Theo Bloomberg, hàng chục nghìn hộ gia đình Trung Quốc mua những khoản đầu tư lợi nhuận cao của Evergrande đang có nguy cơ mất trắng nếu gã khổng lồ này sụp đổ. Tuần qua, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc không thể thanh toán lãi với các khoản vốn được bán thông qua hệ thống ngân hàng "ngầm", để thu hút hàng tỷ USD cho các dự án xây dựng. Hiện Evergrande không thể trả khoản thanh toán 40 tỷ NDT (6,2 tỷ USD) cho các sản phẩm đã bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này dấy lên tâm lý giận dữ và kéo theo làn sóng biểu tình trên toàn quốc, gây áp lực cho Bắc Kinh trong việc tìm ra giải pháp tránh bất ổn cho thị trường tài chính.
Bom nợ Evergrande đang đếm ngược từng ngày khi hãng phải nhanh chóng hoàn trả các khoản thanh toán cho những nhà đầu tư này. Trong quý IV, công ty phải trả các khoản thanh toán cho 1,8 tỷ USD sản phẩm có lợi suất cao đã được bán thông qua quỹ tín thác cho khách hàng, tổ chức giàu có. Theo nhà cung cấp dữ liệu Use Trust, 4 tỷ USD nữa sẽ đến hạn năm tới.
Lo ngại về rủi ro bất ổn tài chính, chính phủ Trung Quốc thúc giục Evergrande nhanh chóng trả nợ. Trong cuộc họp gần đây, các nhà quản lý yêu cầu tập đoàn này hoàn thiện các dự án nhà ở còn dang dở và trả nợ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời ngăn chặn tình trạng vỡ nợ với trái phiếu USD. Trong khi đó, tuần trước, Chủ tịch Evergrande, Hui Ka Yan, trấn an nhân viên rằng công ty sẽ hoàn trả các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với hơn 300 tỷ USD nợ phải trả và dòng tiền đang cạn kiệt, không rõ tỷ phú Hui làm cách nào để thực hiện lời hứa trên. Evergrande đã bỏ hạn thanh toán bằng phiếu coupon trị giá 83,5 triệu USD cho số trái phiếu trị giá 2 tỷ USD đáo hạn vào tháng 3. Evergrande cũng bị hạn chế khi sử dụng các tài khoản ngân hàng của mình, bởi giới chức yêu cầu công ty này sử dụng tiền mặt hoàn thiện các dự án nhà ở, không phải trả nợ cho các chủ nợ. Sự phụ thuộc của Evergrande vào quỹ tín thác và các sản phẩm quản lý tài sản khác bắt đầu tăng lên sau khi các ngân hàng được chỉ đạo cắt giảm khoản cho vay với lĩnh vực bất động sản.
Cuối năm 2019, Evergrande hợp tác với hầu hết 68 quỹ tín thác ở Trung Quốc, chiếm 41% tổng số vốn của họ. Tuy nhiên gần đây, các quỹ tín thác giảm mức độ tiếp xúc với các công ty bất động sản. Các quỹ tín thác đã bán trước hạn trái phiếu một số công ty bất động sản với trị giá 201 tỷ NDT nửa đầu năm nay.
Khi các quỹ tín thác "rút" dần khỏi lĩnh vực bất động sản, Evergrande bắt đầu tìm cách thu hút vốn từ những nguồn khác, bán các sản phẩm tài chính có lợi suất cao cho nhân viên, người mua nhà và những bên khác. Số tiền này không được Evergrande liệt kê trong hồ sơ theo quy định và tiếp tục thực hiện các khoản vay ngoài sổ sách. Khi cổ phiếu và trái phiếu công ty giảm giá, Evergrande đưa ra chỉ thị rõ ràng cho nhân viên: tìm người mua các sản phẩm lợi suất cao của công ty hoặc bị đuổi việc.
Nhiều nhân viên Evergrande không chỉ mua sản phẩm đầu tư này cho bản thân mà còn khuyến khích người nhà và bạn bè tham gia. Một chương trình thăng chức được gửi tới nhân viên công ty ở tỉnh Liêu Ninh vào tháng 7 có các mục tiêu bán hàng: 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD) mỗi nhân viên. Hai tháng sau, cả nhân viên và nhà đầu tư Evergrande vô cùng tức giận khi công ty không hoàn trả lãi các khoản thanh toán cho những sản phẩm đó, một số có lãi suất tới 10%. Họ đã tổ chức biểu tình bên ngoài trụ sở chính công ty này ở Thâm Quyến giữa tháng 9.
Ông Hu, người Hà Nam đi tàu suốt 20 giờ để tham gia cuộc biểu tình ngoài trụ sở Evergrande ở Thâm Quyến, cho biết anh đã đầu tư 100.000 nhân dân tệ sau khi được nhân viên Evergrande mời chào. Khi nhận được khoản lãi 7%, anh đã đi vay một khoản để tăng đầu tư của mình lên 800.000 nhân dân tệ. Hu, 31 tuổi, lo lắng mình không lấy lại được tiền và quyết định ở lại Thâm Quyến để đòi nợ.
"Ngay cả khi về nhà bây giờ, tôi không thể ngủ ngon và ăn ngon", Hu nói. "Tôi có thể ở lại đây và hỗ trợ những người biểu tình khác".
Hui Ka Yan từng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, thành lập một đơn vị đầu tư riêng biệt có tên Evergrande Wealth năm 2015 để tìm kiếm nguồn vốn mới cho các lĩnh vực kinh doanh đa ngành, từ chung cư đến xe điện và nước đóng chai.
Evergrande Wealth được biết đến là một công ty quản lý tài sản độc lập, nằm trong "ngóc ngách" ít được kiểm soát nhất hệ thống ngân hàng "ngầm" của Trung Quốc. Do phần lớn không bị ảnh hưởng bởi quy định kiểm soát cho vay, ngành này trở thành nguồn tài trợ chính cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang thiếu tiền bằng cách bán sản phẩm lãi suất cao cho nhà đầu tư giàu có. Evergrande tận dụng các quy định lỏng lẻo đó, bán sản phẩm đầu tư cho khoảng 70.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ, yêu cầu tổ chức hoặc cá nhân có ít nhất 1 triệu nhân dân tệ để đầu tư.
Ông Wang, một nhà đầu tư cá nhân của Evergrande đã ở Thâm Quyến được hai ngày, nói ông không thể chịu đựng khi phải kể cho cha mẹ già của mình những gì đã xảy ra. Ông không còn quan tâm đến các khoản thanh toán lãi suất cho sản phẩm tài chính đã mua của Evergrande và chỉ hy vọng lấy lại được khoản đầu tư 100.000 nhân dân tệ. Khi được hỏi về các giải pháp gỡ nợ mà Evergrande đưa ra, bao gồm chiết khấu cao cho các sản phẩm bất động sản hoặc trả tiền mặt chậm trong vòng 30 tháng, Wang lẩm bẩm: "Đó lại là một trò lừa đảo".
Sơn Nam (Theo Bloomberg)