Osechi ryori (gọi tắt: osechi) là bữa ăn truyền thống mừng năm mới của người Nhật. Nó gồm nhiều hộp jubako - một loại tráp sơn có thiết kế như hộp bento, bên trong đựng nhiều thức ăn màu mè, bắt mắt. Mỗi món đều có ý nghĩa cầu phúc, mong những điều tốt lành sắp tới. Vì thế, osechi còn được gọi là mâm cỗ "hạnh phúc chồng chất" bởi các hộp jubako được đặt chồng lên nhau, có nắp đậy lại. Người Nhật chỉ ăn osechi một lần vào dịp năm mới. Sau khi dùng xong, người ta rửa sạch jubako, cất đi đến Tết năm sau.
Mâm osechi ban đầu chỉ vài món đơn giản như nimono (rau luộc trong nước tương pha đường), cá biển nướng, rượu... Sau này, mâm osechi phong phú hơn, với mong muốn một năm đủ đầy, viên mãn. Ngoài thực đơn osechi truyền thống, người Nhật còn có thực đơn osechi món Âu (seiyo-osechi) hay osechi món Trung Quốc (chukafu-osechi). Các tầng trong mâm osechi có ý nghĩa như sau:
Tầng cao nhất được gọi là Ichi no Ju, gồm những món mang hàm ý chúc cho mọi người luôn bình an, tốt lành như: trứng cá trích nấu với rượu và nước tương, chả cá luộc, khô cá mòi, cá cơm rim ngọt... và không thể thiếu đậu nành đen ninh ngọt. Trong tiếng Nhật, đậu nành đen là "name", đồng âm với từ "chăm chỉ, siêng năng" nên món ăn mang ý nghĩa năm mới sẽ thật chăm chỉ học tập và làm việc.
Tầng thứ hai từ trên xuống được gọi là Ni no Ju, chủ yếu các món có vị ngọt như: konbumaki (cơm cuộn rong biển rim ngọt), khoai lang nghiền, datemaki (trứng cuộn ngọt), tazukuri (khô cá mòi kho nước tương)... Trong đó, từ "konbu" là cách chơi chữ "hạnh phúc", "date" là cách chơi chữ cho ý nguyện mong ước quần áo lộng lẫy. Khi viết bằng kanji (hán tự), tazukuri có nghĩa "làm ruộng", tượng trưng mong muốn được mùa.
Tầng thứ ba từ trên xuống được gọi là San no Ju, với nhiều món chế biến từ hải sản như tôm, cá... mang ý nghĩa "hạnh phúc từ biển". Trong đó, kazunoko (trứng cá trích nấu với rượu và nước tương nhạt) mang ý nghĩa cầu mong có gia đình hạnh phúc, nhiều con cháu. Đặc biệt, hộp osechi không thể thiếu ebi (tôm). Trong văn hóa Nhật Bản, tôm là biểu tượng sự trường thọ, nên những món từ tôm có ý nghĩa cầu chúc sức khỏe, sống lâu. Hiện những nơi bán mâm osechi cao cấp thường bày tôm hùm hấp đỏ au ở tầng này.
Tầng cuối cùng được gọi là Yo no Ju, đại diện cho "hạnh phúc từ núi", với những món kho từ nguyên liệu rau củ như củ sen, nấm, cà rốt, rễ cây ngưu bàng...
Ngoài ý nghĩa cầu may, osechi còn được xem là cách để gia đình và người nội trợ có thể "sống sót" qua những ngày đầu năm, khi các siêu thị, cửa tiệm, nhà hàng đóng cửa. Một hộp osechi có thể ăn trong 1-3 ngày nên các món chỉ cần để nơi thoáng mát, giữa thời tiết mùa đông, vài ngày không hỏng.
Trước kia, osechi do các bà nội trợ trong gia đình chuẩn bị. Ngày nay, hầu hết gia đình đặt mua bên ngoài cho nhanh, lại nhiều lựa chọn. Osechi chỉ được bán vào thời điểm cuối năm để kịp dùng đầu năm. Những tháng còn lại, dù tìm khắp các nhà hàng ở xứ sở hoa anh đào, bạn cũng không thể thấy món osechi trong thực đơn hàng ngày.
Diệp Tử (tổng hợp)