Mai, ở Khâm Thiên, Hà Nội, mới kết hôn được một tháng. Sau hai năm yêu nhau, cô và chồng quyết định đám cưới. Trong suốt hai năm đó, cô luôn cố gắng giữ gìn cho "đêm xuân" vì muốn tận hưởng cảm giác tuyệt vời và sự hồi hộp khi chờ đợi. Mọi chuyện rồi cũng chuẩn bị xong xuôi, lễ cưới diễn ra thuận lợi theo đúng mong muốn của hai vợ chồng. Tuy nhiên, đêm tân hôn lại chẳng như Mai chờ đợi.
Mai kể: "Mình cứ hồi hộp chờ mãi tới 'ngày ấy' vì muốn thử cảm giác như mọi người nói. Nghe lời mấy chị đã lấy chồng, mình hăm hở xịt nước hoa, chuẩn bị váy ngủ thật quyến rũ, gợi cảm để khiêu khích chồng. Ai ngờ, vừa bước ra khỏi buồng tắm, mình đã thấy chồng nằm ngáy khò khò trên giường. Mình đánh thức thế nào anh cũng không dậy. Thế là được một đêm hụt hẫng, vừa tức, vừa buồn cười".
Cũng "hụt yêu" đêm tân hôn như Mai nhưng Hoa ở Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội, còn khốn khổ hơn vì phải dọn dẹp "đống cháo" của anh chồng say rượu thải ra. Hoa kể: "Chồng mình bình thường không hay bia rượu, chỉ khi nào thật vui mới uống nhưng tửu lượng cũng chẳng phải 'hoành tráng' nên dễ say. Ngày hôm đó, bạn bè cứ chuốc rượu liên tục. Mình chẳng dám ngăn cản vì nghĩ cả đời cũng chỉ có một lần.
Tối hôm đó tan tiệc, mình biết ngay có chuyện, vừa vào phòng ngủ, nằm lên giường, chồng mình nôn thốc nôn tháo. Mình phải dọn 'hụt hơi', cũng may là chỉ ra sàn, dính vào chăn gối nữa, chắc mình chết. Dọn dẹp xong, mình lại còn phải thay quần áo, rồi để ý xem chồng thế nào vì sợ không cẩn thận, anh dễ bị cảm. Vậy là mất luôn 'đêm xuân đáng giá ngàn vàng', mình cũng mất ngủ, thấp thỏm cả đêm".
Không hiếm các cô nàng gặp trường hợp như Mai và Hoa nên nhiều chuyên gia tâm lý khuyên các cặp vợ chồng nên gìn giữ sức khỏe trước khi lễ cưới diễn ra. Đồng thời, trong bữa tiệc, chú rể cố gắng uống rượu bia vừa phải, lựa theo sức của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra theo ý muốn nhưng các cặp đôi hoàn toàn có thể làm được những điều này.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Linh Linh