![Diễn viên Hứa Vĩ Văn tại buổi chiếu ra mắt phim Tiệc trăng máu ở Hà Nội.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2020/10/26/hua-vi-van-tiec-trang-mau-top-3483-4772-1603691966.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oPoBxJlECGE7b5DXnvJ86g)
Diễn viên Hứa Vĩ Văn tại buổi chiếu ra mắt phim Tiệc trăng máu ở Hà Nội.
- Sau nhiều năm trung thành với hình tượng "soái ca" màn ảnh Việt, anh nhận vai tuổi ngoài 40 trong ‘Tiệc trăng máu’ và vai trung niên trong ‘Trái tim quái vật’. Từ đâu anh có lựa chọn khác biệt như vậy?
- Ba năm nay, tôi từ chối rất nhiều vai diễn na ná trong các phim trước đây. Tôi không muốn làm soái ca mãi nữa. Tôi mong chờ các kịch bản đột phá, vai diễn khác lạ. Lứa diễn viên của chúng tôi sẽ già đi. Nếu cứ bắt chúng tôi đóng mãi vai trẻ thì lãng phí lắm.
Tuổi trẻ của chúng tôi rơi vào lúc điện ảnh Việt Nam chưa phát triển. Khi điện ảnh phát triển thì chúng tôi già mất rồi, cơ hội dành cho các bạn trẻ. Để có được các vai diễn như Quang của Tiệc trăng máu hay ông Bé của Trái tim quái vật, tôi phải chứng minh nhiều thứ, thay đổi suy nghĩ đóng đinh của mọi người về hình ảnh và diễn xuất của tôi. Tôi muốn làm cho khán giả thấy nhiều thứ sâu bên trong tôi ngoài những gì họ đã biết bao năm nay.
- Đóng "Tiệc trăng máu", anh thích thú điều gì?
- Tôi thích các cảnh nấu ăn. Đó vốn là sở trường của tôi ngoài đời. Tôi hay nấu và nấu ngon lắm, chắc là do hồi bé tôi được ăn nhiều món ngon bà nội nấu, hay nhìn bà nấu ăn và học "lỏm" được nhiều thứ. Nhờ vậy, tôi đóng các cảnh bếp núc trong Tiệc trăng máu dễ dàng, thao thác thuần thục.
![Hứa Vĩ Văn thể hiện vai diễn người đàn ông của gia đình, giỏi bếp núc trong Tiệc trăng máu.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2020/10/26/hua-vi-van-tiec-trang-mau-4-4707-1603692863.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1MqRGGHeZ6MWSepVONlY8Q)
Hứa Vĩ Văn thể hiện vai diễn người đàn ông của gia đình, giỏi bếp núc trong Tiệc trăng máu.
- Trong phim, nhân vật của anh bị lừa dối trong tình cảm. Ngoài đời, anh có trải nghiệm nào với chuyện này?
- Cuối phim, Tiệc trăng máu gửi gắm thông điệp: "Mỗi người sống ba cuộc đời: công khai, riêng tư và bí mật". Tôi tin như vậy. Trên đời này, ai cũng có bí mật. Tôi muốn giữ những chuyện như vậy cho riêng mình. Tôi chỉ có thể nói rằng ông bà ta có câu rất hay: "Mắt nhắm mắt mở". Đôi khi, làm vậy thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn.
- Đây là lần đầu anh và Hồng Ánh đóng cặp. Sự kết duyên vợ chồng trong phim gây ra những khó khăn gì cho anh chị?
- Mới đầu, Hồng Ánh lo lắng nhiều thứ. Nhưng khi chúng tôi tập diễn, cộng thêm sự hỗ trợ của các bạn diễn khác, chúng tôi tạo được sự ăn ý. Việc xưng hô vợ chồng và đóng các cảnh tình cảm không khó khăn gì với chúng tôi, vì cả hai đã quen hóa thân thành nhiều dạng vai rồi. Ngay cả việc xưng hô "mày - tao" với anh Thái Hòa, anh Đức Thịnh và Kiều Minh Tuấn trong Tiệc trăng máu, tôi cũng đâu có ngại.
Hơn nữa, tôi và Hồng Ánh đã quen nhau hơn 30 năm nay. Hồi nhỏ, chúng tôi cùng sinh hoạt ở nhà thiếu nhi. Khi ấy, chị Ánh đã được múa chính và hát chính, còn tôi chỉ được hát tốp ca hoặc phụ họa thôi. Lên cấp 3, chúng tôi cùng tham gia Nhà văn hóa Thanh niên. Sau này, chị Ánh tham gia Diễn viên triển vọng năm 1995, còn tôi tham gia cuộc thi đó năm 2000. Chúng tôi biết nhau và theo dõi hoạt động của nhau từ lâu, gặp nhau là chào hỏi. Sau này cùng làm điện ảnh, chúng tôi thân nhau hơn.
Nghĩ cũng thấy thú vị! Ngày trước, Hồng Ánh hay phải đóng vai già hơn tuổi và cực khổ, còn tôi hay đóng vai trẻ hơn tuổi. Lần này, chúng tôi nhập vai đúng lứa tuổi của mình. Tôi thấy chúng tôi hợp vai về ngoại hình lẫn suy nghĩ, cho nên phát huy được những thứ trước đây khán giả chưa được thấy.
![Hứa Vĩ Văn và Hồng Ánh thân thiết hơn sau khi đóng cặp trong Tiệc trăng máu.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2020/10/26/hua-vi-van-tiec-trang-mau-3-6884-1603692863.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IeC64Gx4q-8NyDAsRrbX-Q)
Hứa Vĩ Văn và Hồng Ánh thân thiết hơn sau khi đóng cặp trong Tiệc trăng máu.
- ‘Tiệc trăng máu’ là phim đầu tiên anh đóng vai người cha có con gái 18 tuổi. Cảm giác này thế nào?
- Có thể mọi người nghĩ tôi sẽ gặp khó khăn vì ngoài đời tôi chưa làm bố thực sự, chưa có con lớn như vậy. Nhưng thực ra, tôi có không ít trải nghiệm tương tự ở đời thường. Từ nhỏ, tôi đã chăm sóc em trai. Hiện giờ, tôi nhận hai đứa con của em trai tôi là con và nuôi dạy chúng thay em trai tôi. Tôi nghĩ tôi có trải nghiệm làm cha không thua kém các ông bố khác, có khi còn nhiều hơn.
Sau khi Tiệc trăng máu ra mắt, nhiều bạn bè, đồng nghiệp thích đoạn thoại giữa tôi với diễn viên Việt Linh đóng vai con gái của tôi và Hồng Ánh. Trước ngày quay, tôi tập đoạn thoại này suốt hai tháng, tự nói và tự quay một mình cho tới khi thấy tốt nhất. Lúc quay phim, tôi coi con gái trong phim như con gái của mình.
Tôi đã xem các phiên bản khác của Tiệc trăng máu, nhưng không muốn cách thể hiện của mình giống diễn viên ở các phiên bản đó. Nền giáo dục, lối sống, cách cư xử của châu Âu và các nước châu Á phát triển rất khác với Việt Nam chúng ta. Tôi muốn mình tạo được chất Việt Nam trong cách trò chuyện giữa cha và con. Tôi nghĩ có thể vì tôi từng trải qua nhiều sự đau buồn trong cuộc sống nên khi đóng các cảnh tâm lý của Tiệc trăng máu, tôi trải lòng nhiều.
- Đối với chuyện làm cha, anh có sự đồng cảm hoặc khác biệt nào với vai diễn Quang trong ‘Tiệc trăng máu’?
- Tôi rất thích câu thoại nhân vật Quang nói với vợ: "Mình làm sao thì làm, đừng để con xa mình là được". Tôi đồng cảm với sự hy sinh và quan niệm cha mẹ làm bạn với con cái của nhân vật. Bà ngoại, bà nội của hai đứa con tôi hay bảo hai đứa nhóc ai nói cũng không nghe, chỉ nghe lời tôi. Tôi hay trò chuyện, coi các con là bạn, thị phạm cho chúng thay vì gây khó khăn hay răn đe, thúc ép.
Có lẽ, tôi chịu ảnh hưởng phương pháp giáo dục này từ bà nội tôi. Từ nhỏ, tôi không sống với ba mẹ nhiều, mà chủ yếu được bà nội nuôi dưỡng. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, bà nội hay trò chuyện với tôi làm tôi thấm dần, thấm dần từng nếp sống.
Tôi từng chứng kiến nhiều phụ huynh ép con học đủ thứ, làm những việc ngày xưa bản thân không có điều kiện thực hiện. Giáo dục như vậy chỉ là chiều lòng mình, không phải tốt cho con trẻ. Tôi cho rằng mình phải hiểu mong muốn của con là gì và giúp con phát triển tốt. Nếu con không tâm sự với mình thì mình còn không bằng bạn của nó.
![Sau khi em trai mất, Hứa Vĩ Văn thay em trai nuôi dạy hai con.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2020/10/26/hua-vi-van-tiec-trang-mau-8-8363-1603692863.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2P9gIuuLu3ENPKT6jDUKuQ)
Sau khi em trai mất, Hứa Vĩ Văn thay em nuôi dạy hai con.
- Năm ngoái, anh trải qua chuyện đau buồn khi em trai anh qua đời vì bạo bệnh. Chuyện này ảnh hưởng thế nào tới công việc và cuộc sống của anh?
- Biến cố gia đình để lại cho tôi cú sốc, ảnh hưởng nhiều về tinh thần, sức khỏe của tôi, làm tôi hơi xuống sắc và khó lấy lại cân bằng. Một số kịch bản tìm đến tôi trong khoảng thời gian đó. Nhưng tôi không có tâm trí làm việc khi gia đình chưa ổn định.
Tuy nhiên tôi nghĩ không riêng tôi, mọi người trong xã hội này đều phải trải qua những chuyện sinh, lão, bệnh, tử, chứng kiến người thân ra đi. Và không phải ai cũng dễ dàng vượt qua. Nghệ sĩ cũng là con người, cũng cần thời gian để hồi phục. Giờ tôi đang dần trở lại. Mong khán giả hiểu và thông cảm nhiều với tôi.
- Vậy một năm qua, anh làm thế nào để vượt qua nỗi buồn này?
- Khi em trai tôi mới mất, mọi thứ lộn xộn lắm. Lo xong hậu sự cho em, tôi dành thời gian dàn xếp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe cho mẹ, chăm lo cho em dâu và các cháu ở bên gia đình ngoại thoải mái hơn. Cũng phải một thời gian, tôi mới nguôi ngoai được nỗi đau.
Tới đợt giãn cách xã hội, tôi tìm thêm cách giải khuây thông qua việc vẽ tranh. Tôi đã vẽ hơn 100 bức và tính đến chuyện mở triển lãm. Nhưng sau đó nghĩ lại, tôi thấy mình là diễn viên thì nên tập trung đóng phim. Mở triển lãm không đơn giản, mà lại mang hơi hướng họa sĩ mất rồi. Cuối cùng, tôi đem tranh bán đấu giá trên mạng để làm từ thiện. Ngoài ra, tôi tặng tranh cho một số bạn bè.
- Trở lại với điện ảnh sau biến cố gia đình, anh có những kế hoạch nào mới?
- Sắp tới, tôi có phim Trái tim quái vật và Em là của em lần lượt ra rạp vào tháng 11/2020 và tháng 1/2021. Tôi cũng đã nhận thêm vai diễn mới nhưng tạm thời trong vòng bí mật. Đối với việc sản xuất phim, tôi chưa dám vội vì thị trường phim đang gặp khó khăn sau Covid-19. Tôi đã chuẩn bị kịch bản bốn năm nay và lập công ty hai năm, chỉ chờ thời điểm thích hợp, sẵn sàng về tài chính để làm phim.
![Hứa Vĩ Văn tìm sự bình yên và niềm vui trong sở thích hội họa.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2020/10/26/hua-vi-van-tiec-trang-mau-7-6488-1603692864.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4lAO4eZDjY1y-MJISEs5vA)
Hứa Vĩ Văn tìm sự bình yên và niềm vui trong sở thích hội họa.
Hứa Vĩ Văn sinh năm 1979, là ca sĩ - diễn viên - nhà sản xuất phim. Tên tuổi của anh gắn liền với các phim Lời thú tội của Eva, Em là bà nội của anh, Chạy đi rồi tính, Thần tượng, Chàng trai năm ấy... Phim Tiệc trăng máu có sự góp mặt của anh đang chiếu rạp. Bộ phim được Việt hóa từ kịch bản Perfect Strangers của Italy, kể về những xung đột, rạn nứt tình bạn, tình yêu của nhóm bạn bảy người khi cùng chơi trò công khai bí mật điện thoại trong một bữa tiệc. Ngoài Hứa Vĩ Văn, phim còn có sự tham gia của Thái Hòa, Đức Thịnh, Hồng Ánh, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn.
Trailer phim Tiệc trăng máu
Phong Kiều thực hiện