Hủ tiếu Hồ còn có tên gọi khác là "hủ tiếu Triều Châu", do bắt nguồn từ Triều Châu, không phổ biến ở Sài Gòn. Muốn tìm món này, du khách phải đến khu người Hoa ở quận 8, quận 6, quận 11... ghé các quán hủ tiếu lâu năm mới có. Khác với đa số món hủ tiếu ở Sài Gòn, hủ tiếu Hồ ăn kèm cải chua, lòng heo khìa và nước dùng đậm màu như nước phá lấu, dậy mùi thảo mộc.
Thành phần chính của hủ tiếu Hồ là nội tạng heo, chủ yếu là bao tử và tim heo. Một số nơi dùng thêm tai heo sần sật. Một người bán hủ tiếu Hồ ở quận 7 (TP HCM) cho biết công đoạn tốn thời gian và kỳ công nhất là khâu sơ chế nội tạng sao cho hết mùi, bởi mùi nội tạng ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị món ăn. Thông thường, người ta chà xát nội tạng với muối, nước cốt chanh cả mặt trong lẫn ngoài (với bao tử) để loại sạch nhớt, rồi rửa lại nhiều lần với nước sạch.
Sau khi làm sạch nội tạng, đầu bếp đem đi khìa để hãm béo. Nội tạng ướp với đủ loại gia vị như ngũ vị hương, hạt nêm, đường, mắm... Đặc biệt, hoa hồi và một số vị thuốc Bắc là không thể thiếu. Nhìn qua, màu nước khìa tương tự màu nước phá lấu nhưng loãng và không béo. Vị thanh, thơm nhẹ. Tuy nhiên, với người không quen món ăn có vị thuốc Bắc thì mùi nước dùng khá lạ, không dễ ăn.
Điểm nhấn tạo nên đặc trưng của hủ tiếu Hồ là cải xá bấu và cải chua. Cải xá một loại củ cải trắng muối của người Hoa, vị ngọt, mặn vừa phải, dậy mùi củ cải nhè nhẹ. Cải chua vừa giúp hực khách ăn đỡ ngấy, vừa tạo hương vị "có một không hai". Hủ tiếu Hồ đúng điệu là phải dùng bánh hủ tiếu mềm "nhà làm". Bánh hủ tiếu giống lá mì, dày hơn các loại hủ tiếu mềm khác một chút. Bát hủ tiếu được điểm thêm chút hành lá và tỏi phi thơm, không ăn kèm rau.
Khi ăn, thực khách nêm giấm Tiều hợp khẩu vị. Các loại lòng heo chấm với chén nước chấm pha nước tương, giấm Tiều và sa tế xào. Ngoài ra, tại quận 6 còn có món hủ tiếu Hồ chay nổi tiếng, phục vụ người ăn chay. Một tô hủ tiếu Hồ có giá khoảng 50.000 - 80.000 đồng, tùy nơi bán.
Bài và ảnh: Vi Yến