Anh Bình phải ngồi xe lăn ở tuổi 30. |
33 tuổi, Phan Ngọc Sâm gần như trở thành tàn phế, phải chống nạng lết từng bước khó nhọc khi cần di chuyển. Đã 8 năm nay Sâm không còn hy vọng đôi chân sẽ trở lại như xưa dù đã đánh đổi nhiều thứ.
Ngày "định mệnh" của đôi chân Sâm là tháng 7/1998. Sau nhiều ngày lặn dưới vùng biển Bình Thuận, đôi chân của anh tự dưng tê buốt. Kinh nghiệm nghề nghiệp mách bảo cho anh rằng tai họa đã xảy đến. Sâm phải bỏ việc, trở về quê vì sau đó, đôi chân ngày càng đau nhức. Sâm ra Hà Nội chạy chữa, nhưng bệnh viện chuyên khoa cũng bó tay. Anh trở về làm bạn với chiếc xe lăn.
Chị vợ thương chồng, chạy lên núi, tìm chặt được khúc cây trúc rất đẹp, dựng ở góc nhà, hy vọng cho chồng làm gậy. Sâm lấy hết nghị lực tập đi, sau nhiều năm trời tập luyện, anh cũng rời được xe lăn, chập chững đi bằng cái gậy này. Nồi cơm của hai vợ chồng và hai đứa nhỏ bây giờ nhìn vào cái tiệm tạp hóa và hai sào ruộng. 7 năm đi lặn biển của Sâm đã phải đánh đổi với cái giá khắc nghiệt.
Tiệm tạp hóa của Sâm hằng ngày trở thành nơi cho những nạn nhân của nghề lặn biển ngồi tán chuyện vặt giết thời gian. Gần chục con người trong cái xóm nhỏ này đã gần như không thể lao động nặng được nữa dù tuổi họ chỉ mới hơn 30.
Đối diện với nhà Sâm qua cái ngã ba cổng làng là căn nhà kiêm tiệm tạp hóa nhỏ của Phan Bình. Bình ít hơn Sâm vài tuổi. 6 năm nay, người thanh niên này phải ngồi trên chiếc xe lăn vì đôi chân đã không thể đi lại được. Bình đi lặn từ năm 1993, khi mới 17 tuổi, 5 năm sau thì cưới vợ, thêm 3 năm lặn biển thì gặp tai nạn với triệu chứng ban đầu cũng như Sâm. Bình cũng dốc hết tiền mà mấy năm lặn biển dành dụm được để hy vọng cứu đôi chân; nhưng tiền mất, tật vẫn phải mang.
Thế nhưng Bình vẫn còn may nếu so sánh với số phận của anh Lê Văn Hồng ở xóm bên cạnh (cũng có gần một chục người đi nạng hoặc cà nhắc vì nghề lặn). Hồng cùng lứa tuổi với Sâm và Bình, đi lặn biển từ năm 1992, bị chứng "tê tê" từ 9 năm nay, chạy chữa mãi nhưng không thành. Bây giờ thân thể của người thanh niên 32 tuổi đời này chỉ còn là cái xác bất dịch. Anh liệt nửa người từ ba năm nay, mọi sinh hoạt đều trên chiếc giường nhỏ. Chăm sóc cho đứa con bất hạnh này là hai ông bà cụ đã ngoài 70.
Xã Kỳ Xuân có thể gọi là giàu so với miền quê Kỳ Anh, nơi tận cùng của tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc sống khá giả có được chủ yếu nhờ nghề lặn biển. Để đánh đổi cho những ngôi nhà khang trang, rất nhiều người là đang phải sống trong cảnh chống gậy.
Biển nằm kề bên xã, nhưng để mưu sinh, thanh niên Kỳ Xuân phải vào tận biển tỉnh Bình Thuận để làm nghề lặn bắt sò lông. Người lớn đi lặn, mang về nhiều tiền, làm nhà, mua xe máy, thanh niên mười bảy, đôi mươi thấy vậy cũng đi theo. Lặn biển trở thành nghề truyền thống từ nhiều năm nay của Kỳ Xuân.
Một cán bộ xã nói, thời cao điểm cả xã có trên 400 người đi làm thợ lặn, phần nhiều là thanh niên. Chưa biết nghề thì vào trong đó học, ít bữa là lặn được ngay. Thợ lặn giỏi mỗi tháng cũng kiếm được 4-5 triệu đồng. Để có món tiền này, họ phải ngâm mình trong nước 6-7 giờ đồng hồ mỗi ngày dưới độ sâu 15-20 thước.
Ông Vinh, người trong xã, ngồi bấm đốt ngón tay nhẩm tính và cho biết, trong vòng 15 năm qua Kỳ Xuân đã có 26 người chết vì lặn biển. Họ chết vì ngạt nước do ống dẫn ôxy bị trục trặc, chết vì bị sốc trong khi đang lặn, hay chết vì bị bệnh do cơ thể ngâm nước quá dài ngày... Tai họa luôn chực chờ, thế nhưng người ta vẫn phải kéo nhau đi lặn, vì mưu sinh.
(Theo Thanh Niên)