- Thời gian gần đây, anh ít xuất hiện trên màn ảnh nhưng tham gia nhiều gameshow, làm vlog đều đặn. Vì đâu có sự thay đổi này?
- Thú thật, tôi không còn đắt show như trước. Tôi không nghĩ là vì mình hết thời hay không có năng lực, mà bởi bây giờ mọi người làm YouTube, gameshow quá nhiều. Đề tài trên truyền hình, ngoài rạp thì vướng kiểm duyệt, khó phong phú. Khán giả Việt Nam lại thích không tốn tiền, hay đắn đo chuyện mua vé ra rạp xem phim, trong khi xem miễn phí trên mạng quá tiện lợi.
Tham gia gameshow chỉ là cách tôi duy trì sự gắn kết với khán giả, việc này đâu mang lại thu nhập cao. Ngày xưa, gameshow còn có giải thưởng lớn chứ bây giờ tôi chỉ nhận cát-xê bằng một nửa, thậm chí 1/4 ngày xưa thôi. Giờ quá nhiều người làm gameshow, nhiều nghệ sĩ trẻ ra giá thấp nên các show định vị đó là mức giá chung.
Giải thưởng của gameshow hiện nay thường dùng làm từ thiện hoặc chỉ là giải thưởng ảo. Trên truyền hình, người chơi được tuyên bố nhận vài chục hay cả trăm triệu, nhưng trong hợp đồng họ thỏa thuận giải thưởng mang tính chất tượng trưng. Một số chương trình trao giải thưởng thực sự nhưng nghệ sĩ rất khó giành được. Tôi khẳng định không thể sống bằng gameshow.
Còn kênh YouTube thì tôi chỉ làm vui, lưu lại kỷ niệm với vợ con, không đầu tư tiền để làm lớn nhưng nhờ vậy không cần đau đầu chọn lựa đề tài. Tôi thấy nhiều người bỏ vài trăm triệu để làm phim chiếu mạng, đổi lại bằng lượt xem với doanh thu không thấm vào đâu.
- Với tình hình đóng phim hạn chế như vậy, tại sao anh không chuyển hướng làm sản xuất như nhiều đồng nghiệp?
- Tôi nghĩ đến chuyện này từ lâu và cũng đã làm, cũng thấm thía làm sản xuất vất vả thế nào cách đây cả chục năm rồi. Đương đầu chuyện tiền nong lỗ lãi mệt lắm, tôi thấy mình không hợp. Hồi đó, tôi đầu tư bốn phim song chỉ lời một phim, còn lại lỗ vốn, thậm chí mất trắng. Tôi nghĩ phải có rất nhiều tiền mới nên đầu tư, còn nghệ sĩ bình thường như tôi đem tiền đầu tư dễ "banh xác" lắm (cười).
- Việc ít phim đóng ảnh hưởng thế nào tới thu nhập của anh?
- Ngày xưa, tôi có thể đóng phim quanh năm không nghỉ ngày nào, có lúc quay cùng lúc hai, ba phim, một năm kiếm vài tỷ đồng. Còn bây giờ, tôi xong phim này vài tháng mới có phim khác, thu nhập kém đi nhiều. Người nào không quá đam mê nghề mà gặp tình huống như vậy là dễ chán, dễ bỏ nghề lắm.
Tôi quen một số phó đạo diễn phải chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh, thỉnh thoảng có dự án mới quay lại làm nghề. Tôi thì may mắn có bà xã giỏi kinh doanh cáng đáng thu nhập, nên tôi thư thả hơn. Hiện tại, vợ tôi là người kiếm tiền chính của gia đình, cô ấy là bà chủ của tôi đấy!
- Vậy anh hỗ trợ chị như thế nào trong việc kinh doanh và việc nhà cửa, con cái?
- Ngày xưa, bà xã hay bảo tôi đừng đóng phim nữa, ở nhà phụ cô ấy bán hàng, nhưng tôi không chịu vì phim tôi đóng không hết, việc gì phải ở nhà. Tới bây giờ ít đi phim tôi cũng... chẳng phụ cô ấy được gì vì đó không phải sở trường của tôi. Thỉnh thoảng, tôi livestream cùng vợ, giúp cô ấy các việc "râu ria" thì được.
Cái dở của tôi là không biết kỹ năng khác, không có nghề tay trái trong khi nghề diễn rất bấp bênh, chưa chắc chúng tôi có thể theo tới già hay nổi tiếng lâu dài. Nếu một ngày không làm diễn viên nữa, tôi không biết làm nghề gì kiếm sống.
Ở giai đoạn hoàng kim của nghề diễn, tôi đi quay liên tục. Đổi lại bây giờ, tôi có nhiều thời gian bên gia đình và con cái, bản thân cũng khám phá được cái này cái kia. Những ngày không đi phim tôi đều làm việc nhà, quét dọn, lau chùi, nấu nướng, rửa chén, giặt đồ. Khi nào vợ livestream, tôi sẽ khuấy động chương trình.
Bé Cát thì gần như là quản lý thời gian của tôi. Buổi tối nếu tôi đi đâu 9h chưa về là con gái gọi căn vặn: "Sao ba chưa về massage cho con ngủ?". Hôm nào tôi đi quay, bé không gọi nhưng tôi đi chơi là gọi liên tục. Tuy vợ tôi chăm sóc con là chính, nhưng tôi hay chơi đùa với con, đưa đón con đi học, nghĩ ra các trò chơi giúp con tránh xa công nghệ. Chuyện này nghe đơn giản nhưng cũng không đơn giản đâu nha.
- Còn với con trai lớn của anh và vợ cũ, anh bồi đắp tình cảm với con ra sao khi không sống chung nhà?
- Vì không sống chung nên tình cảm của tôi với Ghini khó khăng khít như tôi với bé Cát. Mỗi tuần, hai cha con tôi chỉ đi với nhau vài tiếng. Tôi đưa con đi mua đồ thể thao, đồ dùng học tập, trò chuyện với con. Trong tuần, thỉnh thoảng hai ba con nhắn tin cho nhau.
- Nhiều gia đình gặp tình huống khó xử vì chuyện con chung – con riêng, vợ chồng anh thì sao?
- Không đâu. Chúng tôi ở với nhau nhiều năm rồi, hiểu cách sinh hoạt và cuộc sống lúc trước của nhau nên không có gì khó xử. Bà xã rất hay nhắc tôi quan tâm Ghini nhiều hơn.
- Vậy anh làm thế nào để duy trì tình cảm giữa Ghini với mẹ Thư và em Cát?
- Ghini gặp tôi là chính, ít gặp Thư. Thỉnh thoảng khi tôi đi chơi thể thao với Ghini, tôi đưa bé Cát theo cùng để anh em được gần gũi nhau. Cát rất tình cảm, thương anh và hay nhắc đến anh, hay hỏi tôi: "Sao mình không ở cùng anh Ghini hả ba? Giá mà con được học chung trường với anh Ghini để anh đưa đón con"...
Ngược lại, Ghini nhát hơn Cát, sống nội tâm và ít biểu lộ tình cảm. Thằng bé ngại lên hình lắm, mỗi lần tôi rủ quay Vlog đều không thể hợp tác vì nó mắc cỡ. Nhưng tôi nhớ hồi nhỏ tính cách tôi gần giống vậy mà khi lớn, tôi như lột xác. Tôi hy vọng sau này lớn lên, con sẽ dần thay đổi.
Phong Kiều thực hiện