Trong tâm trạng thoải mái, bình thản, cô H. (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) trình bày trước tòa rằng, cô và người chồng ngoại quốc "rất thương yêu nhau" dù trước đó cả hai chỉ "tìm hiểu nhau qua điện thoại". Cũng theo H., sau tiệc cưới, hai vợ chồng có kỳ nghỉ trăng mật nửa tháng ở Hà Nội. Tuy nhiên, từ chuyến "đi chơi chung" này "thấy không hợp" nên chàng nhanh chóng về nước còn nàng làm đơn ra tòa xin ly dị.
![]() |
Hôn nhân chỉ có thể bền vững khi được xây dựng trên một tình yêu chân thật. |
Cuộc hôn nhân chỉ đơn giản là thế nhưng thực tế lại có hàng nghìn cuộc tình như kiểu của H. tại các phiên xử những vụ án ly hôn của TAND TP HCM. Đơn cử như, phiên tòa sáng 20/3/2005, tòa xử tới 5 vụ ly hôn, mà phần hỏi đáp diễn ra chỉ vỏn vẹn trong vòng vài phút. Cộng thêm phần phát biểu tranh luận của những người liên quan và thời gian nghị án, toàn bộ một phiên tòa chỉ mất khoảng 30 phút.
Ngắn vậy thôi, bởi không có gì để có thể dài hơn được nữa.
- Bà cho biết đã quen ông A. được bao lâu thì đi đến hôn nhân?
- Dạ, ba tháng.
- Làm sao bà quen?
- Do một người bạn giới thiệu.
- Trước đó bà có biết gì về ông ấy không?
- Dạ hoàn toàn không.
- Bà có giao tiếp được với ông A. không?
- Dạ không, nhờ người phiên dịch.
- Bà và ông A. sống chung được bao lâu?
- Dạ ba tháng.
- Lý do bà xin ly hôn?
- Em thấy tính tình không hợp, sống không hạnh phúc...
Đó là những câu hỏi đáp thường diễn ra ở một phiên tòa xử ly hôn giữa vợ là người Việt Nam và chồng ngoại quốc. Chỉ thay đổi một vài chi tiết như tên chồng, tên vợ, có con hay chưa. Những con số có thể xê xích nhau chút ít, tuổi của các cô có thể là 20, 21, 22..., tuổi các ông có thể 30, 40, 60... Thời gian sống chung có thể là ba tháng, một năm, thậm chí chỉ vài ngày. Thế thôi! Những điều còn lại thường không có gì khác nhau.
Ngay chính các nguyên đơn cũng chẳng muốn nói gì nhiều. Họ vội vàng, gấp gáp, né tránh nhiều câu hỏi của hội đồng xét xử và chỉ mong nhanh chóng được nghe những lời tuyên án "chấp thuận cho bà... và ông... được ly hôn". Bởi với họ, khi bước ra khỏi phiên tòa, là đã thoát được "gánh nợ", cuộc đời mới sẽ chào đón họ ở phía trước, còn những tháng ngày qua chỉ như cơn gió thoảng.
Một thẩm phán chuyên ngồi xử những vụ án ly hôn của tòa thành phố cho biết, "đôi khi thấy buồn với nghề". Phiên tòa nào cũng thế, hỏi một, hai câu rồi chẳng biết gì để hỏi nữa bởi vụ nào cũng giống nhau. Hỏi nữa đâm ra "cắc cớ" mà cũng chẳng giải quyết được gì.
Cũng theo bà, phần nhiều những cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc đều có trình độ văn hóa thấp, không có khả năng sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài. Họ thường không có việc làm ổn định, không thể tự nuôi sống bản thân mà chỉ có tuổi trẻ và chút nhan sắc ưa nhìn. Qua người "mối lái" họ quen nhau rồi vội vã, chóng vánh kết hôn. Nhiều người coi chuyện kết hôn như một giải pháp cho cuộc sống, thực hiện những toan tính vụ lợi vật chất... nhưng họ không hề nghĩ đến những bi kịch đau đớn mà mình phải gánh chịu về sau.
Thực tế, tại những phiên xử cho thấy, các cô gái trẻ ly hôn với người nước ngoài thường thuộc hai nhóm. Một là kết hôn vì mục đích để được bảo lãnh đi nước ngoài, nhưng sau đó không đạt được, việc bảo lãnh bị trục trặc nên họ ly hôn để đi lấy chồng khác. Hai là các cô lấy chồng vì mục đích kinh tế, sau khi không hòa nhập được với cuộc sống ở quê chồng thì bỏ về Việt Nam và xin ly hôn.
Bà thẩm phán tâm tư, những phiên xử ly hôn thì ít khi nào vui, nhưng những vụ ly hôn như thế này, tòa vừa tuyên chấp thuận xong là các cô thiếu điều reo lên, bay ra khỏi phòng... Ở họ chỉ có sự nhạt lẽo, lạnh lùng, bởi họ xem hôn nhân như một cuộc dạo chơi.
S.N.