Tại Hà Nội, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và nhiều vị lãnh đạo Đảng, nhà nước đã có mặt rất sớm tại các đơn vị bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
![]() |
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh bỏ phiếu tại phường Quán Thánh, Hà Nội. |
Trao đổi với báo ngay sau khi bỏ phiếu tại phường Nguyễn Du, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói: "Tôi rất phấn khởi vì cuộc bầu cử lần này được tổ chức kỹ, không khí dân chủ, bà con vui mừng nên đến rất sớm. Mấy hôm trước trời mưa, nhưng hôm nay thời tiết đã ủng hộ, trời rất đẹp".
Với tư cách một công dân, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết, mong muốn Quốc hội khóa 12 tiếp tục đổi mới theo hướng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn, kế thừa và phát triển tốt việc thực hiện nhiệm vụ Quốc hội khóa trước.
Từng tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 1946, năm nay ông Trần Thế Mỹ đã bước sang tuổi 81. Tuổi cao, đi lại chậm chạp, nhưng ông Mỹ đã đến rất sớm điểm bỏ phiếu 58 Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
"11 lần đi bầu cử, tôi thấy cuộc bầu cử lần này dân chủ hơn, người dân đã hiểu luật, thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc bầu ra người đại diện cho mình. Trong các cuộc tiếp xúc với ứng cử viên, cử tri tìm hiểu kỹ chương trình hành động của ứng cử viên, đồng thời yêu cầu phải cụ thể, thực chất, chứ không chung chung", ông Mỹ nói.
Sau nhiều ngày nghiên cứu ứng cử viên trong đơn vị bầu cử số 2 của thành phố Hà Nội, cụ ông 81 tuổi này cho biết, ông ưu tiên chọn 3 người có quá trình cống hiến với đất nước và đã ghi được những thành quả nhất định. Hy vọng khi đã là đại biểu, họ vẫn thường xuyên học tập, chịu khó rèn luyện, cập nhật thông tin để nâng tầm trí tuệ, đáp ứng với yêu cầu mới khi Việt Nam là thành viên WTO.
Theo quy định, tổ trưởng tổ bầu cử mời đại diện cử tri có mặt tại phòng bỏ phiếu chứng kiến việc kiểm tra hòm phiếu. Khi kiểm tra không có phiếu ở trong, hòm phiếu được niêm phong, công tác bầu cử bắt đầu. Việc bỏ phiếu tại hơn 120.000 tổ bầu cử trên cả nước sẽ kết thúc vào 19h.
Theo quy định, chỉ trường hợp cử tri tàn tật, già yếu, ốm đau không tự mình viết được phiếu bầu thì pháp luật cho phép nhờ người khác viết hộ và nhờ người khác bỏ vào hòm phiếu. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề nghị, người dân cần thực hiện quyền bầu cử của mình, không nhờ bầu hộ.
Theo Hội đồng bầu cử trung ương, trong số hơn 870 ứng cử viên, có 290 người nữ, 726 đảng viên. Đặc biệt, so với kỳ bầu cử Quốc hội khóa 11, số ứng cử viên tự do đã tăng lên 30 người, tập trung nhiều nhất tại TP HCM (7), Hà Nội (6). Đăk Lăk, Hà Tây, Hà Tĩnh mỗi tỉnh có 2 ứng cử viên tự do.
Tổng số ứng cử viên dưới 41 tuổi là 230, trong đó Nghệ An dẫn đầu với 11 người, tiếp theo là Hà Nội và Lâm Đồng, mỗi địa phương 7 người. Ứng cử viên trên 65 tuổi có 20 người, từ 61 đến 65 tuổi có 18 người. Trong đó TP HCM có 8 ứng cử viên trên 61 tuổi.
Người trẻ nhất ứng cử là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh ngày 20/4/1983, nhân viên Trung tâm điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh Thái Bình. Ứng cử viên cao tuổi nhất là Giáo phẩm Hòa thượng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Thanh Tứ (tức Trần Văn Long), sinh năm 1927.
(Theo VnExpress)