Ông Thiều Vinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Ban quản lý khu di tích lịch sử đền Hùng di dời hòn đá lạ ra khỏi khu di tích. Lãnh đạo khu đã báo cáo UBND tỉnh hoàn tất việc di dời vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, hòn đá đã mang đi đâu thì không ai được biết. Theo Ban quản lý di tích đền Hùng, người đặt viên đá vào đền là ông Nguyễn Minh Thông đã nhận lại hòn đá.
Hòn đá ở Đền Hùng được cơ quan chức năng khẳng định là đạo bùa tốt. |
Tuy việc di dời 'hòn đá lạ' ra khỏi đền Hùng đã hoàn tất, song một số nhà nghiên cứu vẫn lo ngại sức ảnh hưởng của nó vì cho rằng đây là đạo bùa xấu.
Tại buổi tọa đàm của một số chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam sáng 6/6, nhà nghiên cứu Phạm Thức cho rằng, hai lá bùa vẽ trên hai mặt của hòn đá đặt tại đền Hùng có xuất xứ từ Trung Quốc và hình vẽ không phải là hình đồ bát quái của Đức Thánh Trần như trong giải thích của những người có liên quan trước đó. Nội dung các chữ Hán, chữ Phạn vẽ trên lá bùa khác với nội dung đã được giải thích, cũng không phải để tăng độ linh cho Phật và cho đức Thánh Trần.
Ông Phạm Thức khẳng định, trong hai lá bùa, lá thứ nhất hoàn toàn mưu cầu lợi ích cá nhân, người đặt bùa cầu trời cho mình được giải trừ bách nạn, cầu quan chức, chứ không phải cầu cho quốc thái dân an. Lá bùa thứ hai mang ý nghĩa địa chính trị, cần phải phá hủy ngay. "Lá bùa đặt vào thì dễ, bỏ nó ra không dễ chút nào, nếu không khéo tác hại khó lường. Cần giải bùa, di dời và tiêu hủy nó", ông Thức nói.
Các nhà nghiên cứu kiểm tra năng lượng các chữ viết trên hòn đá lạ ở đền Hùng. |
Đại tá Lê Thanh Diệu đồng thời là nhà nghiên cứu tâm linh cho rằng, hòn đá ở đền Hùng có năng lượng xấu nên cần giải trừ bùa yểm. Do vậy, ngoài những chữ viết bên ngoài hòn đá như các nhà nghiên cứu đã phân tích cần phải xác định yếu tố tâm linh phía trong hòn đá.
Tùng Dương