Phim xoay quanh cuộc sống của Phương Nam, một cô gái có hoàn cảnh trớ trêu. Nam từ nhỏ bị mẹ hắt hủi, phân biệt đối xử với em gái nhưng lại được bố yêu chiều hết mực. Những ngày tháng thơ ấu, Nam chịu nhiều tủi hờn vì bố đi làm xa. Sẵn ác cảm về nguồn gốc của Nam cũng như tính tình tham lam, sợ Nam ăn tranh phần em, mẹ nhiều lần đánh đập, bỏ đói cô. Đỉnh điểm, mẹ bỏ Nam giữa chợ, khiến cô bé hoảng sợ đến mức run rẩy, khóc thét khi được bố cứu. Trở về nhà, Nam được bố bù đắp bằng sự chiều chuộng vô điều kiện. Hoàn cảnh đó hình thành nên tính cách có phần ngang tàng, cá tính, tưng tửng nhưng giàu năng lượng sống ở Nam khi trưởng thành. Khi bố bị ung thư máu và mình không thể hiến tuỷ, cô mới biết mình hóa ra chỉ là con nuôi.
Biến cố ập đến dồn dập với Nam khi người bố nuôi cô yêu thương nhất qua đời vì cố ngăn cản tên côn đồ sàm sỡ cô. Sau đó, mẹ nuôi vỡ nợ, bị xã hội đen truy đuổi và cô phải gánh số nợ lớn. Đúng lúc đó, bố đẻ Nam âm thầm giúp con gái nhưng không xuất hiện, nhiều bí mật liên quan đến cô dần dần được hé mở.

Tạo hình của Phương Oanh trong phim 'Hương vị tình thân'.
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng một lần nữa ghi điểm bởi lối kể chuyện chân thật, đưa cảm xúc của khán giả qua nhiều cung bậc từ khóc đến cười. Đơn vị sản xuất kỳ vọng phim sẽ tạo cơn sốt như tác phẩm trước đó của vị đạo diễn này là Về nhà đi con. Hương vị tình thân tuy chưa thực sự gây sốt bằng Về nhà đi con nhưng phản hồi về phim ngày càng tích cực. Những trích đoạn của phim trên các fanpage đều thu hút hàng triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận.
Trích đoạn ông Tuấn qua đời
Phim kể câu chuyện về gia đình của những người lao động nghèo. Bà Bích, mẹ nuôi của Nam, vì nghèo và ít học nên thường xuyên nổi tính tham lam, ích kỷ. Đó là lý do bà sa đà vào những trò đen đỏ hoặc đầu tư với lời dụ dỗ lãi suất cao rồi đẩy gia đình vào cảnh phải bán xới. Bà dồn hết tức giận, khó chịu vào đứa trẻ do chồng mang về phần vì nghi ngờ đó là sản phẩm của một cuộc ngoại tình, phần vì đố kỵ với những yêu thương mà chồng dành cho đứa con không rõ nguồn gốc.
Ông Tuấn, bố nuôi của Nam, là người trọng nghĩa khí nên đi đâu cũng được quý mến, tin tưởng. Ông thương Nam vì tình nghĩa với người anh em có ơn cứu mạng mình đồng thời xót cho hoàn cảnh của đứa trẻ từ bé đã phải xa bố mẹ, bị mẹ nuôi hắt hủi. Ông Sinh, bố ruột của Nam, là hiện thân cho kẻ tù tội muốn làm lại cuộc đời nhưng bị quá khứ truy đuổi, phải trốn tránh vì hổ thẹn và sợ trở thành gánh nặng cho người thân... Mỗi nhân vật một tính cách, tạo nên một bức tranh sinh động.

NSND Công Lý vào vai ông Tuấn, bố nuôi của Nam.
Hương vị tình thân sở hữu dàn diễn viên sáng giá. Thay vì đả kích như ở những tập đầu, khán giả đổi chiều thái độ với Phương Oanh. Không còn diễn cường điệu, gượng gạo như những tập đầu, cô dần nhập vai tốt. Nữ diễn viên ghi điểm với những phân đoạn xúc động là thế mạnh của mình. Cô lấy nước mắt khán giả khi thể hiện sự đau đớn, giằng xé lúc Phương Nam chứng kiến bố nuôi qua đời, bị mẹ nuôi hắt hủi, đuổi đi vì cho rằng cô là nguyên nhân khiến ông chết hay tức giận vì lũ côn đồ đào mộ bố... Không dừng ở đó, cô đôi khi khiến khán giả bật cười trong các đoạn đối thoại với mẹ nuôi hay ông sếp khó tính, cao ngạo.
Phương Nam đối đáp với mẹ nuôi
Dù chỉ xuất hiện trong tám tập, NSND Công Lý vẫn gây ấn tượng mạnh với vai ông Tuấn. Những phân đoạn của ông Tuấn với ông Sinh hay ông Tuấn với Phương Nam đẩy tình tiết phim lên cao trào. Nhiều khán giả nói họ không thể kiềm nước mắt trước những phân cảnh xúc động. Sự tái xuất của NSƯT Võ Hoài Nam không làm khán giả thất vọng. Không chỉ những cảnh với Công Lý, nhiều phân đoạn độc diễn của nghệ sĩ cũng tạo cảm xúc mạnh. Nỗi day dứt của người cha yêu thương nhưng không dám gần con được anh miêu tả tinh tế qua từng ánh mắt, cử chỉ.

Tạo hình của NSƯT Võ Hoài Nam trong vai ông Sinh.
Diễn xuất của diễn viên Tú Oanh trong vai bà Bích, NSND Như Quỳnh trong vai bà Dần bị bệnh lú lẫn, nhớ nhớ quên quên, Thu Quỳnh trong vai cô thư ký xinh đẹp phải gánh tham vọng làm dâu nhà giàu của mẹ hay Mạnh Trường trong vai giám đốc trẻ cứng nhắc và kiêu ngạo.... đều nhận phản hồi tích cực.