Ảnh mang tính minh hoạ. |
Người vợ tìm đến gia đình cô nhân tình của chồng, mới hay là cô ta vẫn sống chung với cha mẹ. Anh ta đi đi về về, sống 2 nơi, coi như chuyện được chấp nhận.
Khi hai người phụ nữ gặp nhau, cứ ngỡ là sự bùng nổ sẽ ghê gớm lắm. Nhưng người vợ, vốn là người có học, xưa nay hiền lành, chỉ trao đổi rất mềm mỏng. Ngược lại, cô vợ hờ, vừa trẻ đẹp hơn vừa có ưu thế là được yêu, đã lớn tiếng với người vợ thật. Vậy mà anh chồng chẳng thấy có gì chướng cả. Thế mới biết, khi người ta đã si mê rồi thì “ngu” tới cỡ nào!
Táng tận hơn nữa, chồng lợi dụng sự tử tế của người vợ, tìm cách tiến hành ly hôn. Căn nhà hai vợ chồng đang ở, tuy là của gia đình chồng cho, nhưng bao lần sửa chữa, xây dựng lại bằng tiền do người vợ buôn bán, vay mượn đắp vào. Của chồng công vợ! Nay anh ta đưa ra lý do hợp pháp chính đáng: Đó là của cải cha mẹ anh ta để lại. Và người vợ xác nhận điều đó.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn, trước pháp luật, họ thuận tình ly hôn, không tranh chấp tài sản. Đứa con không thể ở với mẹ, vì mẹ ra đi tay không, không nhà cửa. Nó về sống với ông bà nội.
Sau một “giấc mơ dài” chìm đắm trong cuộc hôn nhân, nay tỉnh ra thì chị chỉ còn tay trắng, đành phải đi thuê nhà ở một mình.
Vì sao chị lại hành xử như vậy? Sao không biết đấu tranh cho quyền lợi của mình? Họ hàng hai bên đâu? Vì sao người chồng lại xấu xa đến cỡ ấy? “Thế mới biết văn minh phương Tây hơn hẳn. Khi ly dị, nếu một trong hai người gặp khó khăn, người kia vẫn phải có nghĩa vụ trợ giúp. Đó là luật. Ngoài ra vợ chồng vẫn gặp nhau trao đổi về con cái, vẫn thăm nom nhau”. Một số người nhận xét như thế và cay đắng phát hiện rằng “nhân văn Việt Nam” vốn rất tốt đẹp, nay lại “hiện hữu” những con người bằng xương bằng thịt, tệ hại khó ngờ! Nhưng vấn đề không phải chỉ dừng ở chỗ than thở. Mọi người đã hành động như thế nào?
“Đến cơ quan hắn mà tố cáo. Hắn đang lên như diều. Bề ngoài, ai cũng nghĩ hắn đàng hoàng. Chuyên môn giỏi, kiếm ra tiền, không làm mất lòng ai. Thế mà bà cứ nai lưng ra chịu đựng, giấu giếm cho lão” - Một người bạn hiến kế - “Phải làm cho mọi người biết bộ mặt thật của hắn!”.
Nghe cũng phải đấy! Nhưng người bạn khác lại phân tích: “Chẳng làm gì được lão ta hết? Ở công ty, lão chẳng gây chuyện gì. Nay lại có đủ giấy tờ ra tòa giải quyết ly dị đàng hoàng. Bây giờ, các công ty, người ta đau đầu vì đấu thầu, vì tiếp thị, vì ký hợp đồng... có ai để ý đến việc riêng của ai, thậm chí có những kẻ nịnh nọt gian dối, thao túng quyền lực, ăn cắp, hối lộ mà cũng chẳng thể làm gì nổi”.
Bí quá, tất cả quay lại lên án người vợ. Xách vali về nhà mẹ đẻ, người chị gái xưa nay sống độc thân thấy em về tay không thì la mắng: “Sao mày ngu quá!”.
Các anh chị ở nước ngoài vừa gởi tiền cứu trợ vừa than thở rằng họ cũng phải dành dụm từng đồng, phải đi làm móng, uốn tóc, rửa chén, bán hàng căng thẳng và cực lực mới kiếm ra tiền. Nay lòi ra biến cố, họ phải gánh vác thêm một trách nhiệm.
Chỉ có người bạn gái thân tìm đến: “Nếu mày bí quá thì về nhà tao ở vậy”. Tấm lòng quý hóa thì đã rõ, nhưng chẳng lẽ cứ nhờ vả người ta mãi được sao?
Cuộc đời có những tình huống thật bất ngờ. Cao thượng, không quyết liệt đấu tranh giành quyền lợi, trở về con số 0 tại điểm xuất phát ban đầu.
Có lẽ người vợ ấy đủ nếm trải để thấy rõ cuộc đời đã đối xử với người thua cuộc như thế nào. Người thua cuộc là kẻ ngu xuẩn, yếu hèn. Còn người thắng cuộc, như anh chồng nọ vẫn đang lên, vẫn là hình mẫu của đời sống hiện đại vì hắn đã thắng! Đây là thời của những người thành công?.