- Vợ chồng chị vừa thành lập một công ty riêng tại Mỹ. Điều đó có ý nghĩa thế nào đối với nghề nghiệp của chị?
- Công ty riêng của vợ chồng tôi chuyên về multi media. Đây là mơ ước và ý thích của cả hai, hoạt động trong những công việc thiên về công nghệ phục vụ cho nghề nghiệp. Hatran Production nằm trong kế hoạch hoạt động của công ty chứ không chỉ đơn giản là một cái nhãn hiệu dán lên bìa đĩa như mọi người vẫn làm.
Thông qua những hoạt động về chương trình, băng đĩa của cá nhân tôi trong thời gian tới, công ty sẽ giới thiệu thêm nhiều thông tin và những điều kiện công nghệ mới về multi media cho những người làm nghề có nhu cầu. Có thể, công ty sẽ có những hoạt động phối hợp giới thiệu chuyên gia về trong Việt Nam để hoạt động, giới thiệu những công nghệ mới trong thu thanh, trong những hoạt động biểu diễn và sản xuất chương trình.
- Phải chăng vì bản thân những hoạt động ca sĩ hải ngoại quá đơn điệu nên chị phải tự chuyển động mạnh hơn?
- Ở Mỹ hay Việt Nam thì tôi không có nhiều hứng thú với việc đi hát liên miên và đảm bảo mật độ xuất hiện. Hai năm định cư ở Mỹ vừa có cái hay lại có cái dở. Hay là mình có nhiều điều kiện tiếp cận đến guồng máy kỹ thuật hiện đại, cập nhật với những xu hướng âm nhạc. Nhưng dở là với những hiểu biết ấy, tôi cũng không thể đem thực hiện ở thị trường chính của mình tại Việt Nam vì có quá nhiều sự khác biệt, từ thẩm mỹ công chúng cho đến những khác biệt về công nghệ, cách làm việc...
- Trong năm qua, những diva khác như Thanh Lam và Mỹ Linh có những nỗ lực lớn trong việc khẳng định vị trí đỉnh cao. Chị vẫn theo dõi những bước đi của đồng nghiệp chứ?
- Thanh Lam và Mỹ Linh đều có những bước tiến. Thanh Lam kết hợp với Lê Minh Sơn là đúng đắn và có đất để bung phá. Còn Mỹ Linh rất cập nhật với âm nhạc quốc tế. Album của họ đều hay, nhưng dường như tôi chưa thấy tạo được những sự thay đổi mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng của ca sĩ đối với thị hiếu. Tôi có hỏi và thăm dò những fan trung thành, thì tình cảm của họ với ca sĩ vẫn vậy. Song hỏi đối tượng nghe bình dân hơn thì vẫn thấy họ ở mức độ có sản phẩm nghệ thuật cấp tiến cá nhân mà thôi.
Bản thân tôi hay bất kỳ ca sĩ nào ở vị trí đơn độc đều rơi vào tình trạng ấy, đấu tranh giữa thẩm mỹ cá nhân và thị hiếu. Tôi theo dõi tình hình đồng nghiệp trong nước rất nhiều chứ không chỉ riêng các diva. Chúng ta có nhiều nhạc sĩ ca sĩ có khát vọng và khả năng làm việc giống MTV châu Á, nhưng thiếu tiêu chuẩn về công nghệ để làm việc đó. Thật sự khó để đốt cháy giai đoạn thực hiện những khát vọng hội nhập đó. Ca sĩ trẻ có nhiều người khá, nhưng vẫn loanh quanh về sự thay đổi, tất cả vẫn chỉ là hình thức chứ không phải là nội dung.
Gần đây xuất hiện Nguyễn Vĩnh Tiến có nhiều năng lực: làm thơ hay, viết nhạc cũng có chiều sâu. Tôi nghĩ, chúng ta còn nhiều người tài như Tiến mà chưa xuất đầu lộ diện.
- Điều đó cũng khiến chị không thể im lặng?
- Nguyễn Vĩnh Tiến trước đây có gửi cho tôi rất nhiều ca khúc. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi có nhiều nhạc sĩ như Tiến gửi gắm tác phẩm, chia sẻ những ý tưởng độc đáo đến với tôi. Tôi quen biết nhiều người Việt trong nước hoặc đang sống nước ngoài giống như Nguyễn Vĩnh Tiến. Họ sống ẩn sĩ, chờ những cơ hội để bộc phát.
Hai năm qua, tôi im lặng nhưng vẫn có những trao đổi với họ. Nhiều tấm gương nghệ sĩ quốc tế sau thời gian tìm vị trí tên tuổi cũng đi vào những hoạt động ngầm, và thường xuyên có sản phẩm hay mà không nhất thiết phải ầm ĩ.
Việt Nam đang hình thành một thế giới ngầm như thế, họ chưa hoặc không muốn xuất đầu lộ diện. Sứ mệnh của tôi tự nhận, phải là cái ăng ten để bắt sóng những người như vậy, nối cả thế hệ người nghe ngầm. Tôi trông chờ vào tai nghe của một thế hệ tương lai, sản phẩm của cả xã hội Việt Nam tràn ngập thông tin và những du học sinh về nước đóng góp sau thời gian dài học hỏi tại nước ngoài.
- Diện mạo của chị trong tương lai thế nào, ngoài những gì dưới tầm của mình trên băng đĩa hải ngoại?
- Trong kho thì nguyên vật liệu có cả rồi, nhưng người nấu bếp chưa nhiều và người ăn nhà hàng cũng còn kén. Hatran 9803 chỉ là một phép thử nghiệm rất nhỏ ngay tại Việt Nam mà còn có nhiều phản hồi khác nhau. Phần lớn mọi người vẫn thích phần do người Việt thực hiện hơn 3 bài thu live với ban nhạc Mỹ của tôi. Người ngoại quốc ngược lại, thích 3 bản thu tại Mỹ vì trong đó có cùng tiếng nói với họ. Tôi hiểu khán giả Việt Nam kỳ vọng ban nhạc Mỹ phải chơi ầm ĩ và chứ không đơn giản như trong album. Song một điều mà mọi người chưa rành, tối giản đang là xu hướng.
Ca sĩ Trần Thu Hà.
- Nhạc Việt đang trải qua giai đoạn bão hoà, Hà có cho rằng sự im lặng của mình là khôn ngoan?
- Tôi rất ghét nghe lại đĩa của mình và đôi khi thấy sợ khi thấy quá nhiều điểm yếu trước đó. Giai đoạn 10 năm về trước, lứa ca sĩ chúng tôi có nhiều cơ hội để phát triển, ai cũng có năng lực và nhiệt huyết nên dễ được xã hội công nhận. Hiện tại âm nhạc bị bão hoà, và cả thế giới cũng như vậy thôi đâu riêng Việt Nam. Lứa ca sĩ sau, nhiều người có năng lực nhưng dường như ở họ vẫn bị “cộc kệch” với cả thị trường chung và trình độ âm nhạc.
Tôi nghĩ, trong vòng 10 năm nữa Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh không chỉ âm nhạc vì một lứa sản phẩm du học sẽ trở về. Người Việt Nam ở đâu cũng giống nhau vì ý thức trở về xây dựng quê hương. Cá nhân tôi hy vọng năm nay là một năm thuận lợi để thay đổi mình.
- Và sẽ thay đổi ngay tại Việt Nam?
- Tôi sẽ làm một album nhạc hải ngoại riêng. Những dự án trong ý thức của tôi sẽ hoàn toàn làm dành cho Việt Nam. Tôi tạm gác dự án Tự hoạ lại và phát triển thành album riêng thứ 5 của mình trước khi trở về Việt Nam để quảng bá xu hướng mới của Trần Thu Hà. Nhạc Trần Tiến viết riêng cho tôi rất nhiều và yên tâm có thể thực hiện lâu dài. Còn album mới, sẽ có nhạc của nhiều “ẩn sĩ” như Nguyễn Xinh Xô, Hoàng Bích Ngọc..., đó là album mở hàng cho công ty của tôi.
(Theo Thanh Niên)