![]() |
Tỷ lệ học sinh dùng 'dế' ngày càng tăng. |
Hầu như tất cả các bậc phụ huynh khi được hỏi đều có lý do rất hợp lý, một ý đồ hẳn hoi khi quyết định sắm “dế” (điện thoại di động) cho con, như chị Thanh H., có con đang theo học Trường THPT TV: “Vợ chồng tôi quyết định mua cho con một chiếc ĐTDĐ từ giữa năm nó học lớp 10. Đương nhiên là nó thích mà gia đình cũng biết nó đang ở đâu, làm gì”.
Trước đó, người mẹ trẻ này thú nhận là con mình xin tiền đi học thêm, rồi sang nhà bạn hỏi bài, học tăng tiết... lung tung hết. Có lúc “muốn tìm nó cũng không biết nó đang ở đâu. Lúc này đường sá, xe cộ, tệ nạn xã hội... phức tạp”.
Theo Tuổi Trẻ, trong thực tế mục đích tốt đẹp ban đầu đó lại lu mờ thảm hại khi các “chú dế” đã vào tay học trò. Cuối tháng 4/2004, một số gương mặt học trò lớp 9 một trường THCS vùng trung tâm TP HCM đã xuýt xoa khi thấy cô bạn thường ngày xài chiếc Nokia 7250 giá khoảng 3 triệu đồng đã có một chiếc máy mới Nokia 6600 giá hơn 7,5 triệu, với đủ tính năng: chụp hình, quay phim, nghe nhạc...
Thật ra đó chưa phải chiếc máy trong mộng của những tay chơi “dế hifi” tuổi học trò, đặc biệt với lứa học trò THPT. Tối 16/5, một học sinh theo học tại trung tâm học thêm trên đường Trần Huy Liệu đã khuấy động cả tiết học ôn thi tốt nghiệp với chiếc Sony Ericsson P900 hết sức “hoành tráng” với giá sơ sơ gần 14 triệu đồng.
Hai câu chuyện trên minh chứng rằng học trò chơi “dế” hoàn toàn không kém chút nào so với các vị “cha chú”. Các chức năng đang được xem là tiêu chí chọn “dế” để có thể làm “nổi” được với cái giá “free” là nhạc chuông hifi (âm thanh nổi), nghe nhạc, quay phim, chụp hình, lưu trữ phim...
Chính các máy hiện đại như vậy nên dư luận sẽ không khỏi lo ngại khi biết những đoạn phim sex học trò mới nhất hiện nay thật sự đã có mặt trong một số “chú dế” đời mới lặng lẽ nằm trong cặp học trò chờ chứng minh chủ nhân biết chơi “dế” đời mới!
Còn dùng “dế” để quậy thì thật sự kinh khủng: học sinh của một lớp 11 Trường THPT LH có một thú sưu tầm rất lạ... hình ảnh thầy cô và có chủ đề hẳn hoi. Cứ lợi dụng lúc thầy cô không để ý là nhiều học sinh lấy máy ra chụp.
Có học sinh chụp ảnh cô giáo đủ bảy ngày trong tuần và phát hiện là bảy ngày đó cô mặc bảy cái áo khác nhau, rồi bình phẩm áo dài nào đẹp nhất, ngày nào cô tươi tắn nhất. Có trò còn chụp đủ 12 bàn tay của 12 thầy cô dạy lớp mình rồi cùng nhau bàn luận xem bàn tay của ai đẹp nhất...
Bởi thế, một phụ huynh có con học lớp 11 Trường THPT TV, đã phải thốt lên: ngỡ rằng mua máy để dễ kiểm soát con, ai dè...
Cụ thể, người mẹ này cho biết: “Có máy, tôi càng không hiểu nó đang ở đâu! Có lúc nó nói đang ở lớp học thêm mà sao thấy im re, không nghe tiếng giảng bài; vả lại, ngồi trong lớp làm sao dám trả lời điện thoại tỉnh bơ như vậy. Chưa hết, có lúc chuông reng, thấy nó ngó số máy rồi chạy như bay vô phòng riêng xì xào... Rồi lúc nào cũng thấy nó bấm bấm, chẳng hiểu nhắn tin cho ai mà suốt ngày, năm thi mà nó nhai điện thoại như thế thì giờ đâu mà học”.
Trước đó, chỉ trong vòng nửa năm cô bé này đã năn nỉ, xin xỏ ba má đổi máy cho mình bốn năm lần, máy sau đều có giá đắt hơn máy trước. Kết quả: từ một HS giỏi lớp chọn của trường, cô con gái ấy đã trở thành một HS trung bình ngay sau học kỳ I năm học này.
Mật độ sử dụng ĐTDĐ cũng ngày một chiếm tỷ lệ rất cao: ở một lớp 9d chỉ có 30 HS của Trường THCS TVO có đến 4 ĐTDĐ, còn ở một lớp 11 của Trường THPT LH con số là 9/49 HS, tỷ lệ hơn 20%.
Không những sử dụng ĐTDĐ trong HS ở thành thị mà chúng tôi còn ghi nhận tình trạng trên bắt đầu lan nhanh đến một số trường THPT ở nông thôn. Ở một lớp 12 của Trường THPT CG dưới miền Tây có đến bốn HS có ĐTDĐ.