- Anh từng đánh giá cao giọng ca Mỹ Linh. Thế nhưng, Mỹ Linh là một ca sĩ đã lên tới đỉnh của mình rồi. Với ca khúc của Thanh Tùng, anh nghĩ giọng ca nào sẽ nổi lên?
- Có lẽ đó sẽ là Mỹ Dung. Mỹ Linh là giọng ca hay nhất, theo tôi đánh giá trong khoảng 30 năm qua. Nhưng hiện nay trong thế hệ học trò mới mà tôi đang tuyển lựa để giúp hoàn chỉnh kỹ năng biểu diễn có Mỹ Dung là người mà tôi kỳ vọng.
- Anh truyền giáo những gì cho học trò của anh?
- Trong trường nhạc, thông thường các ca sĩ chỉ được dạy kỹ thuật hát cơ bản và các kiến thức văn hóa xã hội phụ trợ khác. Nhưng để trở thành một ca sĩ đúng nghĩa của nó thì còn rất nhiều thứ khác, nhất là với các ca sĩ trong dòng nhạc nhẹ. Kỹ thuật diễn xuất là môn khoa học hoàn toàn không đơn giản chút nào. Ví dụ như các em cần phải tạo dựng cho mình khả năng kiểm soát tai nghe, khả năng biểu cảm trên khuôn mặt và các động tác khác nhau, rồi cả khả năng biểu cảm bằng các kỹ thuật âm nhạc... Tóm lại, ngay cả sau khi đã tốt nghiệp trường nhạc ở bậc đại học rồi, các em vẫn cần phải học thêm nhiều thứ lắm thì mới mong đứng vững được trên sân khấu, đúng tầm cỡ của mình... Còn một việc nữa, người thầy phải nghiên cứu trên cơ sở những khả năng thiên phú của từng em mà giúp các em xác định xem mình cần khổ luyện theo kỹ thuật gì, xây dựng tính cách âm nhạc nào là tối ưu. Thông thường những điều này chưa được quan tâm đủ trong các đại học chính thống.
- Làm nghệ sĩ kém tài thì rất khổ. Nhưng tài năng lớn cũng có những đau khổ lớn... Anh nghĩ sao?
- Một ca sĩ, một diễn viên điện ảnh, hôm nay có thể còn ở dưới đáy, chưa ai biết đến tên tuổi, nhưng rồi chỉ vài ba tháng có thể trở thành một ngôi sao, ngỡ như ai ai cũng ngưỡng mộ. Đó là một thử thách quá nặng nề mà nếu không được chuẩn bị tâm lý một cách thích đáng, rất dễ "gãy" và phạm phải các sai lầm không đáng có.

Nhạc sĩ Thanh Tùng.
- Có ý kiến cho rằng lớp ca sĩ mà anh đang tuyển mộ và đào tạo là của riêng anh, chứ không phải trong khuôn khổ chương trình của một nhạc viện nào cả?
- Đúng, xưa nay tôi chỉ làm công đoạn cuối cùng, thông qua từng tiết mục, từng chương trình biểu diễn để giúp đỡ cho các ca sĩ mà tôi lựa chọn tìm được đúng phong cách hợp với khả năng và tâm tính của mình. Nếu vận dụng ngôn ngữ sân cỏ thì tôi huấn luyện ca sĩ thích ứng với từng trường hợp biểu diễn. Tức là tôi không phải là trường dạy bóng đá, mà tôi là một huấn luyện viên của một đội bóng.
- Anh nghĩ thế nào về triển vọng một ngày nào đó, những ai từng qua khóa đào tạo của nhạc sĩ Thanh Tùng rồi cũng được cấp một cái bằng nào đó có giá trị chính thức như của các trường Nhà nước?
- Bằng cấp của nhà trường có giới hạn nhất định của nó. Nhà trường mỗi năm cho tốt nghiệp hàng trăm, hàng nghìn sinh viên. Để có thể tìm được chỗ đứng trong cuộc đời, những cựu sinh viên đó còn phải tiếp tục vận động nhiều, học thêm nhiều thứ khác nữa để trụ lại càng lâu càng tốt, với gương mặt càng ấn tượng càng tốt. Liên hệ với việc đá banh, CLB lớn nào chẳng có những trường đào tạo riêng, thậm chí họ còn gọi là Học viện bóng đá. Nhưng cầu thủ được đào tạo ra ra rồi sẽ đá thế nào trong đội hình CLB thì đấy là nhiệm vụ của các huấn luyện viên.
- Từng có thời gian tu nghiệp ở CHDCDN Triều Tiên, nền âm nhạc ấy đã gây ấn tượng với anh thế nào?
- Đó là nền âm nhạc rất có quy củ, rất có kỷ luật. Nhạc giao hưởng, nhạc dân tộc ở đó phát triển rất mạnh mẽ. Tôi tốt nghiệp chỉ huy dàn nhạc ở đấy năm 1971.
- Năm 1971 về nước, đời sống rất kham khổ và nghiêm ngắn... Lúc đó anh cảm thấy thiếu gì nhất trong âm nhạc?
- Tôi thấy thiếu nhiều những ca khúc phục vụ đại chúng, đơn giản, tập thể dễ hát. Khi đó đại đa số những bài hát của chúng ta thường dài, chỉ dân chuyên nghiệp hát mới hay được. Tất nhiên cũng có một số tác giả thành công khi viết các ca khúc đại chúng, như Phạm Tuyên chẳng hạn, nhưng nói chung là thiếu loại ca khúc này. Tôi cũng hiểu trong chiến tranh, trong bối cảnh cả nước phải hy sinh, chịu đựng nhiều gian khổ to lớn thì tạm dẹp tình cảm cá nhân sang một bên cũng là điều dễ hiểu và tất yếu.
- Nghe các bài hát của Thanh Tùng thì thấy rõ đó là con người lụy tình. Nhưng khi gặp, thấy có cả chất "quản lý văn hóa". Anh nghĩ sao?
- Có lẽ hai con người đó chỉ là một ở trong tôi. Tôi luôn thấy rõ ảnh hưởng của các ca khúc tới quần chúng nên khi viết, tôi rất kỹ lưỡng cả về ngôn từ lẫn giai điệu, tức là luôn cố gắng không làm băng hoại tình cảm lành mạnh của con người. Tuy nhiên, mặt khác tôi rất phóng túng khi thể hiện tình cảm của mình. Tình cảm của tôi nó có thật trong lòng tôi, nó mang lại nhiều sự tốt đẹp cho đời tôi, cho nên nó không có gì xấu và không thể xấu được...
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng rất dễ suy đoán những gì trong đời sống thực vì nó đã được thể hiện trong các ca khúc?
- Theo nhận thức của tôi, không có cái gì tôi nghĩ mà lại không thể nói ra công khai. Những điều gì tôi đã nói ra thìo không thể có gì sai, bởi nếu tôi biết là sai thì tôi đã không nói ra...
- Anh nghĩ thế nào về 25 năm tới với những ca khúc của anh?
- Âm nhạc có những cái khả biến, có những cái dĩ biến và bất biến. Khả biến là cái ứng đối linh hoạt. Dĩ biễn có thể thay đổi. Bất biến thì không bao giờ thay đổi. Tôi cho dòng nhạc của tôi nằm trong dòng nhạc dĩ biến. Âm nhạc của tôi chưa thể thành tác phẩm cổ điển bao trăm năm như là của Beethoven... Trình độ của tôi là trình độ thấp, không thể so sánh như vậy. Âm nhạc của tôi khả biến vì tôi có thể làm được như các bạn trẻ hiện nay đang làm, bởi vì nhiều tác phẩm của tôi viết cách đây 25 năm thì một số vẫn hiện đại hơn nhiều ca khúc nhạc trẻ mới xuất hiện.
- Có ý kiến cho rằng với một nhạc sĩ nói không với tình yêu thì chắc sẽ từ bỏ luôn việc sáng tác. Anh nghĩ sao?
- Tình yêu là cái không bao giờ hết, cũng như đôi khi nó không bao giờ có. Chính vì vậy tôi không bao giờ nói có cũng như không bao giờ nói không với tình yêu. Có thể nói không với một cuộc hôn nhân, hay nói không với một cuộc sống ràng buộc nam nũa... Nhưng với tình yêu thì tôi không thể nói không và cũng không cần nói, vì đó là tâm sựmà tôi không cần phải thổ lộ cùng ai... Với tôi, quan trọng là trong lòng tôi có tình yêu, còn miễn tôi có tình yêu, người ta có yêu tôi hay không cũng không quan trọng. Vấn đề là tôi có yêu được cuộc sống này hay không, hay có yêu được một người nào đó hay không, đó mới là điều quan trọng.
(Theo An Ninh Thế Giới)