV số 8 cao to, chúng tôi phải phân công Thái Thị Thảo đi đâu đi đấy, kèm một. Một vài cầu thủ khác cao hơn chúng ta, đứng cùng hơn hẳn một cái vai chưa nói cả cái đầu, nếu chơi bóng bổng thì gây khó khăn rất nhiều cho chúng ta. Tất nhiên, ban huấn luyện chúng tôi có đấu pháp hợp lý, bên cạnh đó nhờ các VĐV có thực hiện được hay không, đó mới là quan trọng.
- Tại giải AFF Cup nữ hồi tháng 8, tuyển nữ cũng thắng Thái Lan ngay trên sân nhà của họ, cảm xúc trong chiến thắng ấy và chiến thắng trong chung kết SEA Games hôm 8/12 của hai thày trò có khác nhau không? (Mai Trang, 34 tuổi, Hà Nội)
- Hoàng Thị Loan:
- Thật ra giải hồi tháng 8 tôi không tham gia. Còn ở SEA Games may mắn là lần đầu tiên được HC vàng luôn nên tôi rất vui và hạnh phúc. Lần đầu mà lại được khán giả cổ vũ nhiệt tình, nhiều người biết đến mình, nhiều cảm xúc lắm.
- HLV Mai Đức Chung:
- Mỗi trận đấu có cảm xúc khác nhau. Ở AFF Cup rõ ràng chúng ta chiến thắng Thái Lan mà không có CĐV đông như vừa qua ở SEA Games, đấy là một cảm xúc. Chúng tôi vẫn chiến đấu hết sức mình vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của Việt Nam chúng ta. Chúng tôi vượt qua áp lực lớn khi phải thi đấu trên sân nhà của người ta, rất đông khán giả. Ở AFF Cup thì chỉ dành riêng cho bóng đá nữ trong khu vực thôi nhưng ở SEA Games lần này, là một đại hội thể thao khu vực có cả các môn khác nữa nên huy chương đạt được rất ý nghĩa. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào khi chiến thắng một lần nữa.
- Thái Lan không chỉ có chiêu trò trên sân mà ngoài sân nữa, ông và BHL đã làm gì để hóa giải? (Anh Tuấn, 24 tuổi, Lạng Sơn)
- HLV Mai Đức Chung:
Anh dùng từ hóa giải rất đúng. Tôi xin kể chuyện này, hơi dài dòng một chút. Ngay từ khi rời khách sạn ra sân, xe của đội Thái Lan đỗ trước xe chúng ta. Tôi quyết định cả đội lên xe trong khi Thái Lan chưa lên. Tôi nói với cảnh sát dẫn đoàn đề nghị xe Thái Lan lùi lại nhường xe Việt Nam lên trước vì xe họ chưa có người. Trước khi đi thi đấu mà xe lùi thì không tốt phong thủy lắm, rõ ràng chúng ta thắng một bước. Khi ra sân. tôi ra trước, một lúc sau VĐV Thái Lan ra, rất đông mà sân họ bên kia mà họ sang sân mình. Tôi để ý có một cô đến sát cầu môn mình, nhét cái gì vào cột cầu môn, lúc sau giả vờ buộc dây giày rồi đi. Tôi bảo trợ lý Tuấn - HLV trưởng đội Hà Nội - xem góc cầu môn có gì. Tuấn ra cầm lên một đồng xu. Rõ ràng họ làm mọi cách để thắng chúng ta. Đây là một trận căng thẳng vì đội nam đã bị U22 loại, giờ chỉ trông chờ vào đội nữ nhưng cũng không được. Bên sân kia họ cũng nhét đồng xu, tôi nghĩ như kiểu may mắn với họ. Tôi đã quan sát nên đưa ra quyết định rất nhanh, cũng có chút duy tâm.
- Có lúc nào đó, ông và Kiều có đôi chút chạnh lòng rằng nếu không trở về cùng đội tuyển bóng đá nam, tuyển nữ cũng sẽ được chào đón, nhưng có thể không hoành tráng như vậy? (Bùi Hà, 29 tuổi, Nghệ An)
- Hoàng Thị Loan:
- Bóng đá nam luôn nổi trội hơn bóng đá nữ, được khán giả dành nhiều sự quan tâm nhưng tôi không chạnh lòng vì đã quen với điều đó trước giờ rồi. Vấn đề đấy không quan trọng lắm.
- HLV Mai Đức Chung:
Tôi xuất thân từ bóng đá nam, tôi cũng làm bóng đá nam nhiều rồi, cũng được khán giả, CĐV ra sân cổ vũ nhiều. Giờ tôi làm bóng đá nữ nói thật tôi cũng so sánh và chạnh lòng, thương cho các cháu. Tại sao cũng là thi đấu 90 phút, thậm chí trận vừa qua 120 phút, dưới thời tiết nắng nóng, và cả mưa gió mà tại sao không có khán giả đến sân. Là HLV tôi cũng suy nghĩ chứ. Nhưng tôi thấy trên thế giới người ta vẫn ưu tiên nam nhiều hơn, chúng ta cũng vậy nên dần tôi đã quen, không suy nghĩ so sánh gì. So sánh cũng không được, tôi cũng nói với các cháu rằng chứ chơi hết mình đi, chúng ta đá tốt rồi nhất định khán giả sẽ đến với chúng ta. Ví dụ như ở trận bán kết gặp Philippines vừa rồi và chung kết, khán giả cũng đến khá đông và cổ vũ hết mình.
- Khoảnh khắc nào HLV Chung và toàn đội cảm thấy ấn tượng nhất về sự cổ vũ nhiệt tình đến từ các CĐV dành cho đội tuyển bóng đá nã? (Vũ Bảo. 30 tuổi, Điện Biên)
- Khi khán giả đến sân xem các nữ tuyển thủ thi đấu lăn xả, đúng với tinh thần phụ nữ Việt Nam. Lúc ấy các bạn đã chơi trên 100% sức, khó khăn nhất cũng không nề hà. Ví dụ như khi tôi thay Nguyễn Thị Xuyến mệt ra, bên bạn cũng thay cầu thủ số 11, cô ấy chuyển giới như nam giới rất khỏe như đàn ông. Tôi gọi Loan ra và thay Xuyến. Loan rất khỏe và có tốc độ tốt, bắt chặt cô ấy. Loan đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đối đầu cả trong sân lẫn ngoài sân, cả đấu pháp. Một trận tôi xếp Yến đá đầu, trận này tôi lại cất Yến ra ngoài, chưa muốn Yến vào vội vì Yến vào mà chưa phát huy được khả năng thì sẽ sụp đổ. Khi Yến nhìn thấy điểm yếu của Thái Lan, khích động tinh thần của Yến ở ngoài. Y như rằng, ở hiệp hai tôi thay Yến vào, Yến hoạt động mạnh mẽ hơn và ghi bàn thắng ở hiệp phụ.
Ngày hôm qua, khi đội tuyển nữ cùng trở về với các đội tuyển khác sau khi tham dự SEA Games 30. Khi được đón ở sân bay, Cảm xúc của Loan lúc ấy như thế nào? (Tuấn Anh, 38 tuổi, Hà Nội)
Hoàng Thị Loan:
- Thực sự tôi cảm thấy rất vui khi gia đình, chị em đến đón, tiếc là không được gặp mặt. Vui và hạnh phúc khi thấy nhiều người chào đón nhiệt tình. Hôm qua nhà tôi có chị gái, tôi bảo bố mẹ ở nhà vì đường xa, đi đêm về muộn. Cuối cùng không gặp được ai (cười).
- Loan đã có người yêu chưa? (Văn Hoàng, 26 tuổi, TP HCM)
- Hoàng Thị Loan:
Cũng có nhiều người tìm hiểu nhưng tôi chưa chọn ai, chắc có lẽ chưa gặp người phù hợp. Vì cũng bận nên thời gian tìm hiểu ít.
- Khi Kiều bị đau, Loan nghĩ gì, nếu Kiều phải ra sân thì ảnh hưởng như thế nào đến toàn đội? E có sợ bị chấn thương như thế không? (Vinh Hải, 47 tuổi, Hà Tĩnh)
- Hoàng Thị Loan:
Lúc đó Kiều rất đau nhưng tinh thần không đi xuống. Nếu là tôi thì tôi vẫn quyết tâm thi đấu hết mình. Mọi người không kịp ra động viên, ở ngoài chỉ hét cố lên thôi.
- Trong trận bán kết và chung kết, mỗi khi Loan vào sân, khán giả đều ồ lên vì em trông xinh xắn quá, như hot girl. Loan cảm thấy như thế nào khi nhận được lời khen như vậy? (Mỹ Khanh, 33 tuổi, Quảng Bình)
- Hoàng Thị Loan:
- Tôi vui và hạnh phúc khi nhiều người biết đến mình, những lúc mình vào trong sân, mọi người tung hô, nhiệt luôn. Sau khi đá bán kết xong, trang cá nhân của tôi tăng vọt lên 40.000 người theo dõi, hiện tại là hơn 200.000 lượt theo dõi. Tôi không đọc hết được vì có quá nhiều.
- Loan thường được tung vào sân từ ghế dự bị, có khi nào Loan muốn vào sân từ đầu không (Kim Chi, 30 tuổi, Hà Nội)
Hoàng Thị Loan:
- Có chứ, cầu thủ nào cũng muốn ra sân từ phút đầu tiên, bản thân tôi cũng vậy
- Trong trận gặp Thái Lan, Loan có theo kèm tiền đạo cao lớn Sung-Ngoen. Hình ảnh lăn xả này của Loan gây chú ý lớn với người hâm mộ. Điều gì có thể khiến Loan có thể hạn chế tốt một cầu thủ hơn hẳn về sức vóc như vậy? (Thái An, 25 tuổi, Hà Nội)
- Hoàng Thị Loan:
Khi mình bắt người, mình cố gắng đè họ ra khỏi khu vực của thủ môn vì họ có thể làm khó thủ môn, không cho thủ môn thoải mái phán đoán được. Nhiệm vụ của tôi là bắt chặt và đẩy họ lên cao.
- Loan bắt đầu đá bóng từ bao giờ? Chị được biết em từng chơi futsal, sao lại chuyển sang bóng đá? (Mỹ Xuân, 31 tuổi, Tây Ninh)
- Hoàng Thị Loan:
Tôi bắt đầu chơi bóng từ năm 13 tuổi khi được một bạn ở làng rủ. Tôi theo bạn xuống huyện, thấy mọi người vui chơi, vui lắm, tôi đi theo từ đó, mỗi tuần đi 3-4 lần. Thời đó tôi tập ở sân cỏ ở khu của doanh trại quân đội nhân dân. Tôi đi xe đạp 6 km, cứ đi học xong về là cùng bạn đạp xe xuống tập.
- Loan xinh xắn, tại sao lại chọn bóng đá vốn là môn thể thao tàn phá nhan sắc với cầu thủ nữ? (Khải Anh, 36 tuổi, Hà Nội)
- Hoàng Thị Loan:
Khi bắt đầu theo đuổi đá bóng tôi chưa có nhận thức về nhan sắc, đầu óc thoải mái nên cứ đi theo đam mê thôi. Lúc đi tập thì tôi bôi kem chống nắng, tối về chăm sóc da, bôi kem dưỡng.
- Điều gì trong những ngày qua, hay trong cuộc gặp hôm qua với Thủ tướng, khiến ông nghĩ rằng có tác động đến sự thay đổi ấy? (Hoàng Cường, 36 tuổi, Thái Nguyên)
- HLV Mai Đức Chung:
Lời đầu tiên tôi thay mặt đội tuyển nữ cũng xin gửi lời cảm ơn Đảng, Chính phủ, Chủ tịch quốc hội Bộ trưởng Bộ thể thao du lịch, tổng cục thể thao, liên đoàn bóng đá và đặc biệt khán giả trong và ngoài nước đã luôn cổ vũ, ủng hộ chúng tôi suốt thời gian vừa qua. Từ lời phát động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp. Họ xem chúng thi thi đấu những trận vừa qua thấy các em đã quá vất vả lăn xả, dũng cảm hết mình với đói thủ tốt hơn cả tầm vóc và sức mạnh. Sau buổi họp báo, đã có một ông người nước ngoài ngạc nhiên hỏi tôi sao các cầu thủ của mình thấp bé nhưng nhanh nhẹn, kỹ thuật tốt. Phụ nữ mình tuy nhỏ bé nhưng tinh thần dũng mãnh, nhanh nhẹn, không phải đối đầu về sức mạnh mà biết né tránh, phát huy đúng sở trường của mình. Trong trận đấu, có những lúc chúng ta bùng nổ, đội bạn cũng bị chuột rút.
- Hôm Việt Nam đá với Thái Lan, ông cùng đội tuyển đang trên đường ra sân, sau khi nghe đội tuyển nam đang bị dẫn 0-2, cảm giác của ông thế nào? (Hoàng Khánh, 34 tuổi)
Tôi hơi hụt hẫng và buồn vì mới 15, 20 phút thôi mà chúng ta đã thua 0-2 rồi. Tôi hỏi cô phiên dịch xem lại trận đấu, cô ấy bảo thua 0-2 rồi, tôi sững lại. Tôi nghĩ thế này, đây là trận căng thẳng quyết định, nếu U22 Việt Nam thua mà phải ra về thì chúng tôi buồn lắm, không phải chúng tôi được huy chương mà mừng đâu, tôi mong muốn cả đội nam và cả đội nữ đều giành huy chương cơ. Khi chúng tôi ra gần đến sân thì biết tỷ số hòa 2-2, tôi mừng lắm, tôi lao ra sân xem ngay. Sau trận đó là nữ đá bán kết với Philippines. Tôi thấy ông Park Hang-seo đưa tay ra dấu đá chậm lại, rút về nửa sân để bảo toàn tỷ số.
- Xin hỏi bác Chung khó khăn lớn nhất của tuyển nữ Việt Nam ở SEA Games 30 là gì? (Vũ Dũng, 22 tuổi, Yên Bái)
- HLV Mai Đức Chung:
Khó khăn khi đội tuyển nữ sang hơi sớm để làm quen với thời tiết, ban tổ chức chưa sắp xếp được chỗ ăn ở nên không đủ thức ăn. Một khó khăn nữa là sân bãi ở xa nơi ở, đi lại thì tắc đường, sân gần nhất đi mất 30 đến 40 phút nếu không có công an dẫn đường dù chỉ đi 5 km. Các cháu, các em đã quen với khổ rồi nên cũng nhanh chóng khắc phục. Chúng tôi cũng mang thức ăn đi và cũng gọi điện về Việt Nam tiếp tế. Anh Phạm Thanh Hùng trưởng đoàn quyết định đổi tiền ra chợ mua thức ăn để đội ăn thêm, để đủ sức khỏe đá.
- Loan cảm thấy khó khăn gì khi đá sân cỏ nhân tạo? (Xuân Hoa, 34 tuổi, Cao Bằng)
- Hoàng Thị Loan:
Mặt sân cỏ nhân tạo rất cứng, trơn khiến cầu thủ đau chân, mất sức nhiều hơn. Ở sân cỏ tự nhiên tốc độ lăn của bóng chậm còn sân nhân tạo rất nhanh. Chúng tôi khắc phục bằng cách kiểm soát bóng theo cảm giác của mình.
- HLV Mai Đức Chung:
Không chỉ chúng ta mà đội bạn cũng gặp khó khăn, tôi nghĩ cần nhanh chóng bắt nhịp. Ở Việt Nam chúng tôi cũng tập sân cỏ nhân tạo ở sân FIFA của đội bóng trẻ để các cầu thủ tập làm quen với sân nhân tạo. Khi tập huấn ở Nhật, chúng tôi rất may khi được tập ở sân cỏ nhân tạo nhưng ở Nhật thì cỏ mềm hơn còn ở Philippines thì cỏ cứng, đau gan bàn chân và đường chuyền không thật. Tuy khó khăn nhưng chúng tôi cũng nhanh chóng vượt qua.
- Trong tình huống Kiều bị đau ở trận chung kết với Thái Lan, HLV Chung đã quát bác sĩ, bác nghĩ gì lúc đó? Tại sao bác không thay Kiều? (Hải Minh, 25 tuổi, Hà Nội)
- HLV Mai Đức Chung:
Lúc đó tôi chỉ nghĩ VĐV đang đau mà lại ra quá lâu, đau như thế rồi lại ra quá lâu, băng lại rất chậm ta lại cần người. Bóng đá mà thiếu người thì rất thiệt khi đá với đội mạnh như thế. Tôi rất bực, tôi quát bảo băng cẩn thận vào, băng chặt vào đừng để tuột ra nữa. Tôi là người ôn hòa nhưng có những lúc không ghìm nổi, rất thương các cháu mà lúc đó trận đấu cũng căng thẳng.
- Ông Chung, ông đã làm việc với tuyển nữ nhiều năm nay. Ông đánh giá tinh thần tập luyện, thi đấu của các cầu thủ nữ nói chung và Loan nói riêng thế nào? (Nhung Nhung, 24 tuổi, Ninh Bình)
- HLV Mai Đức Chung:
Sức mạnh và tốc độ không bằng, cái đó là đương nhiên nhưng các nữ cầu thủ không thua kém nam về tinh thần thi đấu, ý chí, sức bền dẻo dai thậm chí hơn. Có những buổi, ban tập bên này, nữ tập bên kia ở sân trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn. Tôi tập với nữ hai tiếng, nam tiếng rưỡi đã nghỉ. Khi nam sang xem bảo sao tập ghê thế, đấy, các bạn với ý chí và dẻo dai thì rất tốt.
Loan đã mấy lần lên đội tuyển, những lần trước Loan còn nhiều điều phải tu dưỡng rèn luyện thêm. Lần này, Loan đã trưởng thành, chững chạc, suy nghĩ lớn hơn và kỹ thuật cũng tốt hẳn lên. Tôi rất tin tưởng Loan.
- Xin hỏi HLV Mai Đức Chung, Điều gì, động lực gì làm bố gắn bó với đội bóng nữ hơn 20 năm từ 1997 đến giờ. Mặc dù không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều không cuồng bóng đá nữ như bóng đá nam? Xin cảm ơn. (Trịnh Hoài Dương, 23 tuổi, Tp. HCM)
- HLV Mai Đức Chung:
Tôi không phải là con người cam chịu số phận đâu nhưng xuất phát từ tình thương. Tôi chỉ có suy nghĩ thế này làm bóng đá, không nên phân biệt nam với nữ. Tôi coi các cháu như con, có người gọi bác, có người gọi bố, tôi rất trân trọng và thương yêu như con cháu. Liên đoàn bóng đá cũng thấy tôi có thành tích với bóng đá nữ, trong khi nhiều lần trước có thuê HLV nước ngoài lương cao mà thành quả cũng không khá hơn. Người trong nước làm được thì tội gì thuê HLV nước ngoài, tôi nghĩ vậy. Có những năm các cháu tập luyện sát Tết, tiền ăn Tết chỉ có hai, ba triệu thôi. Tôi từ tình thương, cá nhân đi vận động được 150 triệu để chia cho các cháu, mỗi cháu thêm 7 triệu nữa về ăn tết, các cháu phấn khởi lắm. Ngoài sân tôi rất nghiêm khắc nhưng ngoài đời tôi rất thương các em, các cháu.
- Tết năm nay của các nữ cầu thủ thế nào, bác Chung có thể bật mí một chút không?
Còn hơn một tháng nữa đến Tết, chưa biết như thế nào nhưng Thủ tướng chính phủ đã vận động các doanh nghiệp tặng thưởng cho chúng tôi, chúng tôi không bao giờ nghĩ được có phần thưởng như thế. Tôi cũng được biết tôi được thưởng một cái ôtô. Tôi không có bằng lái, vì chưa bao giờ nghĩ có ôtô mà đi, tôi để cho con trai. Còn với các nữ cầu thủ, anh Phạm Thanh Hùng là doanh nghiệp của Quảng Ninh cũng thương yêu các cháu, bảo các cháu là không phải lo, Tết năm nay bác lo cho.
- Hoàng Thị Loan:
Tôi tập trung luyện tập chứ không phải lo Tết.
Từ lúc đi đá bóng đến bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi có những phần thường giá trị nhất. Về nhà vui lắm, hàng xóm khen, bố mẹ khen "giỏi thế". Tôi thấy rất vui.
- Lời hứa thưởng thì thì nhiều, nhưng như kinh nghiệm của ông trước đây, việc thực hiện thưởng thực tế như thế nào? (Nguyệt Anh, 36 tuổi, Bắc Ninh)
- HLV Mai Đức Chung:
Chúng tôi đã họp ban huấn luyện, lãnh đội làm sao để tiền thưởng không làm mất đoàn kết, sòng phẳng làm sao tiền đến tận tay từng người, làm sao để có tiền thưởng càng làm đoàn kết hơn. Tiền thưởng của tôi thì tôi đưa bà xã, tôi không cần nhiều lắm, chỉ giữ lại một ít vì tôi có đam mê câu cá, xả stress, bà xã rất ủng hộ.
- Nếu được lựa chọn lại, Loan có chọn theo nghiệp cầu thủ nữa không? (Phạm Đương, 33 tuổi, Hà Nội)
- Hoàng Thị Loan:
Tôi có duyên với thể thao nên từ lúc đi học đã hay đá cầu, đá bóng... Tôi nghĩ trở thành cầu thủ là một may mắn. Nếu được chọn nghề khác tôi muốn làm kinh doanh online.
- Loan ấn tượng với nam cầu thủ nào nhất trong đội U22? (Văn Hòa, 40 tuổi, Hà Nam)
- Hoàng Thị Loan:
Tôi thích Đức Chinh vì lối chơi ấn tượng của cậu ấy. Đức Chinh trêu tôi là "người yêu quốc dân", hotgirl cộng đồng mạng.
- HLV Mai Đức Chung thường được các cầu thủ gọi trìu mến là bố. Ngoài ra, Loan và các đồng đội có đặt biệt danh gì cho thầy Chung không? (Thu Hương, 28 tuổi, TP HCM)
- Hoàng Thị Loan:
Mọi người hay gọi thầy Chung là bác.
- Loan thân thiết với ai trong đội, hay tâm sự với ai nhất? (Châu Chấu, 32 tuổi, Vũng Tàu)
- Hoàng Thị Loan:
Tôi hòa đồng với tất cả mọi người trong đội. Tôi không có vấn đề gì chia sẻ sâu nên chỉ nói chuyện chị chị, em em thôi.
- Loan chơi ở vị trí hậu vệ, dũng mãnh và chắc chắn, vậy ngoài đời Loan là cô gái thế nào? (Trương Đức, 33 tuổi, Hải Phòng)
- Hoàng Thị Loan:
Ngoài đời tôi là cô gái cá tính, nhanh nhẹn, nói nhiều, hay cười đùa.
- Ông Mai Đức Chung bản thân Hoàng Thị Loan có thể tiết lộ đôi chút về mức lương của các cầu thủ nữ được không? (Đức Chiến, 33 tuổi, Huế)
- HLV Mai Đức Chung:
Nếu so sánh mức lương của chúng tôi và HLV ngoại thì không bằng đâu, vấn đề hơi tế nhị chút. Chúng tôi dùng lương chi tiêu cho gia đình, bạn bè và cũng cho thú vui câu cá.
- Hoàng Thị Loan:
Sau khi chi trả các khoản sinh hoạt phí thì tôi còn khoảng 7 triệu.
- Thưa ông Chung, trong tuyển bóng đá nữ VN, có nhiều trường hợp nhà nghèo vẫn kiên trì theo bóng đá như Loan không? Những trường hợp như vậy ông chia sẻ, hỗ trợ họ như nào? (Bá Anh, 39 tuổi, Hà Nam)
- HLV Mai Đức Chung:
Chúng tôi đã xem xét, hiện tại một số cầu thủ có khó khăn nhưng chưa đến mức phải chu cấp. Tình cảm thì khó khăn hơn, mức lương thì chúng tôi cũng hài lòng. Một số cháu ở U16 ở trung tâm có hoàn cảnh khó khăn như bố mất, lại đau chân. Trên đội tuyển không đến nỗi như vậy, chúng tôi vẫn khắc phục được.
- Khó khăn của riêng ông khi làm HLV tuyển nữ? Phái nữ cũng có nhiều chuyện tế nhị, đã bao giờ ông gặp tình huống khó xử chưa?. (Hải Anh, 33 tuổi, Lào Cai)
- HLV Mai Đức Chug:
Cảm ơn bạn đã hỏi câu này vì nữ cũng có nhiều chuyện tế nhị. Tôi xuất thân là HLV bóng đá nam, bắt đầu làm việc với bóng đá nữ từ năm 1997. Tôi cũng tự tìm hiểu nghiên cứu một số sách nước ngoài và áp dụng bài tập phù hợp với thể chất của người Việt Nam.
Tôi là người bố, người bác, tôi cũng để ý trong buổi tập có một số cháu tập tốt, đôi khi có cháu tập không tốt. Tôi biết ngay nên hỏi sau buổi tập, có bạn nói, có bạn cũng e lệ. Hỏi mãi bạn ấy mới nói nay là ngày giỗ mẹ, muốn xin về thắp hương. Tôi đồng ý ngay và cũng bảo cháu sao không nói với bác.
- Hoàng Thị Loan:
Tôi thường tâm sự với HLV nữ những chuyện tế nhị của mình.
- "Hữu xạ tự nhiên hương" câu nói đó thật đúng cho các cô gái vàng của đội bóng đá nữ. Các bạn mặc dù có thể bị nhiều người coi là phái yếu nhưng ý trí và nghị lực phi thường của các cô gái làm rất nhiều người Việt Nam cảm thấy tự hào. Xin được gửi tới Ban huấn luyện và các cô gái vàng lời chúc thật nhiều sức khỏe và thành công rực rỡ trong tương lai. Nhân đây xin được hỏi về tình hình chấn thương của các cô gái đến nay đã đỡ chưa? Và nhưng mục tiêu kế hoạch cho chặng đường phía trước của Ban huấn luyện và toàn đội tuyển như thế nào? (Bùi Thoa, 30 tuổi, Hà Nội)
- HLV Mai Đức Chung:
Thay mặt toàn đôi, tôi xin cảm ơn bạn. Tới nay Chương Thị Kiều còn đang chấn thương, cần thời gian. Vũ Thị Nhung quá sức đã hồi tỉnh rồi và trở về Việt Nam. Tôi cũng nói với cháu cần ăn uống nghỉ ngơi để lại sức. Trên đường tới văn phòng chính phủ tối qua, thấy dòng người vẫy chào, chúng tôi thấy mình cần cố gắng hơn nữa.
- Cho em hỏi Hlv Mai Đức Chung là cái công tác đào tạo trẻ của bóng đá nữ nó diễn ra như thế nào và có gặp khó khăn gì .Em xin cảm ơn (Nguyễn Đăng Sơn, 24 tuổi, Hưng Yên)
- HLV Mai Đức Chung:
Bạn có thể thấy số lượng người chơi bóng đá nữ ít hơn bóng đá nam. Gia đình có lẽ cũng muốn các bạn như Loan học tập hơn là ra sân tập luyện mưa nắng vất vả. Đào tạo của chúng ta hiện nay như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hà Nam mới có lò đào tạo nhưng còn ít. Cũng mong các em, các cháu noi gương các chị để chúng ta có thế hệ tiếp theo.