"Hê… hê…ê", những tiếng hô phá tan đi tiếng cụng ly chan chát của những thực khách ngà say bên các quán nhậu để quay sự chú ý về phía cậu bé chừng 8 tuổi tay gắp cục than đỏ lửa bỏ vào miệng nhai trệu trạo. Tiếng vỗ tay và những ánh mắt tròn xoe sau cái gập đầu chào của cậu bé. Cái thố nhỏ trong lòng bàn tay bám đầy bụi than, thằng bé nở nụ cười với hàm răng đen dầy đặc sỉ than đi từng bàn khách một chìa chiếc thố ra.
Những đồng 10.000, 50.000 đồng được thực khách bỏ vào thố. Thằng bé không lấy làm sung sướng bởi, chỉ sau một tua bên các bàn nhậu, số tiền kia sẽ lọt vào tay một gã đàn ông đang đứng đợi bên đường.
23h30 một tối chủ nhật, ở khu vực chợ Bến Thành (TP HCM), nơi đây hội quân của hàng chục gánh xiếc. Cu Sơn (12 tuổi) với bộ đồ thiếu lâm màu mỡ gà cáu bẩn đang nài nỉ một anh bảo vệ tuyến đường bên cửa Tây chợ Bến Thành cho được diễn. Đồng hồ trên tay anh bảo vệ điểm con số 12, anh xua tay "diễn đi mấy cha!". Như bắt được vàng, hàng loạt tiếng hê… hê…ê kéo dài khắp cả con đường.
![]() |
Một cậu bé 12 tuổi biểu diễn xiếc trên đường phố. |
Sơn bắt đầu trình diễn bằng màn nuốt lửa. Dụng cụ được lôi ra khỏi chiếc túi đen rách bươm. Một con rắn xanh còn ngọ nguậy trong chiếc hộp nhựa, một nửa vỏ lon chứa xăng, cùng vài cục than đen và một chai nước suối chứa đầy xăng. Tiếng hê… hê vang lên, hai cây que được tẩm dầu bốc cháy. Sau một điệu múa mở màn, Sơn lần lượt đưa hai que lửa phừng phừng cháy cho vào miệng.
Đảo một vòng que lửa xung quanh miệng, sau đó ngậm chặt, Sơn cúi đầu chào tiếp tục màn phun lửa. Ngậm đầy một họng xăng, Sơn không còn hê lên được, dang hai tay với hai que lửa đang cháy phừng phừng, gí sát que lửa vào miệng, Sơn phun xăng ra khỏi miệng. Một đám cháy bốc cao, thằng bé quăng vội que lửa, lấy tay phủi lia lịa vòm miệng. Lần lượt từng đám lửa cháy phừng trước mắt Sơn.
Đến trò nuốt than, lại một tiếng hê hê, những cục than đỏ lòm được Sơn giơ lên cao, sau đó nhét vội vào miệng trệu trạo nhai. Thực khách ồ lên vài tiếng. Con rắn lục xanh nãy giờ nằm yên trong lọ ngọ nguậy chui vào miệng Sơn. Có tiếng "í à" của một vài thực khách vang lên. Màn biểu diễn kết thúc, chiếc thố được đưa đến từng bàn. Sau màn trình diễn các tiết mục này, Sơn có hơn 100.000 đồng.
Tâm điểm được đổ dồn về chính giữa khu chợ. Một nhóm xiếc nhí biểu diễn trò tung banh, lắc dĩa, và đâm kiếm vào sâu cuống họng. Một thành viên trong nhóm xiếc cho biết: "Trò này phải có hai ba người mới làm được chứ không thể đánh lẻ. Nếu xảy ra chuyện không may còn có người giúp đỡ, nếu không coi như toi".
Cây kiếm dài 30cm sáng loáng được giơ lên cao, Tí (17 tuổi) ngửa cổ lên trời sau đó đẩy từ từ thanh kiếm vào miệng. Khi chuôi kiếm đã kề sát miệng, hai bàn tay giơ thẳng ra ngoài lắc lư. Màn nội công thâm hậu thứ 2 mà Tí biểu diễn là trò nuốt kiếm để vật nặng bên trên. Thanh kiếm khác ngắn hơn được Tí sử dụng trong trò này. Chiếc chậu kiểng nặng hơn 10kg được xếp gọn ở bên trên chuôi kiếm. Chỉ cần một sơ suất, chiếc chậu kiểng rơi xuống thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho Tí.
Sang, một thành viên trong nhóm khác cho biết: "Luyện đến chiêu thức này là thằng phải có máu mặt và gan lỳ lắm mới làm được. Tụi em chưa đạt được nội công thâm hậu đến như vậy!". Sau màn biểu diễn của thằng Tí, số tiền thu gom từ thực khách đếm được trong thố chỉ hơn 50.000 đồng. Số tiền quá ít so với màn trình diễn mạo hiểm của cả nhóm.
Bé Tuấn 7 tuổi (quê Cần Đước - Long An) há miệng ra sau khi biểu diễn xong tiết mục nuốt than và phun lửa ở góc đường Lê Hồng Phong - Trần Phú, quận 5. Hàm răng đen xỉn, cái lưỡi phồng dộp sưng tấy. "Chẳng sao đâu! Vài ngày nó lại hết mà. Với lại làm suốt cho nên không còn cảm giác đau nữa, chỉ lúc ăn thấy khó chịu một chút", Tuấn phân trần.
Nhà có 3 anh em, nghèo quá nên khăn gói lên thành phố kiếm sống. Tuấn lang thang nhiều ngày thì bắt gặp nhóm xiếc rong nên hỏi chỗ xin theo học. Nhóm xiếc này cũng có đứa trạc tuổi như Tuấn nên dẫn đến sư tổ để học nghề.
Tuấn cho biết: "Thầy dạy một khoá 900.000 đồng, gồm các món như: nuốt rắn, than, phun lửa… đứa nào học nhanh và chịu lỳ là một ngày học xong. Học phí thầy cho trả góp, khi nào hết thì thôi". Có lẽ, Tuấn là trường hợp nhỏ tuổi nhất nhưng dám xé lẻ ra ngoài làm ăn. Hàng ngày 7h tối, Tuấn bắt xe từ Long An xuống TP HCM mưu sinh. Lần lượt qua các quán nhậu nhỏ ở các quận xa biểu diễn, 2h sáng Tuấn kiếm cũng được 200.000 đồng. Trừ tiền xe ôm, mỗi ngày Tuấn mang về cho mẹ hơn một trăm nghìn, đối với em, đây là điều may mắn.
Bắt chuyện với nhóm xiếc nhí ở một quán nhậu trên đường Trần Não, quận 2, T. "đẹt" cho biết: "Thầy cũng có dạy gì đâu. Thằng nào liều bỏ than, không sợ rắn, chịu đau là hành nghề được tuốt! Thằng nào thầy cũng nhận, thằng nhanh thì một buổi là học hết các ngón đơn giản, thằng chậm thì 2-3 ngày. Các ngón như nhai miếng chai, đâm kiếm, móc lưỡi câu vào cuống họng, đâm sắt qua tay thì thầy mới chỉ lâu nhưng ít thằng dám làm lắm".
Không bao giờ nói tên thật, khách có hỏi chỉ nói qua loa, không được nêu tên sư phụ, địa điểm tầm sư… đó là những tôn chỉ mà các nhóm xiếc rong này phải thuộc nằm lòng. Những đồng tiền vắt mồ hôi, sinh mạng ra kiếm được các em đều không được hưởng trọn.
Sau nhiều đêm theo chân những nhóm xiếc rong này, chúng tôi mới vỡ lẽ, số tiền các em nhận được chỉ bằng một phần nhỏ số tiền chúng kiếm được. Sơn cho biết, nhóm của Sơn được thầy chở đi rải đều các quán nhậu. Người nhỏ tuổi nhất như Sơn được thầy bao ăn ở, mỗi tháng cho 600.000 đồng. Có những đêm Sơn kiếm được số tiền bằng cả một tháng lương của mình.
Hay Thanh, 17 tuổi, quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp, số tiền Thanh cày đến 2h sáng được ăn chia theo tỷ lệ. Cứ xin được 100.000 đồng, Thanh được 25.000 đồng. Có hôm kiếm được cả triệu đồng, Thanh chỉ được hơn 100.000 đồng. Một nhóm trẻ khoảng 7-12 tuổi, đầu nhuộm vàng hoe đang lần mò trong công trình xây dựng dưới chân cầu Rạch Bàng 2, mỗi đứa khoác trên mình một chiếc bao tải, lúi cúi gỡ bù lon trên những thanh sắt công trình, thấy chúng tôi, cả đám ùa chạy.
Nhìn thấy một đứa quen quen, tôi hỏi: "Không đi xiếc nữa sao mà đi lượm ve chai?". Thằng nhóc nhận thấy người quen, đáp lại: "Có chứ! Tối mới diễn! Đi lượm sắt kiếm thêm tiền uống cà phê".
Hỏi chúng đường vào khu kiếm thầy học xiếc, chúng chỉ ậm ừ chỉ đường lắt léo… Chỉ riêng khu vực cầu Rạch Bàng 2, quận 7 đã có hơn 10 nhóm xiếc mà mỗi nhóm có đến gần 20 đệ tử.
Lần mò vào các con hẻm này vào một buổi trưa ngày 16/1, bên các căn nhà ọp ẹp hàng chục đứa trẻ 7-17 tuổi đang nô đùa bên hiên nhà. Cạnh chúng, những bộ võ phục được phơi phóng xung quanh các dãy hàng rào tre. Thấy người lạ vào hỏi thăm, chúng đều lắc đầu: "Không biết chủ nhà tên gì! Ông hỏi làm chi?".
Thử làm một phép tính nhẩm, trung bình mỗi xiếc nhí kiếm một đêm 200.000đ, trong khi mỗi nhóm xiếc có đến 20 đứa trẻ như vậy thì số tiền những kẻ chăn dắt thu về hàng đêm là bao nhiêu? Một con số quá sức tưởng tượng mà bọn chăn dắt hưởng lợi từ sức lao động của trẻ em. Đa số các diễn viên nhí này quê ở miệt miền Tây như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp lên theo học và hành nghề ăn lương của "sư phụ".
Trong lúc bắt chuyện với các em, phía bên kia đường, những gã đàn ông cặp mắt dò xét quắc tay ra hiệu cho tụi nhỏ rút quân. Chiếc cup 50 chất 4 diễn viên lao ào đi trong đêm dời địa điểm. Một gã thanh niên bặm trợn xua mấy đứa nhỏ: "Đi đi! Nó là nhà báo đó, mai nó đăng tụi bay lên là hết làm ăn!" Tiếng pô xe nổ giòn phá tan màn đêm lạnh ngắt, những tấm áo võ phục trên tấm thân gầy còm của các em bị gió đánh phần phật trong đêm.
(Theo Công An Nhân Dân)