- Trong 5 năm ở Mỹ, chị có trải nghiệm nào không thể quên?
- Đó là trải nghiệm sống một mình giữa dịch Covid-19. Khi tôi có ý định đi học, các trường đóng cửa, các bạn thuê nhà cùng bỏ hết về Việt Nam và mình tôi ở lại. Dù chưa có thông tin gì về vaccine, tôi vẫn ở lại. Không học được ở trường, tôi học online và đăng ký các khóa học diễn xuất, nhảy... Ở một mình trong căn nhà không có bảo vệ giữa cộng đồng những người vô gia cư, nhiều nguy cơ về an ninh, tôi lắp hệ thống chuông báo động và luôn sẵn sàng tinh thần bỏ chạy nếu kẻ xấu đột nhập vào nhà. Khi dịch bệnh ổn định, bố mẹ qua thăm và yên tâm để tôi ở lại. Tôi chờ đến khi thực hiện xong hai MV như một bài tốt nghiệp cho chính mình rồi mới trở về.
- Những ngày đầu ở Mỹ của chị ra sao?
- Tôi từng thấy chới với một thời gian dài mới cảm thấy thăng bằng với cuộc sống mới. Không dễ dàng gì để xa những điều quen thuộc trước đây, xa những nguồn động viên lớn lao nhất là gia đình và fan của mình khi ở xứ người. Tôi chưa bao giờ dám nói với fan nhưng thực sự tôi rất đau đớn trong những ngày mới sang Mỹ. Có lúc tôi hoài nghi bản thân đã sai, tự hỏi hay là quay về nhưng rồi lại cố gắng vượt qua.
- Lý do gì khiến chị quyết định không về ngay khi gặp những khó khăn như thế?
- Vì tôi quyết tâm phải tìm được sự bình yên, hơi thở đúng của mình, đến khi thấy thực sự bình yên và trú ngụ được trong đó, tôi mới về. Đã quá lâu rồi không thấy bình yên nên khi tìm được, tôi thấy nó long lanh và đẹp lắm.
Khi tôi mới đi, bố mẹ gọi sang khóc suốt vì sợ tôi bình yên quá rồi quên luôn việc trở lại. Tôi nói với bố mẹ rằng không có chuyện đó. Tôi sinh ra để hát và sẽ trở về quê hương, đất nước cống hiến cho khán giả đến khi già, không hát được nữa thì thôi.
- Trước khi sang Mỹ, chị từng nói mình bị stress đến mức tự bóc tay rỉ máu, có dấu hiệu gặp phải hội chứng tự ngược đãi bản thân, còn giờ thì sao?
- Tôi được chữa lành hoàn toàn. Bàn tay tôi giờ lành lặn, không có bất kỳ vết thương nào và hơi thở của tôi cũng rất bình thường. Nếu phải nghe những tin đồn không hay về mình, tôi cũng chỉ khó thở trong 10 giây rồi quay về hơi thở bình thường, tìm lại được chính mình.
Tôi chờ đến 5 năm mới trở về vì bình yên của tôi đến rất trễ. Từ năm 16 tuổi, mọi thứ đến với tôi như một vòng xoay, không có điểm dừng hay chậm lại. Vì thế, tôi phải tự chậm lại để quên con người của chính mình, đến với cuộc sống bình thường, tự làm mọi việc từ lau nhà, giặt đồ đến nấu nướng, bước ra ngoài không có ai biết mình. Tôi nghĩ đó đều cần thiết, giúp mình tìm thấy cảm giác cân bằng. Giờ đây, khi nhìn lại những gì đã trải qua và cảm giác an nhiên trong lòng, tôi thấy mình đã đi đúng đường.
- Chị thấy mình bây giờ thay đổi thế nào so với trước khi sang Mỹ?
- Tôi thay đổi rất nhiều nhưng có một điều có thể ví dụ cho tất cả. Ngày xưa tôi là người cực kỳ duy mỹ, yêu sự hoàn hảo. Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái với bất kỳ chi tiết nào không hoàn hảo trong show, chỉ cần có một chi tiết không giống tính toán là tôi sẽ không ngủ được. Điều đó làm các cộng sự của tôi cũng thấy áp lực, mệt mỏi. Bây giờ, tôi biết cách chấp nhận hơn, thấy nếu tăng hai kg cũng chẳng sao, nếu hát nốt cao bị xước xát một chút cũng không có gì phải suy nghĩ, nếu ban nhạc đánh sai một vài chỗ cũng có thể bỏ qua. Tôi của ngày xưa sẽ suy nghĩ rất nhiều và hỏi tại sao không cố gắng hơn nhỉ nhưng bây giờ thì không, chấp nhận cả những thứ không hoàn hảo.
- Thế còn cách yêu và cách nhìn nhận cuộc sống thì sao?
- Tôi không thay đổi nhưng cách nhìn của tôi về mọi thứ có thay đổi. Tôi vẫn yêu mọi người như thế nhưng thấy rằng yêu không nhất thiết phải gào lên cho thế giới biết là mình yêu mà ấp ủ rồi đến một ngày nào đó mới bung ra. Ca khúc Sweet Home do tôi viết và trình diễn trong đêm nhạc 13/5 thể hiện rất rõ quan niệm đó.
- Người đàn ông như thế nào đã khiến chị có cảm hứng để viết nên câu hát 'Nơi đâu có anh là nhà' trong ca khúc 'Sweet Home'?
- Tôi viết ca khúc ấy trước khi về Việt Nam. Nhiều người có thể nghĩ đó là ca khúc viết về tình yêu đôi lứa nhưng thực sự nó chất chứa tình cảm gia đình, suy nghĩ về nơi tôi luôn luôn hướng về. Căn nhà tôi nghĩ tới khi viết ca khúc đó chính là nơi có gia đình, bố mẹ và khán giả.
- Chị nói rất nhiều về sự thay đổi của mình trong cách hát, phong cách âm nhạc, nhìn nhận cuộc sống nhưng không nhắc đến chuyện riêng. Chị có thể nói về sự khác nhau trong cách yêu của chị bây giờ và ngày xưa?
- Bây giờ tôi có yêu ai đâu (cười).
- Với nhiều khán giả, minishow tối 13/5 trả lời cho họ câu hỏi Hương Tràm đã học được gì sau 5 năm ở Mỹ. Nhưng cũng có nhiều người nói họ chưa thực sự thỏa mãn, chị nghĩ gì về điều đó?
- Từ khi tôi về, show chưa nhiều nên khán giả chưa cảm nhận được câu chuyện phía sau sự thay đổi trong cách hát của tôi đó. Tôi nghĩ sẽ cần một thời gian để mọi người hiểu được điều đó. Nghệ sĩ đã thay đổi thì phải chấp nhận sự rủi ro, chấp nhận những ý kiến trái chiều vì đó là một phần trong câu chuyện sáng tạo, đừng để những điều đó làm hạn chế sự sáng tạo trong âm nhạc của mình.
Fan cũng có người thích, có người chưa hiểu cách hát mới của tôi. Tôi giờ dùng "mix voice" là chính chứ không hát giọng ngực như trước. Âm nhạc và nghệ thuật là ngành đặc biệt khi tài năng nghệ sĩ phụ thuộc vào đánh giá của khán giả. Vì vậy, chúng tôi phải chấp nhận những ý kiến khác chiều về sản phẩm của mình. Tôi không nghĩ khán giả phải thích cách hát mới của mình nhưng hy vọng mọi người sẽ hiểu mình nhiều hơn.
Kho nhạc mới của tôi rất nhiều nhưng tôi nghĩ điều khiến mình khác biệt giữa dòng chảy showbiz là suy nghĩ luôn phải gìn giữ những giá trị truyền thống. Ba tôi là người hát dân ca, tôi không dùng nhạc dân ca để đi hát nhưng chưa bao giờ thôi tập hát dân ca. Kể cả khi ở Mỹ, tôi cứ tập nhạc nhạc pop hai tiếng thì sẽ tập hát dân ca 30 phút. Tôi sẽ luôn gìn giữ văn hóa dân gian vì đó là nền tảng để tạo nên con người âm nhạc của tôi ngay từ đầu.
- Định hướng âm nhạc của chị trong thời gian tới có điều gì đặc biệt?
- Đó sẽ là một Hương Tràm rất mới, dám chia sẻ sâu hơn nữa về bản thân qua những bài hát mình chắp bút, kết nối với khán giả ở một khía cạnh sâu sắc hơn. Tôi còn nhiều thứ để chia sẻ đến thế giới và hy vọng ở vị trí mới, là một người sáng tác.