Ông Lê Đại Dương, giám đốc Công ty TNHH Sao Vàng, cho biết: “Việc hàng loạt công nhân đình công không được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật (không thông qua tổ chức công đoàn công ty), nên có thể coi đây là hành vi tự ý nghỉ việc. Và theo luật định, năm ngày nghỉ tự do thì công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người đến hôm nay vẫn không chịu đi làm”.
Trước đó vào sáng 21/2, ông Dương đã phải ra trước cổng trực tiếp đối thoại với hàng nghìn công nhân, song vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Ông Dương thông báo công ty vẫn chỉ đồng ý tăng thêm 80.000 đồng cho lương cơ bản và những ngày đình công (17, 18, 20/2) sẽ được tính vào phép năm 2006, riêng ngày 21/2, công nhân nào không đi làm sẽ coi là nghỉ không lý do.
Tuy nhiên, phía công nhân không chấp nhận với mức lương trên. Công nhân chất vấn: nếu công ty Sao Vàng là doanh nghiệp trong nước thì tại sao công nhân các bộ phận lại chịu sự điều khiển trực tiếp của người nước ngoài; khi tổ trưởng, ca trưởng đề nghị tăng lương cho công nhân lại phải những người chủ quản nước ngoài đồng ý thì mới được.
Ông Dương lý giải, Công ty Sao Vàng thực hiện gia công cho đối tác Stella (Đài Loan) từ năm 2000 nên, đã thuê hơn 100 chuyên gia của họ quản lý. Vì thế, mọi việc tăng bậc lương, giám sát kỹ thuật đều phải tham khảo ý kiến của người nước ngoài. “Việc thuê chuyên gia này cũng giống như đội tuyển bóng đá quốc gia thuê huấn luyện viên và trợ lý nước ngoài”, ông Dương ví von.
Tuy nhiên theo điều tra của Tuổi Trẻ, việc duyệt bảng chi trả lương cho công nhân lại do chính đối tác đặt hàng là Công ty Stella Foot Wear tiến hành. Trong một số bảng lương của các bộ phận mà chúng tôi có được thì không hề có chữ ký của giám đốc nhà máy (Sao Vàng) mà chỉ có chữ ký của chủ quản, điều hành người nước ngoài cùng ông Chu Chao Ming đại diện điều hành của Stella (Đài Loan).
Có mặt tại khu nhà trọ lúp xúp tại thôn Văn Tràng (xã Trường Sơn, An Lão), chúng tôi chứng kiến cảnh hơn chục nữ công nhân sống trong căn phòng ẩm mốc, tối tăm vỏn vẹn 12 m2.
Nữ công nhân L. (quê Hải Dương) làm việc hơn ba năm trong bộ phận may (Công ty Sao Vàng) cho biết: "Hiện tại lương cơ bản của cô chỉ có 420.000 đồng/tháng, cộng thêm các khoản khác (chuyên cần, kỹ năng, tăng ca) mới chỉ được xấp xỉ 600.000 đồng/tháng. Sau khi trừ đi các khoản (bảo hiểm xã hội, y tế; công đoàn; tiền ăn ca) cô chỉ còn hơn 500.000 đồng.
Nhưng nếu nghỉ tự do một ngày thì không chỉ bị cắt tiền lương cơ bản ngày đó, mà tất cả các khoản khác trong tháng đều bị mất, riêng tiền kỹ năng thì bị trừ ba tháng liền (tính trung bình mỗi công nhân sẽ bị mất 150.000-200.000 đồng nếu nghỉ tự do một ngày). L. cho biết: với hình thức “kỷ luật” trên thì phần lớn các công nhân ở đây đều khó thoát khỏi “cửa tử” này.
Và vì thế trong khi thời giá leo thang, tiền nhà trọ mất 50.000 đồng, ăn uống, chi tiêu tằn tiện cô cũng chẳng còn đồng nào để gửi về gia đình. Trong khi bạn trọ của L. đang làm công việc như cô ở công ty cạnh đó thì được trả lương cơ bản là 710.000 đồng/tháng. Chính vì vậy, hàng ngàn công nhân của Công ty Sao Vàng đã đình công dài ngày, đấu tranh đòi tăng lương.
Sáng 21/2, hơn 1000 công nhân làm việc tại nhà máy giầy da (chi nhánh của Công ty TNHH Sao Vàng) tại thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) cũng đồng loạt đình công đòi tăng lương. Ông Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí đã chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp tổ chức đối thoại với công nhân, để giải quyết vấn đề ngay sau đó.
Song cho đến chiều qua việc đối thoại vẫn không được tiến hành và công nhân đã bỏ về hết. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, đến hôm nay hàng nghìn công nhân nhà máy vẫn tiếp tục đình công.
(Theo Tuổi Trẻ)