
Tấn Minh và Hải My gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2016 trong một lần đi chơi cùng hội bạn chung. Khi ấy, cả hai cùng chơi xe điện cân bằng ở đường Nguyễn Huệ (TP HCM). Vì My không biết chơi nên Minh đã cầm tay hướng dẫn cô. Nhờ cái nắm tay ấy mà My biết đó là một nửa mà cô mong ngóng bấy lâu. Còn trái tim Minh thì đã loạn nhịp kể từ khi nhìn thấy nụ cười của cô nàng. Cũng vào năm đó, uyên ương đi Nha Trang cùng bạn bè và thuê thuyền ra đảo câu mực. Khi ấy, trời trong và xanh, Minh đã ngỏ ý muốn My trở thành bạn gái của mình. Đến khi quay trở lại đất liền, cả nhóm gặp cơn bão, Minh đã ôm chặt để bảo vệ My và may thay cả nhóm đã cập bến an toàn. Sau đó, chuyện tình của hai người thuận đà phát triển theo năm tháng.

Dựa trên câu chuyện tình yêu của uyên ương 9X, wedding planner đã lên ý tưởng đám cưới là một hành trình mà hai người yêu nhau vượt qua giông bão và sau đó cỏ cây đâm chồi nảy lộc với tên gọi 'The 10th Clover' . 'Tôi gợi ý cho vợ chồng trẻ đem hình ảnh của cỏ bốn lá vào đám cưới vì loài cây này mang ý nghĩa cát tường (điều may mắn) trong nền văn hóa Trung Quốc - quê hương của uyên ương. Bên cạnh đó, tôi còn dựa theo câu chuyện về hai người tìm thấy 10 cây cỏ bốn lá sẽ có được hạnh phúc mãi mãi (trong cuốn tiểu thuyết Và em sẽ đến cùng cơn mưa) cùng phong cách nội thất Chinoiserie để sáng tạo không gian tiệc cưới độc nhất', đại diện wedding planner cho hay.

Những món đồ nội thất, trang trí theo phong cách Chinoiserie - Trường phái Trung Hoa được sử dụng để gợi nhắc về nguồn cội của uyên ương. Xu hướng này ra đời vào thế kỷ 18 khi việc giao thương giữa các nước châu Âu và Trung Hoa nở rộ, có điểm nhấn là phong cảnh hoa lá lấy cảm hứng từ họa tiết gốm sứ Trung Quốc. Tuy có nguồn gốc từ văn hóa mỹ thuật gốm sứ Trung Hoa nhưng Chinoserie lại được tạo ra và áp dụng rộng rãi ở châu Âu, đặc biệt là Anh Quốc. Nét phương Đông truyền thồng được hòa trộn với tư duy thẩm mỹ phương Tây đã trở thành phong cách có sự hòa hợp độc đáo, bí ẩn và thập phần quyến rũ.

Bảng màu hôn lễ là xanh nước biển, xanh lá cây (cỏ bốn lá), vàng chanh (màu hoa), màu ngà, màu nâu sô-cô-la. Từ khi lên ý tưởng cho tới khi hoàn thiện hôn lễ, cô dâu chú rể và wedding planner đã mất tới hơn một năm chuẩn bị, trong đó có đến 6-7 tháng để thi công, chỉnh sửa bổ sung.

Bánh quy được phủ kem trắng và được tô điểm bởi tên của hai vợ chồng. Để chuẩn bị cho đám cưới này, wedding planner đã phải dày công nghiên cứu về phong cách Chinoserie để kết hợp hài hòa với hình ảnh cỏ bốn lá. 'Ekip gặp nhiều khó khăn, áp lực từ khi lên ý tưởng thiết kế bởi trên thế giới gần như không có tư liệu trang trí đám cưới với cỏ bốn lá. Chúng tôi đã chỉnh sửa 2 lần về ý tưởng cho tới khi cô dâu chú rể thống nhất về phối cảnh', đại diện ekip cho biết.

Toàn bộ các đồ gốm sứ Trung Hoa xuất hiện trong hôn lễ đều do wedding planner lên ý tưởng thiết kế và đặt xưởng gốm sản xuất riêng.

Phong vị phương Đông Chinoserie có sự xuất hiện mềm mại, uyển chuyển của những cành cây, chùm hoa và được điểm thêm nét sinh động của những chú chim nhỏ cất lên lời ca tiếng hát.

Các sản phẩm gốm sứ được lược bỏ những chi tiết uốn lượn cầu kỳ và chỉ giữ lại những đặc điểm tượng trưng như tay nắm hay viền trang trí mang màu sắc Trung Hoa. Có thể nói rằng, Chinoserie của thời hiện đại là sự hòa trộn của ấn tượng phương Đông trên nền phong cách nội thất cổ điển Mid - Century phương Tây và màu sắc tươi mới cùng họa tiết hoa lá.

Ảnh cưới của uyên ương được đặt bên ngoài sảnh tiệc với sự xuất hiện của cỏ bốn lá, hoa hồng trắng, vàng và hoa thiên điểu.

Thay vì thảm đỏ thông thường, lễ đường được trang trí bởi thảm mang phong cách Chinoserie chủ đạo của đám cưới.

Wedding planner xếp dọc hai bên lối đi là hình ảnh 9 cây cỏ bốn lá còn cây thứ 10 được đặt tại sân khấu chính giữa của sảnh tiệc. Sự sắp đặt trên tượng trưng cho hành trình tìm kiếm hạnh phúc của uyên ương.

Bánh cưới của hai vợ chồng có màu trắng và 5 tầng bánh đều được tô điểm bởi cỏ bốn lá.
Hằng Trần
Concept & Planning: By Kiet Honey Wedding Planner & Decoration
Photo: Nguyễn Quốc Huy