Minh Nhài
Cứ mỗi năm đến tháng củ mật, chút đông về ở Sài thành, hiếm hoi, những làn gió nhè nhẹ, lành lạnh khiến mình nhớ đến cái giá rét từ hồi còn bé xíu ở quê. Chút đông chớm lạnh, so với khí hậu ngoài Bắc thì chẳng có gì để nói nhưng ở đất này, quanh năm chỉ hai mùa mưa - nắng, chỉ cần một chút lạnh cũng thấy lòng nao nao những hồi ức.
Hơi gió lành lạnh như thể mình đang ở giữa quê mình, thoát ra khỏi những bức tường, con đường bê tông hóa, không khí ngột ngạt ở nhà kính, mình nghe được hương đất quê nhà năm xưa. Mùi bùn, mùi mạ non, mùi cuống rạ... tất cả những hương đất quê mình xộc vào mũi, vào khí thở ngay lúc này.
Quê hương mình "năm tấn", quanh đâu cũng thấy những bờ ruộng, cánh đồng bạt ngàn lúa. Từ lúc còn chưa vào mùa, đất ruộng khô cứng, nứt nẻ từng dãy đến khi xả nước. Mình nhớ đến đôi gàu sòng, khi ấy còn bé tý mà mình cũng đã tát nước cùng mẹ. Cho đến khi gieo mạ rồi cấy lúa, đôi chân mẹ bì bõm trong ruộng, chẳng cần giăng dây mà những hàng mạ thẳng tắp xanh rờn. Mạ thành lúa non, những đòng đòng trổ ngả non tơ xanh mướt và thơm lừng, nhất là loại nếp sữa, vào mùa đòng đòng, bứt trộm nhai nghiến ngấu, ngọt lịm và mát rượi nơi cổ họng, thơm lừng mùi lúa non.
![]() |
Mùa gặt. Ảnh: Phương Phương. |
Rồi đòng đòng trổ hạt, những hạt lúa non tơ xanh múp, tròn trịa, báo hiệu một mùa bội thu. Khi lúa chín, nhìn quanh đồng, từng dải lúa nặng trĩu hạt, vàng ánh. Nhớ biết chừng nào... Đến mùa gặt, người lớn, trẻ con vui như hội, những giọt mồ hôi thấm lưng mẹ, những bước chân dẻo trên bờ đê ruộng cùng đôi quang gánh lúa về sân và mình - đôi chân lon ton cũng chạy phía sau nhặt lúa. Người ta hay bảo mình: cái này gọi là "mót lúa". Trời ơi, hương đất nơi mình sinh ra dạt dào tình quê, tình mẹ thế đấy.
Lại nhớ đến lúc mùa gặt xong, đồng trống trơ những cuống rạ. Mình không còn nhớ nhiều lắm nhưng ấn tượng với những tiếng kêu ộp oạp ở hang cua, lội ruộng, bắt cua sợ mà thích lắm! Mẹ bảo: "Phát hiện cua dễ lắm. Cái hang có một ít đất đùn ra, hang cua càng sâu, cua càng to và khỏe". Mỗi lần đưa tay vào tận hang kéo ra là những tiếng oạp à oạp. Khi bắt cua, cánh tay lại càng lấn sâu vào trong hang, chân chống vững, mông chổng lên, đầu ngoảnh sang bên hang cua là một chú cua to kềnh bị bắt nhưng lắm lúc cũng sợ vì thỉnh thoảng trong hang có những "tên" rắn nước.
Ruộng quê mình ngày đó cũng lắm đỉa. Những chú đỉa bé tý mà khiến người thất kinh vì bị hút máu. Khi đã cắn vào da thịt, ta cũng phải chịu đau nhiều lắm mới làm cho hắn dứt ra. Mình còn nhớ cả những luống khoai tây, những luống su hào, bắp cải... tất cả một màu xanh um. Đúng là hương đất quê, ruộng đất bao la, ngào ngạt tình người, tình lúa, tình rau củ quả, tình những chú cua...
Cứ mỗi buổi chiều về, hoàng hôn buông xuống, mình lại "nghe" được mùi khói của rạ, rạ thay củi mà. Lúa thơm, đồng tốt nên đến mùi rạ khi hanh phơi ẩm ướt cũng dễ chịu và khi đun, mùi lửa, mói khói, mùi tro cùng quyện vào nhau, yêu thương biết chừng nào. Lúa, gạo, rơm rạ đã nuôi mình lớn khôn theo năm tháng thế đấy.
Gạo ra cơm và ra rượu. Ngày đó, mẹ cũng hay nấu rượu. Tý tuổi đầu, mình cũng đã nhấm nháp chút men say. Hôm nào nhoẻn cười là những mẻ rượu ngon lành. Còn hôm nào im lặng, nguýt dài là thế nào mẹ mang đi, cũng phải mang về nấu lại. Rượu đã chắt xong, bao giờ mình cũng làm một bát bỗng, chua chua, nhạt nhạt và nóng hổi, thế mà thích chứ.
Xa bao nhiêu năm, gia đình đã đi kinh tế mới, chẳng còn ở đất quê nhưng có đi đâu chăng nữa cũng vẫn nghĩ đến quê, nhớ và thèm trở lại cái thời thơ ấu. Thèm sà vào những đồng ruộng, những luống rau, phiên chợ... Những thứ mùi ngai ngái rất đậm hương đất quê, lúc nào cũng nóng hổi trong trái tim mình.