Căn phòng lạnh
9 tuổi, tôi bị gọi là trẻ mồ côi, khái niệm căn phòng khi đó là một điều không tưởng, nó không dành cho những đứa trẻ sống bụi đời. Ngày ấy, những nơi tôi ở qua đêm đều chưa được gọi là "chỗ trở về", mà chỉ đơn thuần là chỗ ngủ, hôm nay nơi này, ngày mai sẽ là nơi khác.
Khi đã là diễn viên, được là người của công chúng, tôi đã có thể tìm cho mình một căn phòng theo đúng nghĩa "chỗ trở về". Nhưng nơi đó không tự nó mang ý nghĩa là mái ấm. Đi diễn về, tôi cứ thấy căn phòng vắng ngắt, có thể do tôi nhạy cảm nhưng căn phòng ngày đó lạnh quá, tôi không ngủ được. Thế là sau mỗi đêm diễn, bao giờ tôi cũng rủ anh em đi nhậu, uống cho thật say để về đến nhà chỉ ngủ vùi cho đến sáng.
![]() |
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. |
Sáng lại đi tập vở. Ngày ấy diễn là một cách giúp tôi thoát khỏi nỗi cô độc trong mình. Tôi say những đêm diễn, càng diễn càng say. Chưa bao giờ đêm diễn sau nhạt hơn đêm diễn trước vì thiếu cảm xúc.
Căn phòng chết
Rồi tôi phát bệnh. Từ những cơn đau, tôi nhìn lại đời mình. Gần 50 tuổi vẫn không vợ, không con, không người thân thiết. Tôi thấy mình không có lý do gì để phải chịu đựng cơn đau này. Tôi muốn chết!
Tôi cắt sợi dây truyền hình cáp, móc lên cao, bắc ghế, rồi tròng cổ mình vào. Ngay lúc tôi đạp ngã chiếc ghế, sợi dây cáp vừa kịp xiết chặt vào cổ thì tôi nghe một tiếng "phựt". Sợi cáp đứt. Tôi rơi xuống sàn. Đau và biết mình chưa được chết.
Một lần khác cũng trong bệnh viện, tôi nằm giữa bao nhiêu là dây dợ và đang truyền dịch thì mất điện. Xung quanh và bóng đen, xòe bàn tay mình ra không thấy. Trong lúc người ta hốt hoảng, quáng quàng đến xao xác thì tôi lại thấy thanh thản đến không ngờ. Cái bóng đêm mở ra như giờ của tôi đang đến. Tôi muốn nhìn lại cuộc đời mình. Tôi nghĩ đến bạn bè, những anh em nghệ sĩ, những sự quan tâm của mọi người đã dành cho tôi... Tôi thấy hài lòng và mơ hồ như chờ đợi.
Căn phòng vắng
Qua cơn nguy biến, tôi trở về nhà. Tôi không hiểu nhờ đâu mà mình còn sống cũng như không thể nhớ được người ta đã tiêm cho mình những thứ thuốc gì. Tôi đã bị mê man và bây giờ tôi chỉ còn nhớ về những giấc mơ. Thật nhiều những giấc mơ. Có giấc mơ tôi thấy rất đông trẻ con, chúng đang vui trong một ngày hội, cái niềm vui mà suốt tuổi thơ tôi chưa bao giờ có được. Rồi tôi mơ thấy những hiển linh, kể ra khó có thể tin được.
Và tôi còn thấy mình bay là là trên mặt đất, qua đồng cỏ, sông suối... Tôi không thắc mắc hay cố lý giải những giấc mơ, nhưng không thích những ảo giác thật và mơ lẫn lộn. Tôi muốn mình tỉnh táo, muốn mình còn được nghe tiếng cuộc sống quanh đây. Ban ngày, tôi nghe tiếng mọi người ra vào quán, tôi thích nhìn những đứa trẻ đến dùng bữa cơm chay trong quán, chúng hồn nhiên và nhiều sức sống.
Nhưng đêm xuống, tôi sợ bóng tôi và sự im lặng. Suốt thời gian sau khi từ bệnh viện trở về, tôi luôn để đèn sáng trong phòng. Tôi mở TV để nghe tiếng người, hay ít ra là để còn thấy sự chuyển động trên màn ảnh.
Căn phòng nhớ
Thời gian gần đây tôi khỏe hơn, tôi đã không còn để đèn sáng suốt đêm và mỗi đêm tôi cũng đã có thể chợp mắt một lúc. Tuy nhiên, tôi vẫn mang thói quen của ngày còn đi diễn, không được đi diễn tôi nhớ sân khấu lắm. Nhớ cả những say sưa mình đã vay mượn dưới ánh đèn. Dạo gần đây, Hồng Vân có mời tôi tham gia trong vở Ốc mượn hồn. Được diễn lại, tôi rất vui, những hăng được vài ba buổi đầu là đã thấy mệt. Tôi không có đủ sức khỏe nên đành phải xa sàn diễn.
Bây giờ, từ Thủ Đức lên trung tâm Sài Gòn, đối với tôi cũng đã là xa, xe cộ quá đông làm tôi mệt. Lên đến nơi, đi lòng vòng cũng gặp toàn những chỗ quen, những nơi ngày xưa mình đã diễn... Tôi sợ, gặp cảnh cũ như thế sẽ khiến mình lại nhớ nhiều hơn lúc đêm về.
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu
(Theo Thể Thao Văn Hóa)