Tâm lý sợ Tết, chán Tết giống như một loại virus ủ bệnh trong cơ thể những người đã có gia đình, đợi đến dịp cuối đông đầu xuân là bùng phát. Hội chứng sợ Tết đang âm ỉ lan nhanh trong các gia đình, gây áp lực đối với nhiều gia đình, đặc biệt là đối với các bà vợ.
Chị Thủy làm nghề giáo viên cấp 2, lương tháng chỉ gần 3 triệu đồng. Chồng chị kỹ sư ngành điện, thu nhập cũng không cao hơn là mấy, hàng tháng lo cuộc sống sinh hoạt và cho hai đứa con đi học đã khá vất vả rồi, anh chị hầu như không dành dụm được bao nhiêu. Chị than thở. "Cha mẹ hai bên đều đã già, chúng tôi không dư dật lắm nên chẳng phụng dưỡng được nhiều, mỗi năm chỉ có dịp Tết là cố gắng biếu xén các cụ một khoản ra tấm ra món. Ngoài ra còn tiền mừng tuổi, quà cáp cấp trên, tiền mua sắm quần áo cho các con, mua thực phẩm, tiền đi lại, vui chơi và trăm thứ bà giằn khác... Tết nhất mà úi xùi quá cũng mất vui, nhưng mà cố cho chu toàn thì tiền đâu cho đủ".
![]() |
Mâm cơm sum họp ngày Tết. Ảnh minh họa |
Chị Thủy ngậm ngùi kể lại tết năm ngoái, có bao nhiêu tiền dốc hết cả vào Tết, ra giêng chị đã phải vay tạm tiền của cô em gái để chi tiêu. Tháng lương sau lại trích ra để trả nợ, cuối tháng lại thiếu, lại vay, cứ thế nợ gối đầu nhau, đến tận giữa năm mới trả hết hẳn.
Anh Hảo, chị Mai thì may mắn không phải lo lắng đến vấn đề tài chính vì anh chị làm ở công ty liên doanh nên thu nhập khá cao. Tuy nhiên, công việc thì bận ngập đầu, thậm chí cả năm có 15 ngày phép anh chị cũng không dám nghỉ ngày nào. Cả năm quay cuồng với doanh số, thu chi, giao đãi... anh chị chỉ thu xếp được đôi lần về thăm nội ngoại hai bên, họ hàng cũng thưa đi lại. Nhiều lần bị bóng gió mát mẻ rằng ham tiền quên anh em nên cứ đến Tết là hai vợ chồng phải cố gắng lên lịch để đến thăm, chúc Tết, "vấn an" những người thân hoặc bạn bè thân cận.
"Nghỉ được đúng 4 ngày, lúc dừng công việc cũng là chiều 30, trong nhà còn chưa có đào, quất, hoa quả bánh kẹo hay bất cứ thứ gì của Tết, tôi đã phải lên lịch đi chúc Tết rồi. Thế là suốt 4 ngày Tết, vợ chồng con cái phải rong ruổi hết từ nhà này sang nhà khác, thậm chí tỉnh này sang tỉnh khác, mệt bã cả người vì đi lại. Chào hỏi xã giao nhiều, rượu bia tràn lan, ăn uống qua loa... nghĩ đến Tết mà hoảng", anh Hảo tâm sự.
Người phải đi nhiều mệt đã đành, người cả Tết chả ra ngoài mấy cũng mệt không kém. Chị Thu là con dâu trưởng, sống cùng bố mẹ chồng. Nhà chồng có 3 anh chị em, đều đã có gia đình riêng, ở riêng nhưng cứ đúng theo tục lệ là cuối năm kéo nhau về ăn Tết chung cùng bố mẹ và anh chị trưởng. Khỏi phải nói bố mẹ chồng chị tự hào sung sướng thế nào khi được sum vầy con đàn cháu đống, chồng chị cũng vui, các con chị cũng vui. Chỉ có chị là vất vả, suốt từ 29 Tết đã "sấp ngửa" đi chợ, lúi húi cả ngày trong bếp, tính toán sao cho đủ ăn cả nhà trong 3 ngày Tết, còn khách khứa, bạn bè của chồng, của con. Trước đó, năm nào chị cũng gãy lưỡi thuyết phục chị giúp việc ở lại ăn Tết cùng để đỡ đần chị qua "cái nạn" này, thậm chí phải tăng lương, thưởng Tết cho chị ấy nhiều hơn cả tiền chị được thưởng ở cơ quan.
"Các anh em ai cũng bảo ăn uống quan trọng gì, chị đừng bày vẽ nhưng mà mâm cơm Tết dọn lên sơ sài thì không khí mất vui. Các cô em dâu thì cũng bảo để em mỗi người một chân một tay... Nhưng mình là chủ nhà, chỉ có mình mới rành bếp núc nhà mình, các cô ấy làm được một tí thì hỏi liên tục, mình lại phải nhúng tay vào", chị Thu than thở.
Chưa hết, khách khứa đông, nhà nhiều đàn ông nên hễ ăn là uống, uống thì có người say. Bố mẹ chồng và chồng chị hiếu khách, khách say mệt là dẫn ngay vào bất kể phòng nào nằm nghỉ. Chị lại cùng người giúp việc dọn dẹp, lau chùi, xong xuôi rồi lên phòng thì đã thấy khách nằm ngủ ngon lành trên giường. Lưng mỏi nhừ, người mệt chả muốn ăn, đến nghỉ ngơi cũng không có chỗ...
Bởi thế, chị Thu và nhiều người khác thành ra ghét Tết, sợ Tết, nói đến Tết là chán nản và lo lắng. Năm nay, còn hơn một tháng nữa mới đến Tết mà giá cả đã tăng vù vù, cộng thêm sự lo lắng vào tâm trạng vốn dĩ không được vui của nhiều người.
"Nếu nói giá mà không có Tết thì cũng hơi quá nhưng 2 năm mới có Tết một lần thì có lẽ tốt hơn. Tết bây giờ tôi không muốn ăn, cũng chẳng muốn chơi, chỉ muốn được nghỉ ngơi, thư giãn. Năm nay có lẽ tôi phải học tập nhà hàng xóm, làm sẵn cái biển nhỏ "Cả nhà đi chúc Tết", lúc nào mệt thì treo ra cổng, rồi khóa cửa bên trong, tranh thủ mà ngủ nghỉ cho lại sức", anh Hảo cười cười nói.
Bình Minh