Theo thống kê của Reuters thu thập từ báo cáo chính thức của các chính phủ, đến ngày 25/4, số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới là 200.000 người, chỉ 16 ngày sau khi số người chết vì căn bệnh này vượt 100.000. Trước đó 91 ngày, ca tử vong đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 10/1.
Trên toàn cầu, số ca nhiễm đã vượt 2,8 triệu và dự đoán sẽ chạm mốc 3 triệu trong vài ngày tới, trong khi số người chết là 200.000. Kể từ khi khởi phát ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, Covid-19 hiện đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Đến sáng 25/4, Mỹ ghi nhận hơn 52.400 ca tử vong, trở thành vùng dịch chết chóc nhất thế giới, trong khi tại Italy, Tây Ban Nha và Pháp, số người chết vì nhiễm nCoV là từ 22.000 đến 26.000 ca. Mỹ hiện cũng là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 934.000 ca nhiễm.
Bộ Y tế Anh hôm nay thông báo nước ngày ghi nhận hơn 20.000 người chết vì nCoV tại các bệnh viện. Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel mô tả con số này là một "cột mốc bi thảm và khủng khiếp" và cho hay "toàn bộ quốc gia đang đau buồn". Do số liệu được ghi nhận ở Anh hằng ngày không bao gồm cả những người chết tại nhà hoặc các nhà dưỡng lão nên con số thực tế chắc chắn còn cao hơn.
Trong số 20 quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19, Bỉ là nước có số người tử vong trên đầu người cao nhất, với tỷ lệ cứ trong 10.000 người lại có 6 người thiệt mạng, so với 4,9 ở Tây Ban Nha và 1,6 ở Mỹ.
Châu Á và Mỹ Latin đều ghi nhận hơn 7.000 ca tử vong, trong khi số người chết ở Trung Đông đã đạt 8.800 ca. Tại châu Phi, 1.350 người đã thiệt mạng vì nCoV.
Đầu tuần này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhấn mạnh có xu hướng tăng dần lên trong các ca liên quan đến Covid-19 tại các quốc gia ở châu Phi, đông Âu, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Theo ông Ghebreyesus, trong khi hầu hết khu vực Tây Âu tình hình dịch Covid-19 dường như đã ổn định hoặc có dấu hiệu giảm, với nhiều quốc gia dịch bệnh mới chỉ bắt đầu.
Hướng Dương (Theo Reuters, BBC)