Người dân thành phố Padang chạy ra đường sau các trận động đất ngày 11/4. |
Các nhà địa chất và chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, núi lửa Talang, cao 2.599 m, đã phun tro nóng và khói vào lúc 3h44. Tro bụi của nó bay xa trong bán kính khoảng 1 km so với miệng núi lửa. Núi lửa Talang nằm cách thủ phủ Padang của tỉnh Tây Sumatra chỉ 40 km. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, họ chỉ mới khuyến cáo người dân tránh xa khu vực gần miệng núi lửa trong bán kính 3,3 km, chứ không yêu cầu dân cư sống ở dốc núi sơ tán. Một cán bộ địa chất tên Sugeng cho biết: “Chúng tôi vẫn đang theo dõi các hoạt động của núi lửa nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào về một hoạt động phun trào”.
Biểu đồ minh họa động đất tạo ra sự dịch chuyển xuống phía dưới của mảng thạch quyển Indo - Australia, kích hoạt núi lửa. |
Tuy nhiên, dân cư Sumatra vẫn hoảng loạn vì núi lửa Talang đã hoạt động trở lại, đi kèm 4 trận động đất ở hòn đảo vẫn còn đang trong quá trình hồi phục kể từ thảm họa động đất 9,3 độ Richter và sóng thần ngày 26/12 năm ngoái, khiến gần 130.000 người ở phía Bắc đảo thiệt mạng. Núi lửa Talang lại nằm gần tâm chấn của các trận động đất. Điều này khiến nhiều người trong số gần 1 triệu cư dân của Padang, vốn vẫn còn lo sợ sau trận động đất 6,8 độ Richter hôm 10/4, hoảng hốt chạy ra khỏi nhà và lên các khu đất cao vì sợ sóng thần. Trong 4 trận động đất xảy ra rạng sáng 12/4, trận lớn nhất có cường độ 5,8 độ Richter.
Theo Người Lao Động, hôm 1/4 các công sở và trường học của Padang vắng lặng do nhiều người rời thành phố tìm các vùng đất cao hơn lánh nạn sau khi nhận được nhiều tin đồn và các bản báo cáo của chuyên gia khoa học cảnh báo về một thảm họa tiếp theo. Quần đảo Indonesia nằm trên một loạt các đường đứt gãy, nơi tiếp giáp của ba mảng thạch quyển với sức ép khổng lồ. Đó là nguyên nhân khiến nước này hứng chịu các trận động đất diễn ra hầu như mỗi ngày và các đợt phun trào của hơn 130 ngọn núi lửa đang hoạt động. Năm ngoái, nhà địa chất nổi tiếng Mustapha Meghraoui của Viện Vật lý Địa cầu tại Strasbourg (Pháp) cảnh báo về hiểm họa xảy ra một trận động đất lớn thứ ba tại Sumatra, dù không đoán được chính xác thời điểm vì trận động đất ngày 26/2 năm ngoái tạo ra sự mất ổn định địa chất cực lớn và nó có thể chỉ là một trong chuỗi trận động đất.
Sẽ có siêu núi lửa vào năm 2012?
Fauzan, một nhà địa vật lý làm việc cho nhiều cơ quan khí tượng thủy văn, cho rằng núi lửa Talang hoạt động trở lại là do ảnh hưởng của hoạt động địa chất gần đây ở bờ biển Sumatra. Ông cho biết trận động đất ngày 26/2 năm ngoái đã khiến núi lửa Leuser ở tỉnh Aceh (núi lửa này có cùng độ cao với Talang) hoạt động, trong khi trận động đất ở Nias ngoài khơi đảo Sumatra hồi cuối tháng 3 (khiến 600 người thiệt mạng) làm các tầng địa chất ở hồ Toba bị kích hoạt. Hồ Toba, cũng thuộc phía Nam đảo Sumatra, có ngọn siêu núi lửa cùng tên đã ngừng hoạt động. Siêu núi lửa này hoạt động lần cuối cùng cách đây 74.000 năm. Nhưng sự xáo trộn hoạt động địa chất và một loạt núi lửa ở khu vực này gần đây hoạt động trở lại khiến nhiều chuyên gia nâng mức báo động. Nếu các trận động đất và dư chấn tạo ra một rung động cộng hưởng cùng với sự đảo cực của các cực trái đất và mặt trời, chúng có thể kích hoạt Toba hoặc các núi lửa dọc Toba hoạt động, tạo ra một siêu núi lửa với sức hủy diệt khủng khiếp, có sức phun trào 3.000 km3 dung nham vào năm 2012. |