Năm 2015, Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc) của hãng phim hoạt hình Pixar ra mắt và nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả đại chúng lẫn giới chuyên môn. Với kinh phí 175 triệu USD, phim mang về doanh thu hơn 858 triệu USD, được chọn trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes, nhận hai đề cử Oscar và giành một tượng vàng cho "Phim hoạt hình xuất sắc", đồng thời được nhiều tổ chức uy tín công nhận là một trong những tác phẩm hoạt hình hay nhất từng được tạo ra.
Ở các dự án điện ảnh trước đó, Pixar luôn chọn cách nhân cách hóa những vật thể hữu hình, mang đến thế giới đồ chơi xúc động với Toy Story, vương quốc xe hơi nhiều cạnh tranh trong Cars, công ty quái vật vui nhộn với Monsters, Inc. và thủy cung nhiệm màu trong Finding Nemo.
Inside Out đánh dấu bước chuyển mình ấn tượng của hãng phim trong cách lựa chọn đề tài và xây dựng thế giới. Xoay quanh câu chuyện về các trạng thái tâm lý, tác phẩm hình tượng hóa những khái niệm mơ hồ một cách dễ hiểu, phác họa thông minh thế giới bên trong bộ não con người và giới thiệu chân dung năm nhân vật cảm xúc gần gũi bao gồm: Joy (Vui), Sadness (Buồn Bã), Fear (Sợ Hãi), Anger (Giận Dữ) và Disgust (Chán Ghét).
Với "cái bóng" của phần đầu, Inside Out 2 từng gặp phải nhiều sự e dè từ công chúng ngay khi dự án vừa được bật đèn xanh. Song, tác phẩm điện ảnh thứ 28 của nhà Pixar đã tạo được bất ngờ khi vừa kế thừa những điều đã tạo nên thành công trong phần trước, vừa khai phá những ngõ ngách mới lạ của thế giới trí não bao la, đồng thời truyền tải thông điệp về sự trưởng thành đầy phức tạp qua loạt cảm xúc hỗn độn của nữ chính Riley khi bước vào tuổi dậy thì.
Riley giờ đây đã là một cô bé 13 tuổi ôm nhiều hoài bão về tương lai. Tham gia trại hè cùng hai người bạn thân, cô mong muốn lọt vào mắt xanh của huấn luyện viên trưởng đội tuyển khúc côn cầu, nhằm có được bước đệm vững chắc khi vào trường trung học.
Riley phá vỡ vỏ bọc an toàn của bản thân, làm mọi cách để luôn nổi bật giữa đám đông, chiếm được cảm tình của đàn chị và nỗ lực tập luyện kỹ thuật bất kể ngày đêm. Song, dần dà, Riley lại đánh mất chính mình và mất kết nối với mọi người xung quanh.
Cùng lúc, ở Trung Tâm Đầu Não, nút đỏ báo động tuổi dậy thì của Riley cũng bắt đầu reo lên inh ỏi, phá vỡ cuộc sống yên bình của Joy, Sadness, Fear, Anger và Disgust. Trung Tâm Đầu Não bất ngờ bị nhiều công nhân đến đập phá nhằm mở rộng không gian đón chào những cảm xúc mới đến hoạt động là Anxiety (Lo Âu), Envy (Ganh Tị), Ennui (Chán Nản) và Embarrassment (Xấu Hổ), kéo dàn cảm xúc cũ vào loạt tình huống bi hài.
Inside Out 2 kể câu chuyện mang tính phổ quát về tâm lý của một nữ sinh đang bước vào giai đoạn dậy thì. Riley quan tâm nhiều hơn về những thay đổi sinh lý của cơ thể, nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc và dễ gắt gỏng với phụ huynh. Ở môi trường mới, cô bé choáng ngợp trước hội chị em mới sành điệu đến mức bỏ rơi hai người bạn thân.
Khi Riley dần phát sinh những cảm xúc phức tạp hơn nơi thế giới thật thì tại Trung Tâm Đầu Não, các cảm xúc cũ cũng buộc phải lùi lại để những cảm xúc mới chiếm quyền kiểm soát, nổi bật là Anxiety.
Anxiety vẽ ra hàng trăm viễn cảnh tồi tệ cô bé có thể gặp phải như cha mẹ thất vọng, bạn bè bỏ rơi, tương lai mịt mờ. Về cơ bản, sự lo âu không xấu, thậm chí đó còn có thể là động lực giúp con người vượt qua giới hạn bản thân, từ đó hình thành nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
Vì lo lắng bản thân không ghi được bàn thắng nào trong trận cầu, Riley thức khuya dậy sớm để tập luyện một mình trên sân. Song, việc Anxiety hoạt động quá mức lại khiến cô bé luôn trong tình trạng căng thẳng, suy nghĩ thái quá và tự ti rằng bản thân chưa đủ tốt. Anxiety đóng vai trò chủ chốt trong Inside Out 2 và là nền tảng định hình tính cách cho Riley ở tuổi trưởng thành.
Về phần những cảm xúc cũ, họ không chấp nhận việc chia sẻ quyền lực với các cảm xúc mới. Nhiều năm, Joy, Sadness, Fear, Anger, Disgust luôn cố gắng lưu giữ những khoảnh khắc tươi vui cho Riley, vứt bỏ những ký ức đau buồn vào Miền Sau Ký Ức và tạo cho cô bé một bản ngã cao đẹp. Ở góc nhìn của Joy, sự xuất hiện của các cảm xúc mới đã khiến Riley trở nên xấu xa, ích kỷ.
Song, vốn dĩ, đau buồn luôn là một phần tất yếu của cuộc sống, vì chúng mang lại cho con người bài học và những kinh nghiệm quý báu trên hành trình trưởng thành. Việc Joy luôn vứt bỏ những khoảnh khắc xấu xí của Riley có vẻ là một việc làm tốt nhưng thực chất lại vô tình biến cô bé trở thành một người hời hợt, luôn nhìn cuộc sống bằng lăng kính màu hồng và không đủ bản lĩnh đương đầu với những rắc rối của thế giới người lớn.
Qua hành trình đi đến nhiều vùng đất để tái thiết bản ngã cho Riley, các cảm xúc Joy, Sadness, Fear, Anger, Disgust nhận ra rằng một con người toàn vẹn chỉ được tạo nên khi có sự tổng hòa của nhiều cảm xúc, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Anxiety thúc đẩy Riley tìm cách giải quyết các vấn đề khó khăn. Envy giúp cô bé nhận ra bản thân còn phải cố gắng rất nhiều. Ennui cho Riley giây phút được nghỉ ngơi. Embarrassment lại là mỏ neo giúp hành động của cô bé không vượt quá giới hạn cho phép.
Qua đó, Inside Out 2 mang đến bài học về cách chấp nhận khiếm khuyết bản thân, đồng thời đặt ra thông điệp rằng một người không cần phải hoàn hảo mới có thể yêu thương chính mình.
Qua tạo hình nhân vật, cuốn phim cũng cài cắm nhiều chi tiết ẩn dụ thú vị. Embarrassment là nhân vật có kích thước lớn nhất vì khi một người xấu hổ, họ sẽ có cảm giác như cả thế giới đang hướng về mình. Envy lại có dáng vẻ tí hon do khi ganh tị với ai đó, chúng ta sẽ thấy bản thân nhỏ bé và kém cỏi hơn người.
Việc đạo diễn chọn tên nhân vật là "Envy" thay vì "Jealously" cũng hướng tác phẩm đến những giá trị tích cực. "Envy" và "Jealously" đều mang nghĩa là "sự ganh tị" nhưng bản chất lại hoàn toàn khác nhau. "Jealously" thường được dùng để chỉ tính ghen ghét, làm mọi cách hòng giành giật thứ mình muốn. "Envy" lại thiên về sự ngưỡng vọng của một cá nhân đến điều mình chưa có, từ đó bản thân sẽ cố gắng trau dồi để đạt được mục tiêu.
Inside Out 2 tạo ấn tượng mạnh về mặt thị giác khi dẫn người xem đến những vùng đất mới của thế giới cảm xúc. Dòng Sông Nhận Thức êm đềm được thắp lên bởi ánh sáng từ những quả cầu ký ức, hòa quyện tạo thành Hệ Thống Niềm Tin. Vực Mỉa Mai sâu thăm thẳm vang vọng những thanh âm cợt nhả.
Miền Sau Tâm Trí như một bãi rác ký ức thu giữ hàng triệu quả cầu dư thừa chất chồng lên nhau. Hầm Chứa Bí Mật tối tăm là nơi chất chứa những điều thầm kín của Riley, cất giữ các nhân vật hoạt hình 2D cô bé yêu thích thời thơ ấu.
Với chủ đề phức tạp cùng hình ảnh và câu từ giàu sức gợi, Inside Out 2 là một tác phẩm sáng tạo, cân bằng hài hòa giữa sự vui nhộn và tính chiêm nghiệm, vừa dễ hiểu nhưng vẫn ẩn chứa nhiều lớp ý nghĩa chờ đợi khán giả bóc tách qua nhiều lần xem.
Đỗ Hoàng